Dù không thể mang bầu giúp vợ nhưng những hành động quan tâm, lời nói động viên của chồng sẽ giúp thai kỳ của vợ nhẹ nhàng, thoải mái hơn.
- Bà bầu có nên ăn dứa khi mang thai 3 tháng cuối?
- Những việc bà bầu không nên làm 3 tháng cuối để sinh con an toàn
Không chỉ là một MC xinh đẹp của VTV, Minh Trang còn là một bà mẹ cực kỳ nổi tiếng trên cộng đồng Facebook với hơn 145.000 người follow chị chỉ để được xem các câu chuyện gia đình mà chị chia sẻ. Những bí kíp để làm mẹ ba con mà vẫn nhàn tênh, những chia sẻ đầy thông minh về cách nuôi dạy trẻ cũng như những clip quay cuộc sống thường ngày của cô và các con đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng các mẹ bỉm sữa.
Gần đây, trên trang cá nhân của mình, Minh Trang đã chia sẻ bài viết "Làm gì để trở thành anh chồng soái ca khi vợ bầu?" để mách nước các ông chồng cách chăm sóc vợ trong thời kỳ bầu bí nhạy cảm.
Cô viết: "Bầu hộ vợ thì đương nhiên là chịu rồi, nhưng ngoài ra có rất nhiều thứ mà các anh có thể làm được, để đồng hành cùng vợ qua một giai đoạn siêu nhạy cảm, mệt mỏi, dễ vui dễ buồn, thi thoảng là còn sống trong sợ hãi và lo lắng nữa".
Dưới đây là 8 bí kíp trở thành soái ca cho vợ bầu mà MC Minh Trang khuyên các bố nên làm:
1. Năng hỏi thăm, hạn chế than thở
Có bầu là thay đổi cả thế chất lẫn tinh thần ghê gớm, các anh biết vậy mà liệu liệu, bình thường có thể vô tâm vô ý như thế nào nhưng khi vợ có bầu, chớ có coi thường dù là 1 câu nói nhỏ nhất. Thay vì than thở (về bất kỳ lí do gì, bất gì nội dung gì, từ “Sao hôm nay nước mắm em pha mặn thế”, cho đến “Sao suốt ngày em kêu mệt thế”) thì hãy năng hỏi thăm, chẳng cần sáng tạo gì, vài câu cơ bản là đủ dùng (lưu ý là hỏi xong thì phải xác định sẽ ngồi im, mắt long lanh, nghe vợ diễn thuyết). "Em có mệt không?; Hôm nay đi làm có nhiều việc không; Bụng có khó chịu không?; Quần áo còn mặc vừa không? Mình đi chọn mua quần áo bầu đi!; Tối nay “tự nhiên” anh không thích ăn cơm nhà, mình ra ngoài ăn món gì em thích đi..." Cái này nhiều anh có nhiều chiêu hay lắm!
2. Nghén cùng vợ
Khi có bầu, nhất là lúc bị nghén đối với nhiều bà bầu, chỉ thở thôi cũng đủ mệt rồi. Việc ăn uống, chưa nói đến nấu nướn là một cực hình. Thế nên các anh chịu khó thông cảm, nhất là với những cặp vợ chồng sống cùng bố mẹ, nếu chồng chủ động chia sẻ, sẽ là một điều động viên vô cùng lớn với vợ. Vợ phi với tốc độ ánh sáng vào nhà vệ sinh để nôn oẹ, thì các anh cũng nên lập tức theo sau, đừng quên mang sẵn cốc nước, lấy sẵn khăn giấy, chịu khó đứng cạnh vỗ lưng, xoa lưng, vuốt lưng gì cũng được. Các anh say rượu, rồi nôn oẹ một phát là xong, nhưng vợ nghén, nhất là những ai nghén nặng, 1 ngày nôn 7-10 lần là bình thường.
