"Trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển đầu tư, nhu cầu bất động sản công nghiệp, nhà ở cao cấp và bình dân dự báo sẽ tăng mạnh, nhất là các địa bàn lân cận Trung Quốc, các địa bàn có khả năng đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, nhân lực và môi trường đầu tư thông thoáng, hợp lý" - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV - TS Cấn Văn Lực nhận định.
- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn: 26.000m2 đất bỏ hoang sẽ được phân lô bán nền
- Bán căn hộ chung cư PHC Complex 158 Nguyễn Sơn ngoài luật?
Về cơ bản, TS. Cấn Văn Lực cho rằng đầu tư vào Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào một số đối tác lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đây là những đối tác có cam kết lâu dài, có chiến lược và vốn đầu tư FDI lớn tại Việt Nam. Do đó, trong ngắn hạn, rất khó để dòng vốn FDI có thể đảo chiều.
Chiến tranh thương mại có thể là cớ để Mỹ áp thuế lên các nước khác
“Đối với đầu tư từ Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể là cớ để Tổng thống Donal Trump lập nên các hàng rào thuế quan, tăng thuế đối với tài sản của Mỹ tại nước ngoài và ưu đãi khác để khuyến khích các tập đoàn Mỹ rút từ các nền kinh tế mới nổi về đầu tư trong nước, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể khiến dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư tại Trung Quốc cũng có xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam như Procon Pacific, Brooks, thậm chí cả Apple… trước đây sản xuất đa số sản phẩm tại Trung Quốc hiện đang ý định chuyển sang ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Đối với đầu tư từ Trung Quốc, vốn đầu tư từ các DN Trung Quốc dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu tư tại Việt Nam vẫn tương đối thấp so với Trung Quốc.
Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang ASEAN và Việt Nam
Điểm tích cực là đang có xu hướng chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang ASEAN, trong đó Việt Nam để tránh bị ảnh hưởng thuế và giảm chi phí kinh doanh.
“Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút FDI; Việt Nam cần sàng lọc, lựa chọn, tiếp nhận các dự án, chương trình đầu tư theo hướng thu hút đầu tư vào các ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; đồng thời, các chính sách ưu đãi đối với các dự án FDI cũng cần điều chỉnh theo hướng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội và kết nối doanh nghiệp trong nước”, TS Cấn Văn Lực nhận định.
Đối với đầu tư gián tiếp, trong bối cảnh rủi ro, nhiều nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi về các thị trường ít rủi ro hơn, an toàn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam là một trong số ít nước mới nổi có nhà đầu tư ngoại mua ròng, với mức gần 1,9 tỷ USD (tăng 60% so với năm 2017).
Theo TS Cấn Văn Lực, trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, trong ngắn hạn, Việt Nam chịu tác động tiêu cực về xuất khẩu; nhưng cơ hội thu hút, chọn lọc đầu tư cùng với nhu cầu bất động sản công nghiệp và nhà ở cao cấp và bình dân là hiện hữu. Mặc dù vậy, rủi ro, thách thức từ cuộc chiến thương mại này là rất khó lường.
“Cơ hội là có, nhưng cần quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh; chủ động, tăng năng lực cạnh tranh và hấp thụ để hạn chế rủi ro, thúc đẩy xuất khẩu và tỉnh táo sàng lọc dự án, dòng vốn đầu tư, tránh hệ lụy lâu dài”, TS Cấn Văn Lực nhận định.