Luật Kiến trúc: ​Nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà

Nhà đất 11/11/2018 06:44

Dự án Luật Kiến trúc lần đầu tiên được trình ra Quốc hội thảo luận nên được các đại biểu góp ý nhiều, từ kỹ thuật lập pháp đến ngôn ngữ, văn phong...

Sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Kiến trúc. Đây là dự án Luật lần đầu được lấy ý kiến tại Quốc hội nên các đại biểu góp ý nhiều nội dung, từ ngôn ngữ, văn phong đến kỹ thuật lập pháp, và đề nghị xem xét sửa đổi.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, dự thảo có một số mục quy định vừa thừa, vừa thiếu.

Luật Kiến trúc: ​Nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà - Ảnh 1

Đại biểu Hoàng Trung Hải

 Ông Hải nêu rõ: Về phạm vi điều chỉnh, nên ghi là Luật này quy định về kiến trúc, quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Dự án Luật Kiến trúc lại đưa phần kiến trúc vào trong quản lý kiến trúc thì không đúng. 

Về kỹ thuật lập pháp, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội góp ý: Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cần xem xét lại. Bởi, về mặt kỹ thuật lập pháp, chỉ cần nói tổ chức, cá nhân là đủ, nếu nói thêm cơ quan lại phải nói đến đơn vị. Mà nói đến đơn vị lại liên quan đến nhiều thứ khác.

Một vấn đề khác được ông Hải nêu là: Dự án luật này có quy định "kiến trúc công trình công cộng" phải bảo đảm "bình đẳng giới" có phần hơi khó hiểu.

Ở một góc nhìn khác, đại biểu Phạm Trọng Nhân - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho rằng, tại nhiều quốc gia họ không đặt nặng vấn đề kiến trúc xấu hay đẹp, đúng hay sai, quan trọng hơn người ta quan tâm đến chất lượng đào tạo kiến trúc sư, nhà nước quản lý những người này sau khi ra trường tham gia hội nghề nghiệp. Còn sản phẩm của những kiến trúc sư này đẹp hay xấu, được xã hội chấp nhận lại là câu chuyện khác, nhà nước không can thiệp vào vấn đề đó.

Ví dụ, người dân khi xây nhà có thể thuê kiến trúc sư, trong thẩm mỹ và trình độ nhận thức của người dân, nếu họ thấy nhà nào đẹp thì họ thuê thiết kế, nhà nước không thể bắt "mặc áo đồng phục" cho căn nhà đó, ông Nhân góp ý.

Luật Kiến trúc: ​Nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà - Ảnh 2

(Ảnh minh họa: KT)

 Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, sản phẩm kiến trúc có tính chất đặc thù, đây là hoạt động nghệ thuật, phụ thuộc chất xám. "Chúng ta không thể đánh giá hết được chất xám của kiến trúc sư đó là cao hay thấp, xấu hay đẹp, ở đây phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người", ông Nhân nói. Trong thực tế, ở trong nước có nhiều kiến trúc sư không được đánh giá cao nhưng khi tham gia các cuộc thi quốc tế thì lại được đánh giá cao.

Luật Kiến trúc: ​Nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà - Ảnh 3

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê 

 Đặt vấn đề về xử lý hài hòa giữa quy hoạch và kiến trúc, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh - đề nghị khi ban hành Luật, việc tổ chức, công cụ quản lý cũng cần phải rà soát để có cơ sở quản lý đội ngũ kiến trúc, doanh nghiệp, tổ chức hành nghề về thiết kế đô thị, thiết kế kiến trúc. 

Ông Khuê đánh giá, thực tế nhận thức về quản lý và phát triển kiến trúc chưa đúng mức. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh chia sẻ bản thân ông đã từng phát biểu ý kiến rất gay gắt về việc khách sạn Caravelle (quận 1, TP HCM) xây quá cao khiến Nhà hát Lớn từ chỗ có kiến trúc rộng rãi nay "nhìn như cái miếu".

Quản lý kiến trúc không gian bị buông lỏng. Tất cả kiến trúc không gian bị phá khi toà nhà cao tầng "chồm" hẳn lên kiến trúc đó, đại biểu Khuê nhấn mạnh./

Chung cư nghìn tỷ 'nhồi' thêm tầng, dân lo bị cắt ngọn như 8B Lê Trực

Chỉ được cấp phép 29 tầng cho ba khối nhà, nhưng chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp Central Field 219 Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngang nhiên “nhồi” thêm 1 tầng. Điều đáng nói, đến nay công trình đã đưa vào sử dụng nên nhiều cư dân mua nhà ở đây lo sợ sẽ bị cắt ngọn như cao ốc 8B Lê Trực.

TIN MỚI NHẤT