Cẩn thận với lời chào mời của môi giới bất động sản trên mạng

Nhà đất 21/05/2019 13:00

Địa chỉ nhà trên quảng cáo một nơi nhưng thực tế một nẻo, hình ảnh khác xa quảng cáo, giá cáo gấp 4 - 5 lần... Đó là những vấn đề mà những người có nhu cầu mua nhà đất đang gặp phải khi tìm hiểu trên mạng.

Loạn thông tin bất động sản (BĐS) trên mạng

Thời đại công nghệ số phát triển, việc người dân sử dụng internet để tìm kiếm nhà ở hoặc đất đã không còn xa lạ. Khi gõ từ khóa “mua nhà” trên google, chỉ chưa đầy 1 giây đã có hơn 440 triệu kết quả tìm kiếm. Tuy nhiên, những thông tin mua bán này liệu đúng thực tế và nhu cầu như trên quảng cáo hay không thì chỉ khi gặp trực tiếp môi giới mới có thể biết tường tận.

Anh Phùng Minh Đạt (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết, anh có nhu cầu mua đất hoặc nhà ở tại TP.HCM. Sau khi tìm thông tin trên mạng, anh thấy có người đăng tin bán đất tại một khu công nghiệp ở huyện Bình Chánh, (TP.HCM) với giá hợp túi tiền. Tuy nhiên, khi đi xem đất cùng môi giới thì thấy không giống như thông tin và hình ảnh đăng quảng cáo trên mạng. Lô đất này thuộc địa bàn huyện Đức Hoà, tỉnh Long An chứ không phải ở huyện Bình Chánh như quảng cáo.

Không những thế, ngoài việc đăng hình ảnh minh họa để câu khách, nhiều môi giới bất động sản còn rao bán với giá rất rẻ nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, khi gọi điện liên hệ thì người môi giới cho biết đó chỉ là giá của 1/3 hoặc 50% giá trị sản phẩm. Nếu muốn mua với giá rẻ hơn thì đặt cọc trước, khi nào mở bán sẽ thông báo.

Nhiều lô đất khi chưa thể tách ra được từng nền cũng được môi giới rao bán rầm rộ. Khi khách có nhu cầu xem sổ hồng trước thì được biết phải đóng hơn 90% giá trị lô đất mới có thể “ra sổ”.

Bên cạnh đó, nhiều môi giới còn dùng “chiêu” đăng nhà, đất chính chủ giá rẻ, khi khách hỏi mua thì được thông báo “đã bán” nhằm tạo khan hiếm và minh bạch đối với khách hàng. Đồng thời, những người môi giới này giới thiệu cho khách những nơi khác với giá cao hơn. Nếu bán ra thành công, môi giới ngoài hưởng hoa hồng còn có thể hưởng chênh lệch so với giá gốc rất nhiều. Nhiều người vì ham giá rẻ đã dính “bẫy” của môi giới.

Cẩn thận với lời chào mời của môi giới bất động sản trên mạng - Ảnh 1
Ảnh minh họa: Internet

90% thông tin rao bán BĐS là không chính xác

Ông Trần Minh Hoàng - Phó Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết, hiện có hơn 160.000 cá nhân hành nghề môi giới BĐS, tuy nhiên chỉ có gần 40.000 người có chứng chỉ hành nghề, chưa kể trong số đó có những chứng chỉ đã hết hạn thừa nhận.

Ông Hà cũng cho biết theo đánh giá thì hiện nay tin rao BĐS đến 90% là không chính xác. Đó thường là những thông tin sai vị trí, sai giá cả, các chương trình tri ân... Để tìm được một tin chính xác, đúng giá tiền đăng bán và giao nhà đúng thời hạn thật sự rất khó.

Nguyên nhân của việc này, ông Hoàng cho rằng lỗi là ở người môi giới và một phần ở việc quản lý người môi giới chưa tốt. Ở những nước ngoài, người môi giới BĐS được kiểm soát rất chặt chẽ. Khi người môi giới đăng tải sản phẩm phải gắn kèm mã số hành nghề, nếu tin không chính xác thì người này phải chịu trách nhiệm.

Trước việc người dân mất niềm tin vào môi giới nhà đất, hiện nay đã có không ít các doanh nghiệp BĐS đã dụng công nghệ vào quá trình hoạt động. Tuy nhiên vẫn không thể đáp ứng được tính minh bạch cho khách hàng vì không thể nhận dạng hoặc xác minh thông tin thật về nhà chính chủ và giấy tờ pháp lý.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Phạm Văn Lâm - Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết thêm, những trường hợp người môi giới nói không đúng làm nhiều người dân “tiền mất tật mang”, đồng thời ảnh hưởng tới những hợp đồng ký kết của doanh nghiệp. Để thắt chặt tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng cần có luật pháp rõ ràng. Môi giới phải làm việc trên 6 tháng, sau đó cấp chứng chỉ và mã số hành nghề. Nếu mắc sai phạm có thể tước chứng chỉ hành nghề, hoặc nếu nghiêm trọng có thể xử lý theo pháp luật.

Hà Nội lại 'bêu' tên các doanh nghiệp BĐS chây ỳ nợ thuế

Các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản (BĐS) như: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Lũng Lô 5; Công ty CP Constrexim – Meco, Công ty CP SIC; Công ty CP Xây dựng số 12 Thăng Long; Công ty TNHH xây dựng công trình Hoàng Hà; Công ty CP Lilama; Công ty TNHH đá quý Thế Giới; Công ty TNHH Kim Anh... là những cái tên vừa được Thuế Hà Nội công khai nợ thuế, phí và các khoản liên quan đến đất đai với số nợ hơn 1.126,6 tỷ đồng.

TIN MỚI NHẤT