Thất bại thường gặp nhất khi đồ xôi chính là một nồi xôi nhão lớp giữa, khô lớp trên và bị khê phần dưới.
Xôi là món ăn quen thuộc của người Việt. Một đĩa xôi thơm phưng phức, bốc khói nghi ngút sẽ cực kì “kích thích” những cái bao tử rỗng vào mỗi sáng. Đây cũng là món điểm tâm quen thuộc của rất nhiều người bởi tính tiện dụng, dễ làm, không hề phức tạp, cầu kì.
Tuy vậy, xôi cũng như những món ăn khác, tuy dễ làm nhưng nếu không nắm những nguyên tắc cơ bản thì khả năng thất bại sẽ rất cao. Thất bại thường gặp nhất khi đồ xôi chính là một nồi xôi nhão lớp giữa, khô lớp trên và bị khê phần dưới. Để nấu được nồi xôi ngon đúng điệu như các chị bán hàng thì chắc chắn trong chúng ta, ai cũng từng rất nhiều lần đồ xôi thất bại như thế.
Lý do chủ yếu dẫn đến nồi xôi vừa nhão, khô và khê chính là do bạn chưa canh lửa đúng và quan trọng hơn là không tạo độ thông thoáng cho hạt nếp. Nếp phải có không gian, đủ độ thoáng thì mới có thể nở bung, dẻo, mẩy hạt, ráo nước, không bị nhão. Bạn biết làm thế nào không? Đó chính là cách bạn cho nếp vào nồi đấy.
Nghe qua thì tưởng không liên quan nhưng thực tế thì cách bạn cho nếp vào nồi đóng vai trò cực kì quan trọng để nếp nở bung, ráo nước, không nhão, không khê, không khô. Thông thường, chúng ta vẫn thường đổ cả thau, cả rổ nếp vào nồi cho nhanh, dàn đều nếp rồi đậy kín nắp, bật lửa đồ xôi. Tuy nhiên, đó không phải là cách đúng đắn.
Để đồ xôi 3 không: không nhão, không khô, không khê, bạn nên dùng tay vốc từng nắm nếp cho vào nồi. Cách này sẽ giúp trải đều hạt nếp, giúp hạt nếp không chèn vào nhau, có nhiều không gian hơn để nếp nở bung. Ngoài ra, đây cũng là cách để không khí trong nồi lưu thông tốt, lưu thông đều khắp nồi, từ đó giúp hạt nếp nở đều hơn nhờ hơi nước lan tỏa đều trong nồi.
Thế nhưng nếu chẳng may xôi sau khi nấu lại bị sống, sượng thì phải làm thế nào? Dễ thôi, khi nồi xôi vẫn còn nóng bạn chỉ cần vẩy nước ấm nóng đều lên mặt xôi, sau đó xới lên, đậy kín nắp và ủ khăn bên ngoài để hơi nước không thoát ra. Vậy là ổn rồi đấy.