Giao dịch mua bán đất tại đảo Phú Quý diễn biến phức tạp

Nhà đất 10/05/2019 13:36

Trước tình hình mua bán đất diễn ra phức tạp, huyện đảo Phú Quý hiện đang tăng cường quản lý đất đai, không cho chuyển đổi bừa bãi...

Đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng trên biển Đông. Từ đầu năm đến nay, tình hình giao dịch mua bán đất tại đây diễn biến phức tạp. Chính quyền huyện đảo Phú Quý hiện đang theo dõi chặt tình hình và triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn các nhóm đầu cơ và người nước ngoài thu gom đất thao túng thị trường, tránh ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng trên đảo.

Giao dịch mua bán đất tại đảo Phú Quý diễn biến phức tạp - Ảnh 1

Từ đầu năm đến nay, tình trạng giao dịch mua bán đất trên đảo Phú Quý diễn biến bất thường

Gần đây, hoạt động giao dịch mua bán đất đai trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận diễn biến bất thường. Trong Quý I năm 2019, trên địa bàn 3 xã (Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải) đã có hơn 350 trường hợp giao dịch mua bán đất thành công. Lượng giao dịch mua bán đất chỉ trong một quý mà đã cao hơn cả năm 2018.

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết, việc giao dịch mua bán đất là quyền của công dân. Tuy nhiên, quỹ đất trên đảo không nhiều và đảo Phú Quý có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, cho nên đảm bảo ổn định đất đai theo quy hoạch bền vững là một trong những nhiệm vụ quản lý thường xuyên của các cấp, chính quyền trên đảo.

Giao dịch mua bán đất tại đảo Phú Quý diễn biến phức tạp - Ảnh 2

Phú Quý là huyện đảo của tỉnh Bình Thuận nằm trên biển Đông cách bờ 56 hải lý.

Huyện đảo Phú Quý hiện đang tăng cường quản lý đất đai, không cho chuyển đổi bừa bãi như một số địa phương ở trong đất liền. Đất mua bán không đúng quy hoạch sẽ không được chuyển đổi mục đích. Song song đó, huyện đảo Phú Quý cũng liên tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giá trị lâu dài của quỹ đất trên đảo.

Ông Bùi Thế Nhân cho biết: “Đất của ông bà để lại gây dựng đã bao đời thì cố gắng giữ vững cho con cháu. Nếu hôm nay chưa có điều kiện phát huy, ngoài việc làm rẫy một cách bình thường, thì giữ quỹ đất đó cho con cháu sau này có điều kiện phát triển thương mại dịch vụ. Điều đó tốt hơn là để người đất liền ra mua hết, sau này con cháu không có cơ hội làm chủ trên đất.”.

Để giảm bớt tình trạng đầu cơ gom đất, gây sốt ảo, thao túng thị trường, Huyện Phú Quý khuyến cáo người dân nên giao dịch chính chủ, bớt qua trung gian. Đặc biệt, các cán bộ đảng viên tham gia môi giới làm “cò đất” được huyện thường xuyên nhắc nhở. Thậm chí Huyện đã lưu ý, giới thiệu một số trường hợp về đơn vị, cơ sở để quản lý cán bộ.

Các nhóm cò đất chuyên nghiệp và người nước ngoài từ đất liền ra đảo tham gia hoạt động mua bán đất cũng được lực lượng chức năng trên đảo theo dõi đặc biệt, nhờ đó không để xảy ra tình trạng mất kiểm soát như những nơi khác.

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận.

Ông Bùi Thế Nhân, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý chia sẻ: “Vừa rồi chúng tôi liên tục kiểm tra kiểm soát và phát hiện có yếu tố nước ngoài đến nghiên cứu về đất, chúng tôi đã kịp thời xử lý ngay những người môi giới. Chúng tôi khuyến cáo là tuyệt đối không được giao dịch với người nước ngoài về vấn đề đất đai để đảm bảo chiến lược an ninh quốc phòng lâu dài trên đảo Phú Quý".

Đảo Phú Quý cách Phan Thiết 56 hải lý có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự trên biển Đông và là hậu cứ trực tiếp cho quần đảo Trường Sa. Do vậy, việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động mua bán đất đai trên đảo là hết sức cấp thiết, vừa đảm bảo phát triển bền vững kinh tế xã hội của địa phương vừa đảm bảo hoạt động an ninh quốc phòng.

Ký hợp đồng “chui”, Công ty Thái Bảo bị buộc trả lại tiền cho khách mua chung cư Asa Light

Trong khi pháp lý công nhận chủ đầu tư dự án căn hộ chung cư An Sinh chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận thì Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thái Bảo đã tự ý nhận tiền đặt cọc, ký hợp đồng mua bán với hàng trăm khách hàng.

TIN MỚI NHẤT