UBND tỉnh Khánh Hoà vừa có chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh trong đó nhấn mạnh không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập… để chuyển nhượng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh vừa có văn bản số 12143/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Văn bản nêu rõ, nhằm tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn, tỉnh này yêu cầu các sở ban ngành kiểm tra rà soát các quy định hiện hành và các vướng mắc trong thực tế để nghiên cứu tham mưu bãi bỏ các quy định liên quan không còn phù hợp và xây dựng quy định mới để thống nhất thực hiện.
Trong đó, yêu cầu làm rõ trình tự, thủ tục, hồ sơ; thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan đơn vị đối với nội dung yêu cầu thẩm định, tham mưu phê duyệt, quyết định chủ trương dự án đầu tư; việc quản lý, theo dõi, xử lý vi phạm, chấm dứt dự án, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa yêu cầu lưu ý đến 4 nội dung cơ bản về: Cơ sở pháp lý, trình tự thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng đối với hồ sơ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư; Biểu mẫu, nội dung của quyết định chủ trương đầu tư; Xử lý, giải quyết đề xuất của doanh nghiệp về giãn tiến độ đầu tư, điều chỉnh tiến độ dự án và điều chỉnh dự án và cuối cùng là nội dung theo dõi, quản lý và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu ngăn ngừa chuyển nhượng những dự án BĐS du lịch không đúng quy đinh.
Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở Kế hoạch- Đầu tư kiểm tra xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở, không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.
Ngoài ra, trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm hoặc đang bị xử lý vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư do UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, yêu cầu Sở này phải kiểm tra lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.
Theo Hiệp Hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), từ khoảng năm 2014 đến nay, trên phạm vi cả nước đã xuất hiện cơ sốt đầu tư phát triển một loại hình sản phẩm bất động sản du lịch mới ở nước ta, đó là các dự án căn hộ khách sạn, biệt thự, nhà phố trong các khu du lịch nghỉ dưỡng (condotel). Trong đó Nha Trang (Khánh Hoà) là một trong số 3 địa bàn phát triển nóng cùng với Đà Nẵng và Phú Quốc.
HoREA cho rằng, các chủ đầu tư dự án condotel đã đạt được lợi nhuận rất lớn, do giá bán căn hộ condotel tương đương giá bán căn hộ trung cao cấp, trong lúc giá thành thấp và nghĩa vụ của doanh nghiệp nộp tiền thuê đất dự án vào ngân sách nhà nước chưa tương xứng. Như UBND tỉnh Khánh Hoà trong báo cáo số 3014/UBND-XDNĐ (ngày 30/3/2018) đã nhận định: “Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất đối với dự án du lịch, nghỉ dưỡng quá thấp, vì thu tiền sử dụng đất theo mục đích đất sản xuất kinh doanh”.
Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nóng gần đây bất động sản du lịch đã “nguội lạnh”. Ghi nhận của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam tại Nha Trang, tổng số nguồn hàng condotel đạt 12000 căn. Trong khi đó, tỷ lệ hấp thụ từ các dự án mới được chào bán trong quý III/2018 chỉ đạt khoảng 20%. Lượng giao dịch của sản phẩm condotel tại Khánh Hòa đạt 789 sản phẩm, giảm mạnh so với quý I và quý II/2018.
Theo dự kiến năm 2019-2020, chỉ riêng TP Nha Trang và khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (khu Bãi Dài) sẽ có thêm 12 dự án condotel với hơn 12.200 căn hộ rao bán trên thị trường. Không ít ý kiến cho rằng, việc phát triển nóng BĐS du lịch nếu không có biện pháp quản lý sẽ để lại nhiều hệ lụy.