Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đạt 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, 2 tháng đầu năm 2019.
- Nhà chỉ 27m2 đẹp khó tả, ai cũng có khoảng không riêng
- TPHCM chỉ đạo tạm ngưng đấu giá và thanh tra Dự án KCN Phong Phú
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20.2.2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Cụ thể, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, tính đến ngày 20.02.2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, vốn đầu tư tăng mạnh ở cả 3 hợp phần là cấp mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần. Về cấp mới, cả nước có 514 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 2,44 tỷ USD, tăng 75,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Điều chỉnh vốn có 176 lượt dự án đăng ký với tổng vốn đăng ký tăng thêm 854,8 triệu USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Về góp vốn, mua cổ phần có 1.039 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,17 tỷ USD, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 61% tổng vốn đăng ký.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,58 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đây được ghi nhận là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 6,93 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 478 triệu USD, chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đầu tư đăng ký 306,7 triệu USD, chiếm 3,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, có 66 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,3 tỷ USD, chiếm 51% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 979,1 triệu USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký 873 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư.
Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào 44 tỉnh, thành phố, trong đó Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4 tỷ USD, chiếm 47,3% tổng vốn đầu tư.
TP.HCM đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 541,7 triệu USD chiếm 6,3% tổng vốn đầu tư.
Đánh giá về những lợi ích mà vốn FDI đổ vào lĩnh vực bất động sản, TS.Bùi Quang Tín (CEO Trường Doanh nhân Bizlight), cho rằng dòng vốn ngoại này sẽ góp phần chuẩn hóa thị trường tạo ra những giá trị theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng tầm thị trường bất động sản Việt Nam và san sẻ nhiều gánh nặng từ thị trường tài chính. Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín quan ngại về những mặt trái mà dòng vốn FDI tạo ra mà điển hình như chưa đủ và chưa thực sự giúp cho thị trường này phát triển theo đúng kỳ vọng.
TS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc thu hút vốn FDI vào bất động sản còn đưa tới thách thức cho các doanh nghiệp nội cũng như đối với quốc gia khi đất là nguồn tài nguyên quý giá. “Vì vậy việc tính toán đến lợi ích lâu dài của đất nước, của các doanh nghiệp địa ốc trong nước, của môi trường sống cho các thế hệ tương lai cần đặt lên hàng đầu khi cân nhắc ưu đãi các dự án FDI”.