Nếu nghĩ trừng phạt con theo 3 cách này là đúng đắn thì các bậc cha mẹ đã sai lầm, bởi chẳng những không có tác dụng mà nó còn tạo ra vết thương tâm lý ám ảnh suốt cả đời con trẻ.
Ông bà thường có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” nên việc trừng phạt bằng đòn roi, bạo lực đối con trẻ trở thành điều bình thường trong suy nghĩ của nhiều người. Thế nhưng, con trẻ thời nào cũng vậy, tâm lý và cảm xúc của chúng như những trang giấy trắng, dễ bị tổn thương vẩn đục và bị ảnh hưởng từ những người xung quanh, nhất là ông bà, bố mẹ. Trong thời đại này, đòn roi không phải là cách tối ưu để dạy dỗ một đứa trẻ.
Nuôi dạy con không tránh được những lúc con phạm lỗi và cha mẹ cần phải có cách để con hiểu ra sai lầm của mình, để làm tròn trách nhiệm của người cha người mẹ, các bậc phụ huynh hãy ghi nhớ 3 điều nên tránh khi trừng phạt con.
Không dùng đòn roi, bạo lực
Có vẻ đi ngược lại cách dạy con của người xưa nhưng việc không dùng đòn roi trừng phạt hoàn toàn đúng với nhiều đứa trẻ, ngay cả những bé nghịch ngợm, hiếu động và có phần ương bướng.
Dùng đòn roi có thể là hình thức kỷ luật nghiêm khắc của cha mẹ, nó rất hiệu quả trong những lần đầu nhưng càng về sau lại càng lộ ra những điểm bất lợi. Nếu con sai gì, bố mẹ cũng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hay đè ra đánh thì trẻ sẽ có tâm lý sợ sệt, ám ảnh những trận đòn của bố mẹ. Hay nếu biện pháp này được sử dụng lâu dài thì những trẻ sẽ quen những trận đòn đó và trở nên lì đòn, sau này khi khôn lớn mọi việc khúc mắc chúng đều giải quyết bằng bạo lực.
Không đánh mắng con ở nơi công cộng, đặc biệt là trước mặt bạn bè con
Ai sinh ra cũng có lòng tự trọng và sự sĩ diện của bản thân, một đứa trẻ cũng không ngoại lệ. Nếu cha mẹ nóng nảy đánh mắng và trừng phạt con ở chỗ đông người sẽ tạo ra tâm lý xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối… khi những cảm xúc tiêu cực này bị dồn nén quá lâu đến mức đỉnh điểm sẽ ảnh hưởng tính cách, khiến trẻ hành động tiêu cực không báo trước.
Ngược lại, nếu trẻ có thể vượt qua được những cảm xúc tiêu cực đó thì nó cũng trở thành một nỗi xấu hổ, ám ảnh suốt cả cuộc đời con. Lúc này, chẳng ai khác, chính cha mẹ đã gây ra vết thương lòng cho đứa con của mình. Có thể các con không chia sẻ với cha mẹ nhưng từ sâu thâm tâm, mỗi khi nhớ về điều đó, chúng đều gặm nhấm sự xấu hổ, ngại ngùng… lâu dài tạo nên tâm lý thiếu tự tin, dễ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực.
Không vứt bỏ hay đuổi trẻ ra khỏi nhà
Nhiều bậc phụ huynh thường trừng phạt con bằng cách “đuổi” con ra khỏi nhà khi trẻ hư. Bố mẹ có thể đóng cửa, nhốt con bên ngoài, dọa “hư sẽ không nuôi nữa”, hay vứt cho con bọc quần áo rồi đuổi đi để đe dọa con.
Dù chỉ là hình phạt có tính răn đe, dọa dẫm nhưng vô tình cha mẹ lại tạo ra vết thương cực lớn cho trẻ. Nhiều em bé đã thực sự suy sụp khi nghĩ rằng bố mẹ không yêu con nữa, vì sai lầm nhỏ mà bị bố mẹ bỏ rơi. Điều này làm trẻ sợ hãi, hoảng loạn, lâu dần hình thành tâm lý sợ làm sai sẽ bị mẹ ghét. Sau này ra xã hội, khi trở thành người trưởng thành trẻ sẽ luôn có tâm lý tự ti, lo âu và đề phòng, không dám hành động hay làm việc gì chỉ vì sợ sai.
Trong trường hợp khác, biện pháp trừng phạt này sẽ nhanh chóng phản tác dụng khi cha mẹ lại cho con vào nhà, hay đi tìm con… nó làm cho lời nói của cha mẹ không có trọng lượng, mất hẳn tính nghiêm khắc trong mắt con trẻ. Ngoài ra, khi phạt con theo kiểu này, cha mẹ có thể đối mặt với những nguy hiểm không lường nếu trẻ bỏ nhà đi thật, nằm ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ.
Thay vì phạt con theo kiểu đòn roi, đánh mắng ở bất cứ đâu, đuổi ra khỏi nhà thì cha mẹ có thể chọn cách bắt trẻ làm việc nhà, bắt trẻ đọc sách hay đứng úp mặt vào tường… mỗi hình phạt tương ứng với một lỗi sai mà trẻ mắc phải. Trừng phạt con không phải là xấu nhưng cha mẹ nên nhớ hãy dùng biện pháp trừng phạt ít tổn thương nhất mà vẫn đảm bảo được các con hiểu ra vấn đề, hiểu ra lỗi sai của mình.