Các ngân hàng thương mại đang rao bán hàng loạt bất động sản để thu hồi nợ nhưng trong bối cảnh hiện nay "đẩy hàng" không dễ. Đây cũng là cơ hội cho nhiều người săn được nhà giá rẻ.
- Thời cơ cho BĐS bán lẻ “bật dậy” sau dịch
- Những thuận lợi và khó khăn của thị trường bất động sản quý 1 trước "cú sốc" Covid-19
Do dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế khiến nợ xấu ở các ngân hàng thương mại gia tăng. Xu hướng đẩy mạnh rao bán tài sản thế chấp là BĐS để xử lý, thu hồi nợ đã được các ngân hàng thương mại xúc tiến thời gian qua và tiếp tục đẩy mạnh trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều nhà đầu tư cho biết rất quan tâm đến dự án BĐS phát mại bởi các tài sản này đã qua một vòng kiểm tra pháp lý, định giá từ các ngân hàng thương mại, nhất là những sản phẩm có vị trí tốt, giá chấp nhận được.
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia dù tài sản phát mại từ các NH sẽ có giá "mềm" hơn BĐS là nhà đất, căn hộ bên ngoài thị trường. Nhưng tất cả đều có lý do nên người mua đừng ham rẻ mà phải tìm hiểu rõ các trình tự thủ tục, xem quá trình đưa ra định giá phát mãi, các cơ quan liên quan, chủ đầu tư...
Có 3 rủi ro người mua nhà phát mãi thường gặp:
Thứ nhất, rủi ro phát sinh khi người mua nhà phát mại mua trực tiếp từ chủ nhà cũ - tức "con nợ" thông qua sự giới thiệu từ phía ngân hàng. Lý do vì đây là loại tài sản bị tịch biên, khi người mua làm việc trực tiếp với chủ tài sản (con nợ) nghĩa là họ đang giao dịch với người không sở hữu hoàn toàn tài sản. Nếu không nắm kỹ những thông tin này, người mua có thể gặp rắc rối và phải mất nhiều thời gian để giải quyết.
Thứ hai, tài sản phát mại bị vướng tranh chấp do gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác hoặc nằm trong diện quy hoạch… khiến người mua tài sản phát mại không thể sử dụng được.
Thứ ba, người mua nhà có khả năng gặp phải các vấn đề phức tạp trong mối quan hệ 3 bên gồm chủ sở hữu tài sản, ngân hàng và người mua. Chẳng hạn như trường hợp người thi hành án không hợp tác khi bắt buộc phải bàn giao tài sản; nhiều người sau khi hoàn tất thủ tục mua nhà bán đấu giá thì bị chủ nhà cũ lật kèo không chịu bàn giao tài sản.
Để tránh các rủi ro trên, nếu muốn mua các tài sản phát mại, đấu giá từ các ngân hàng thương mại, người mua dù là tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đều phải lưu ý pháp lý. Trước tiên, phải xác minh từ cơ quan thi hành án xem chủ sở hữu có thực hiện nghĩa vụ gì khác sau khi đấu giá thành công hay không? Trình tự, thủ tục như định giá khi đưa vào đấu giá, quá trình làm thủ tục phát mại tài sản có đúng hay không?
Khi mua xong nếu thủ tục rắc rối, người mua sẽ bị thiệt thòi. Như việc mua xong mà có người khởi kiện thì tòa tuyên hủy việc thẩm định giá, hủy mua bán phát mãi và lúc đó người mua phải tốn nhiều thời gian, công sức.
Nhận định trên truyền thông, chuyên gia tài chính - TS Đinh Thế Hiển cho rằng việc bán đấu giá các tài sản bảo đảm là BĐS bao gồm nhà đất, căn hộ... tại các NH thương mại hiện diễn ra khá nhiều và phổ biến. Trong khi trước đây, tài sản thế chấp là BĐS được xử lý qua nhiều kênh, nhiều cách khác nhau chứ không công khai nhiều như hiện nay. Bởi giai đoạn trước, nhu cầu giải chấp cao, thanh khoản tốt nên các NH không phải lo đi phát mãi, bán đấu giá.
"Đây có thể xem là cơ hội cho người muốn săn lùng tài sản với giá tốt. Dù vậy, những tài sản BĐS đưa ra rao bán có giá mềm nhưng phải qua nhiều thủ tục giải chấp, đôi khi trục trặc mà người mua sẽ gặp rủi ro. Xét về góc độ người mua, khi đã chọn, phải chú ý tính pháp lý, đồng thuận của chủ tài sản, pháp lý quyền mua, quyền bán của NH. Nếu không chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng "dở khóc dở cười" và trên thực tế, tài sản phát mãi từ ngân hàng không phải là dễ "ăn" - TS Đinh Thế Hiển nhận xét.
“
Thông thường, khi tiến hành mua tài sản thế chấp, người mua sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản mở tại ngân hàng; lập biên bản thoả thuận ba bên, bao gồm những bước sau:
Bước 1: Bên mua tài sản thế chấp nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng đó và yêu cầu ngân hàng phong toả tài khoản.
Bước 2: Các bên gồm bên thế chấp, bên nhận thế chấp (ngân hàng), bên thứ ba nhận mua tài sản thế chấp sẽ cùng ký với nhau Biên bản thoả thuận ba bên. Trong đó, ngân hàng đồng ý cho bên thế chấp bán tài sản và chỉ tiến hành mở phong tỏa tài khoản khi các bên đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà đất.
Bước 3: Bên thế chấp tiến hành xoá đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi đã có Biên bản thoả thuận ba bên.
”