Kết thúc quý 3, Xây dựng Hòa Bình chỉ đạt 68,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm trước.
- Đại gia ngoại rót 2,9 tỷ USD vào bất động sản Việt Nam từ đầu năm
- Giả nghèo để giành suất nhà ở xã hội?
Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã CK: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với kết quả không mấy sáng sủa.
Báo cáo cho thấy, doanh thu thuần trong kỳ của HBC là 4.615 tỷ đồng, giảm nhẹ khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng 136 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt mức 4.343,6 tỷ đồng khiến lãi gộp quý 3 của HBC đạt 271,3 tỷ đồng, giảm 44%.
Mặc dù một số chi phí phát sinh trong kỳ của Hòa Bình được giảm như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp nhưng kết thúc quý 3, Hòa Bình chỉ đạt 68,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm tới 67% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, Hòa Bình ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 13.646 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm sâu, chỉ đạt 243,5 tỷ đồng.
Trong khi cùng kỳ năm ngoái, HBC ghi nhận mức lão hơn 507 tỷ đồng. Như vậy mức giảm tới hơn một nửa.
Tính tới hết 30/9/2019, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 4.930 tỷ đồng, tăng 853 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản lỗ từ công ty con và công ty liên doanh, liên kết cũng tăng.
Năm 2019 là một năm không thuận lợi cho các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Trước đó, nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam là Công ty CP Xây dựng Coteccons cũng có lợi nhuận sụt giảm tới 65% trong quý 3.
Văn bản giải trình của lãnh đạo Coteccons về tình trạng sa sút doanh thu cho hay, nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn chung của ngành xây dựng. Các dự án bất động sản đã ký nhưng ngưng triển khai hoặc triển khai chậm, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp xây dựng trong giai đoạn đấu thầu do nguồn việc ít ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của doanh nghiệp.
Trong khi đó, Xây dựng Hòa Bình với mã HBC cũng từng được xem là mã cổ phiếu “hot” đối nhiều đầu tư. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, góc nhìn của giới đầu tư bắt đầu dè chừng đối với HBC ở các khoản phải thu lớn gần 3 lần so với vốn chủ sở hữu, lợi nhuận suy giảm.
Những khó khăn này cũng đã phản ánh vào giá cổ phiếu HBC. HBC liên tục giảm giá từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh mức 13.150 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách và giảm 65% so với mức đỉnh điểm cách đây hai năm.
Cuối năm 2018, dư luận từng xôn vào việc Hòa Bình đã phải “kêu cứu” vì chủ đầu tư - một doanh nghiệp bất động sản khá lớn - nợ hơn 200 tỷ đồng rất lâu mà chưa thanh toán.
Có lẽ đây không phải là trường hợp hy hữu đối với các công ty trong ngành xây dựng. Nếu không may, nhà thầu vướng phải những chủ đầu tư lắt léo, chây ỳ thì các khoản phải thu của công ty đó sẽ trở nên chật vật hơn.
Để bù lại khoản nợ đọng quá lớn từ phía khách hàng, Hòa Bình đã có khoản nợ vay rất lớn. Tính đến hết 30/8/2019, Hoà Bình có khoản nợ phải trả là 12.813 tỷ đồng, có xu hướng giảm nhẹ so với con số đầu năm. Tuy nhiên tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản vẫn khá cao, hơn 80%.
Trong bối cảnh hoạt động xây dựng không thuận lợi, Hòa Bình lập quỹ đầu tư bất động sản, chứng khoán. Cuối tháng 9 vừa qua, Hòa Bình hợp tác với IBG giới thiệu Quỹ Đầu tư Hòa Bình Infinity, mục tiêu quản lý các nguồn quỹ, vốn và khởi tạo ra các công cụ quản trị tài chính hiệu quả theo đặc thù của ngành xây dựng để thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh và phát triển thị trường nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu…
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết quỹ đầu tư hướng đến các cơ hội bất động sản tại Việt Nam và nước ngoài như Mỹ, Canada, Australia, Myanmar… kết hợp vừa là nhà đầu tư và đơn vị thi công đầu tư sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong chi phí và tối ưu hóa được lợi nhuận.