TS. Vũ Việt Anh - chuyên gia giáo dục tâm lý, kỹ năng sống cho biết, để gia đình có kỳ nghỉ vui vẻ, cha mẹ nên dạy con những kiến thức cơ bản giúp bé tự bảo vệ mình và biết cách xử lý khi có tình huống xảy ra.
- Kỹ năng tối thiểu khi đi thang cuốn trẻ phải biết để tránh tai nạn đáng tiếc
- Từ cái tát tụ máu môi đến nhốt tủ quần áo: Không yêu trẻ đừng làm nghề nuôi dạy trẻ
Theo TS. Vũ Việt Anh, trước khi đi du lịch, phụ huynh lên kế hoạch càng chi tiết càng tốt vì sẽ ít gặp những vấn đề phát sinh. Sau đó, phụ huynh lên danh sách những đồ dùng cần mang theo như: Giấy tờ tùy thân (giấy khai sinh nếu đi bằng máy bay, thẻ bảo hiểm y tế, sổ khám bệnh để bác sĩ có thể biết được tiền sử của bé nếu chẳng may bé gặp vấn đề về sức khỏe); quần áo; dụng cụ y tế (thuốc hạ sốt, dị ứng, thuốc đi ngoài, băng dán vết thương); xạc điện thoại dự phòng..
Về đồ dùng cá nhân, có trẻ nhỏ nên những đồ dùng thường xuyên cho trẻ như bỉm, bình sữa, sữa nên đựng ở túi riêng để dùng cho bé khi nghỉ dọc đường, không nên đóng hết trong vali vì lúc cần gấp lấy ra sẽ khó.
Nếu đi du lịch bằng ô tô vào buổi tối, nên dán miếng phản quang để đi đường được an toàn hơn.
Những điều cần lưu ý với trẻ
Nói về nơi sẽ đến: Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh cho rằng, cha mẹ nên giới thiệu qua với trẻ về nơi gia đình sẽ đến, những đặc điểm nổi bật ở đó để trẻ có thể hình dung và thấy hào hứng khi đi.
Nhớ số điện thoại của bố mẹ: Trẻ con rất hiếu động, đôi khi mải chơi đùa trẻ có thể bị lạc gia đình hoặc đoàn đi. Vì vậy, cần dạy trẻ nhớ số điện thoại của bố mẹ để phòng khi bị lạc trẻ có thể nhờ người bản địa hoặc những người tin tưởng như công an, bảo vệ giúp đỡ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể ghi thông tin của mình (tên, số điện thoại, địa chỉ nhà) trên mảnh giấy và cho vào túi balo cùng đồ cá nhân của trẻ để trẻ đeo. Những thông tin trên sẽ giúp trẻ dễ dàng tìm được bố mẹ nếu chẳng may bị lạc.
Không nhận đồ từ người lạ: Đi du lịch thường đến những nơi lạ, ở đó có nhiều người từ các nơi khác nhau. Vì vậy, cần dạy cho trẻ biết cách bảo vệ bản thân phòng trường hợp những kẻ bắt cóc có ý định xấu. Đó là: Không nhận bất kỳ đồ vật nào từ người lạ, hạn chế tiếp xúc với người lạ.
Cho bé mặc áo phao khi đi biển: Khi cho trẻ tắm biển, cần trang bị cho bé những dụng cụ an toàn như phao bơi, dặn bé không bơi chỗ cấm, không bơi ra xa khi không có người lớn bơi cùng.
Đặc biệt, trẻ cần tránh dòng chảy xa bờ. Dòng chảy xa bờ là dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Nơi có dòng chảy xa bờ thường là vùng nước lặng, hầu như không có sóng. Đây là dòng chảy rất nguy hiểm, kể cả với người lớn biết bơi, bởi dòng này sẽ kéo người ra xa bờ. Người bị kéo xa bờ dễ bị kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.
ca-nha-di-du-lich-can-chuan-bi-cho-tre-nhung-gi-2 Cha mẹ phải luôn để mắt đến con, không để con rời xa khỏi tầm quan sát của mình để tránh điều không hay xảy ra. Ảnh minh họa.
Nếu đi du lịch lên rừng, núi: Dạy con cách định vị phương hướng. Nếu không may bị lạc trong rừng, dạy trẻ cần tìm đến nơi có dòng nước, đánh dấu trên cây để tránh bị lạc sâu hơn. Bên cạnh đó, trong rừng thường có côn trùng.
Để phòng côn trùng cắn, cần cho bé đeo giầy đi rừng, xịt thuốc chống côn trùng, hướng dẫn trẻ cách lấy nước khi ở trong rừng như hứng giọt sương ở trên lá...
Đi du lịch nước ngoài: Nếu đi du lịch nước ngoài, cha mẹ hướng dẫn con cách sử dụng bản đồ, giữ card của khách sạn nơi gia đình ở, cho con biết số điện thoại của đại sứ quán trong nước ở nước mà gia đình sẽ đến để phòng trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ.
Nếu bị lạc, trẻ nên tìm đến cơ quan ông an, cửa hàng lớn nhờ người bản địa gọi nhân viên khách sạn đến đón, hoặc nhờ người gọi cho đại sứ quán nhờ giúp đỡ.
Cùng với đó, cha mẹ dạy con sử dụng các phương tiện công cộng, văn hóa vùng miền nhằm tránh con bị sốc, vi phạm về văn hóa.
“Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cha mẹ phải luôn để mắt đến con, không để con rời xa khỏi tầm quan sát của mình”- chuyên gia Vũ Việt Anh nhấn mạnh.