Đây là cách làm 5 món mặn vừa bổ dưỡng, thơm ngon lại ấm nóng, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình mà bạn có thể nấu trong ngày Đông chí.
- Uống 1 cốc mỗi ngày: Cách làm 5 loại trà trái cây giúp bạn sưởi ấm trong tiết trời mùa đông lạnh giá
- Nấu món ăn "2 trong 1" thơm ngon đủ chất, kết hợp cùng bánh mì hay cơm, bún đều hợp
Theo lịch pháp nông nghiệp phương Đông cổ đại, tiết Đông chí là một trong 24 tiết khí của năm, khởi đầu từ điểm giữa của mùa đông. Theo quan điểm khoa học phương Tây, ngày Đông chí là thời điểm mà mặt trời xuống tới điểm thấp nhất về phía nam trên bầu trời để sau đó bắt đầu quay trở lại phía bắc.
Ngày Đông chí là ngày đầu tiên của tiết Đông chí. Tiết khí này thường bắt đầu vào khoảng ngày 21 - 22/12 Dương lịch và kết thúc vào khoảng ngày 5 - 6/1 của năm sau, trước khi tiết Tiểu hàn bắt đầu.
Theo quan niệm phương Đông, tiết Đông chí là khoảng thời gian mọi sinh vật tập trung khí lực, chuẩn bị cho giai đoạn sinh sôi, phát triển mạnh mẽ vào mùa xuân. Đông chí là thời gian lạnh nhất trong năm. Nhiệt độ thấp, thời tiết thay đổi khiến con người rất dễ ốm, nhất là những người mắc bệnh đường hô hấp, xương khớp. Vì vậy, trong những ngày này, mọi người cần chú ý giữ gìn sức khỏe, trong sinh hoạt và làm việc cần thay đổi thời gian biểu cho phù hợp với thời tiết.
Ngoài việc giữ ấm khi ra ngoài, mọi người cần phải duy trì chế độ ăn uống đủ chất và lượng, không nên kiêng khem thái quá vì cơ thể cần nhiều năng lượng để làm ấm. Cần bổ sung đầy đủ các vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng.
Dưới đây là cách làm 5 món mặn vừa bổ dưỡng, thơm ngon lại ấm nóng, phù hợp với mọi lứa tuổi mà bạn có thể nấu trong những ngày Đông chí.
1. Sườn chiên om hạt dẻ
Chuẩn bị nguyên liệu làm món sườn chiên om hạt dẻ
500g sườn heo, 150g hạt dẻ, 1 củ gừng lát, 1 cây hành baro, lượng đường phèn thích hợp, 2 nhánh hoa hồi, một ít quế, 2 lá nguyệt quế, 2 thìa rượu nấu ăn, 1 thìa nước tương, 1 thìa nước tương đen, một ít bột cốt gà (tùy thích), một ít dầu hào.
Cách làm món sườn chiên om hạt dẻ
Bước 1: Sườn rửa sạch, chặt thành từng miếng nhỏ. Cho lượng nước thích hợp vào nồi, thêm sườn. Tiếp theo cho gừng và 1/2 lượng hành baro thái khúc vào để khử mùi tanh. Bật bếp và chần sườn để loại bỏ bọt bẩn và lượng máu dư thừa. Bóc vỏ hạt dẻ, rửa sạch và để riêng hoặc bạn có thể mua hạt dẻ đông lạnh đã bóc sẵn vỏ.
Bước 2: Đun nóng dầu trong chảo, khi dầu nóng thì cho đường phèn vào xào. Vặn lửa nhỏ lại và xào đến khi đường có màu nâu thì cho sườn vào chiên đều, sém cạnh. Khi sườn chuyển vàng cánh gián nhẹ thì cho hành baro, gừng lát, hồi, quế, lá nguyệt quế vào xào cho đến khi dậy mùi thơm.
Bước 3: Sau đó thêm nước tương, dầu hào, một chút nước tương đen và bột cốt gà (tùy thích) cho vừa ăn. Đảo đều cho đến khi ngấm gia vị. Thêm hạt dẻ và một lượng nước thích hợp ngập các nguyên liệu, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong 30 phút.
Bước 4: Sau khi nấu xong, mở nắp nồi và đảo đều tay trên lửa lớn để món ăn rút bớt nước. Món ăn hoàn thành, lấy ra đĩa, trang trí với hành lá cắt nhỏ rồi dùng.
2. Thịt bò sốt cà chua và trứng
Nguyên liệu để làm món thịt bò sốt cà chua và trứng
2 quả cà chua, 2 quả trứng, 350g thịt thăn bò, một chút tinh bột bắp, 1 thìa nước tương, 1 thìa dầu hào, chút muối.
Cách làm món thịt bò sốt cà chua và trứng
Bước 1: Thịt bò rửa sạch sau đó thấm khô nước. Thái thịt bò thành từng lát mỏng. Sau đó thêm nước tương, chút tinh bột bắp vào trộn đều và ướp trong 10 phút. Đập trứng vào tô, khuấy đều và đặt sang một bên. Cà chua rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ.
