Mỗi gia đình đều có quan điểm riêng về cách nuôi dạy con trở thành đứa trẻ tự tin và thành công. Nhưng có 5 phương pháp nổi bật và hiệu quả được đánh giá cao từ các ông bố bà mẹ đã từng dạy con thành công.
Với các gia đình có con nhỏ, ngoài việc chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho bé thì kiến thức về việc nuôi dạy con để trở thành đứa trẻ tự tin, độc lập và thành công cũng quan trọng không kém. Ai cũng có quan điểm riêng về cách nuôi dạy con tự tin hơn, bản lĩnh và thành công hơn, nhưng không phải phương pháp nào cũng đúng và được đánh giá cao về tính hiệu quả.
Carl Pickhardt, một nhà tâm lý học và là tác giả của những cuốn sách về nuôi dạy con cái, cho rằng: "Trách nhiệm của cha mẹ là tạo thật nhiều cơ hội cho con tiếp xúc với cuộc sống và mở ra những trải nghiệm để con có thể phát triển sự tự tin khi đối mặt với thế giới rộng lớn bên ngoài".
Một cặp vợ chồng có cô con gái 7 tuổi, tuy còn nhỏ nhưng cô bé đã tỏ ra khá dạn dĩ và vô cùng tự tin trước đám đông. Khi được hỏi vợ chồng cô có phương pháp gì để nuôi dạy con gái có phong thái tự tin và bản lĩnh như vậy thì người mẹ chia sẻ rằng: "Đơn giản là chúng tôi để con được theo đuổi sở thích của chính mình". Bằng cách để con được tự trải nghiệm các lĩnh vực khác nhau và cho con cơ hội tiếp xúc với những điều mới lạ, cặp vợ chồng này đã giúp con gái họ khám phá ra những gì con thực sự giỏi và có thể tìm ra điều mà bản thân bé yêu thích.
Sau đây là 5 phương pháp dạy con của những ông bố bà mẹ đã thành công trong việc nuôi dạy con trở thành đứa trẻ cá tính, độc lập và tự tin.
1. Kịp thời khen ngợi con
Khi con chấp nhận thử thách mới, trẻ sẽ cần đến sự can đảm và thậm chí mạo hiểm để thực hiện nó, cho dù đó chỉ là tham gia một câu lạc bộ của trường hay xung phong trở thành người lãnh đạo trong một nhóm dự án. Việc đi theo lối mòn để tránh vất vả chắc chắn là dễ dàng hơn, vì vậy khi con quyết định chấp nhận thử thách mới, cha mẹ hãy cổ vũ, khuyến khích và kịp thời dành lời khen ngợi cho trẻ.
2. Rèn luyện vất vả mới có thành quả
Cha mẹ thông thái hiểu rằng không có lối tắt để đi đến thành công, và không ai tự dưng trở nên giỏi giang mà không có sự rèn luyện. Việc thực hành, thường xuyên rèn luyện không chỉ giúp trẻ bồi dưỡng năng lực mà còn giúp nâng cao tính kỷ luật, trân trọng những gì đã đạt được, trẻ không còn cảm thấy đó là quyền lợi để hưởng thụ, qua đó tự tin hơn khi thực hiện những mục tiêu tiếp theo.
3. Để con tự tìm giải pháp
Chuyên gia, tác giả Pickhardt giải thích: "Sự giúp đỡ của cha mẹ có thể là tác nhân khiến trẻ mất tự tin và không thể tự tìm giải pháp của riêng mình. Kỹ năng giải quyết vấn đề được phát triển ngay từ nhỏ, vì vậy nếu cha mẹ tiếp tục can thiệp và giải quyết xung đột thay cho con sẽ chỉ càng khiến con thụ động hơn mà thôi. Hãy để trẻ tự nắm bắt cơ hội và đưa ra cách giải quyết một vấn đề bằng chính suy nghĩ và ý kiến của con".
4. Đặt mục tiêu phù hợp với lứa tuổi
Những mục tiêu không thực tế có thể khiến trẻ tự ti, chán nản khi không thể hoàn thành hay đáp ứng mục tiêu đó. Cha mẹ cần nhớ rằng con vẫn chỉ là một đứa trẻ, vì vậy hãy đưa ra những mục tiêu và yêu cầu phù hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh của từng bé.
5. Khuyến khích trẻ giao tiếp: người thật-việc thật
Pickhardt cho rằng: "Sự tự tin trong thế giới ảo mặc dù cũng quan trọng nhưng nó không giống với sự tự tin, độc lập ở thế giới thực. Vì vậy cha mẹ cần tỉnh táo và không để trẻ đắm chìm trong thế giới ảo đến nỗi không còn biết làm thế nào để liên kết với một người thực-việc thực". Hãy rời bỏ màn hình và để con giao tiếp, trò chuyện với những người xung quanh như anh chị em, bạn cùng lớp hoặc người thân trong gia đình để tăng cường sự tự tin, dẹp tan tính rụt rè, nhút nhát.