Bước 2: Đun nóng dầu trong chảo, khi dầu nóng, cho trứng vào chiên chín thì đảo đều rồi để riêng. Tiếp tục đun nóng dầu trong chảo, cho thịt bò vào xào cho đến khi thịt chuyển màu thì đặt sang một bên.
Bước 3: Cho dầu vào chảo đun nóng lại thì cho cà chua vào xào. Khi cà chua tiết nước và mềm ra thì cho trứng và thịt bò vào xào đều. Cuối cùng, thêm chút muối và dầu hào cho vừa miệng, đảo đều cho đến khi ngấm gia vị thì lấy ra đĩa và thưởng thức.
3. Gà hấp bí đỏ, nấm
Chuẩn bị nguyên liệu làm gà hấp bí đỏ, nấm
350g bí ngô (bí đỏ), 1 túi nấm bạch ngọc, 8-10 cây nấm hương, 250g đủi gà rút xương, 3 cây hành lá (2 cây cắt khúc, 1 cây xắt nhỏ), gừng thái sợi, một chút tinh bột bắp.
Cách làm gà hấp bí ngô, nấm
Bước 1: Thịt gà mua về bóp sạch với muối, chút rượu nấu ăn và gừng. Sau đó dùng khăn bếp thấm khô nước rồi cắt thành miếng nhỏ. Thêm gừng thái sợi, hành lá cắt khúc, nước tương, tinh bột và dầu ăn vào, trộn đều và ướp trong 10 phút.
Bước 2: Cắt bỏ rễ nấm bạch ngọc và nấm hương, rửa sạch. Sau đó cắt nấm hương thành từng lát mỏng. Gọt vỏ bí đỏ, rửa sạch và cắt thành miếng nhỏ. Tiếp theo bạn chuẩn bị một khay sứ, xếp nấm và bí đỏ lên, cho thịt gà đã ướp lên trên. Đun sôi nước và hấp gà, bí ngô, nấm trong khoảng 30 phút. Sau khi hấp xong lấy ra ngay, rắc hành lá xắt nhỏ và dọn ra bàn.
4. Tôm om dầu tỏi
Nguyên liệu làm món tôm om dầu tỏi
1kg tôm, 1 thìa đường, 1 thìa xì dầu, 1/8 củ hành tây tím băm nhỏ, 3 củ tỏi băm nhỏ, một ít hành lá xắt nhỏ, chút muối, chút bột tiêu, chút dầu hào.
Cách làm tôm om dầu tỏi
Bước 1: Tôm mua về rửa sạch, cắt bỏ chân và râu, rút chỉ tôm, để ráo nước.
Bước 2: Chuẩn bị nước sốt bằng cách cho muối, đường, tiêu, nước tương, dầu hào vào tô. Thêm chút nước vào trộn đều rồi để sang một bên. Đun nóng dầu trong chảo rồi cho tôm đã chuẩn bị vào. Chiên cho đến khi vàng đều hai mặt rồi lấy ra khỏi chảo. Sau đó cho hành, tỏi băm vào phi cho đến khi dậy mùi thơm.
Bước 3: Sau đó cho tôm đã chiên vào, thêm phần nước sốt và trộn đều cho ngấm gia vị. Sau đó cho nửa bát nước vào, đậy nắp đun nhỏ lửa trong 3-5 phút. Trước khi ăn rắc hành lá xắt nhỏ vào trộn đều rồi lấy ra đĩa.
5. Thịt ức bò hầm
Nguyên liệu để làm món thịt ức bò hầm
1kg thịt ức bò, 1 nhánh gừng thái lát, 10 tép tỏi, 1/2 củ hành tây, 2 nhánh hoa hồi, chút hạt tiêu nguyên hạt, 1 thìa nước tương, chút muối, 1 thìa dầu hào, một chút đường phèn, 5 phần váng đậu que.
Cách làm món thịt ức bò hầm
Bước 1: Váng đậu que bạn rửa sạch sau đó ngâm khoảng 3 tiếng rồi cắt khúc. Thịt ức bò rửa sạch, cắt thành từng miếng nhỏ. Cho thịt bò vào nồi nước, thêm gừng thái lát, một túm hành lá và chút rượu nấu ăn. Bật bếp và đun sôi, chần phần thịt ức bò. Say đó vớt ra, rửa lại thật sạch bằng nước ấm.
Bước 2: Chuẩn bị nồi hầm, cho dầu vào đun nóng. Sau khi dầu nóng, cho gừng, tỏi, hành lá vào xào cho đến khi dậy mùi thơm. Tiếp theo cho thịt ức bò vào xào đều. Tiếp đó thêm nước tương, dầu hào và đường phèn vào đảo đều cho thấm gia vị.
Bước 3: Sau đó cho một lượng nước thích hợp ngập nguyên liệu, đậy nắp và đun nhỏ lửa trong 30 phút. Khi hết thời gian, thêm chút muối và cho váng đậu que vào rồi tiếp tục đun nhỏ lửa trong 20 phút. Sau khi nấu xong, trang trí với một ít rau mùi và thưởng thức.
Chúc các bạn thành công và bước vào tiết Đông chí mạnh khỏe!