Ngoài ra, hãy tìm hiểu xem vợ thích ăn gì, miễn là thứ đó không có hại thì hãy chủ động đáp ứng, ăn tối cùng cả nhà xong, 2 vợ chồng bàn nhau ra ngoài ăn thêm cũng vui, tuyệt hơn cả là các anh chồng tìm hiểu và khuyến khích vợ thử ăn những món có lợi cho sức khỏe (thay vì mấy món ăn vặt thông thường) chẳng hạn như nước ép hoa quả, các loại hạt, quả khô, mua về tự tay chồng đóng thành từng túi/hộp nhỏ cho vợ mỗi ngày. Thậm chí đi chợ/siêu thị cùng nhau cũng rất tuyệt rồi…
3. Cố gắng sắp xếp thời gian đi khám thai, siêu âm thai với vợ
Ai cũng tự đi khám, đi siêu âm được thôi, nhưng có chồng đi cùng, nó không chỉ đơn thuần là có người đèo đi, nó là sự đồng hành cùng những mốc phát triển của em bé trong bụng, là cảm giác rưng rưng liếc sang nhìn chồng lúc hình ảnh siêu âm của con hiện lên trên màn hình, là có người để nũng nịu, để kêu đau khi phải lấy máu, kêu than í ẹ khi phải uống nước đường, là có người để cầm tay trên băng ghế chờ khám… Thế nên, dù các anh bận trăm công nghìn việc nhưng việc đi cùng vợ đi khám thai, siêu âm thai, đó là quyền lợi của các anh đấy!
4. Bôi kem chống rạn cho vợ mỗi tối
Mình vẫn nghĩ không có loại kem nào có vi diệu đến mức chống rạn 100%, nhưng khoảnh khắc mỗi tối được chồng bôi kem chống rạn cho, xoa xoa cái bụng, là khoảng thời gian gần gũi yêu thương nhất trong ngày mà vợ chồng mình có. Mỗi ngày xoa kem vào bụng cho vợ, thì chồng cũng cảm nhận được mỗi lúc bụng vợ to lên từng chút một thế nào, những vết rạn bắt đầu xuất hiện ra sao...
5. Massage, xoa bóp cho vợ
Thật khó để các anh chồng không mang bầu có thể tưởng tượng được cơ thể của người phụ nữ đang mệt mỏi khó chịu ra sao, để hiểu thông cảm và chia sẻ với vợ. Thế nhưng đơn giản nhất, hãy thử bê một một yến gạo trước bụng mỗi ngày, 24/24. Có bầu cũng gần giống như thế đấy, thậm chí còn kinh khủng hơn! Người đau mỏi toàn tập, xương hông xương mu, lưng, vai, chưa kể chân phù, tê, chuột rút... Thế nên khi vợ kêu đau mỏi, hoặc nhờ xoa bóp, hãy bóp tay, bóp chân, bóp vai, xoa lưng... thật nhiệt tình và chủ động. Mình còn biết có nhiều anh chồng tuyệt vời lắm, đi học các lớp massage để có thể xoa bóp cho vợ một cách bài bản, cả 30 phút mỗi ngày luôn.
6. Quan tâm tới những điều nho nhỏ
Bầu bí, nhất là lúc bụng to, có cực nhiều thứ bất tiện. Các anh chồng mà tâm lí được những điều bất tiện nho nhỏ này của vợ thì cũng sẽ vô cùng lợi hại, giả dụ:
- Buộc dây giày, kéo khoá váy, bấm móng chân... mấy cái này đơn giản với người bình thường nhưng là cả một nỗ lực lớn lao với mẹ bầu. Các anh nên tranh thủ thời gian này để ra tay, để làm cho các mẹ bầu đỏ mặt vì sung sướng, vì được yêu thương từ những điều rất bé!
- Những tháng cuối khi bầu to, chúng tớ sẽ phải đi vệ sinh nhiều lần, nhất là buổi đêm. Các anh hãy dậy cùng vợ, dìu vợ đi, bật đèn cho vợ, mục đích chính không phải là do vợ không tự đi hay tự bật đèn được, mà vì chúng tớ là chúa bất cẩn, đi lại lạch bạch dễ đụng chỗ nọ chỗ kia mà ngã ra 1 cái thì toi. Ngoài ra, chúng tớ cũng rất mong các anh có thể hiểu được phần nào nỗi khổ đã trở thành "đặc sản" của các bà bầu này.
- Viết blog, nhật ký cho con cũng là một việc không quá mất thời gian mà giúp tăng gắn bó giữa bố con sau này. Nhà mình có 1 cái blog để chế độ private chỉ có 2 vợ chồng viết và đọc được, viết từ khi bầu bí, sau này đọc lại thấy rưng rưng xúc động cực kì.
- Sưu tập phim hài, phim Hàn (nếu vợ thích các oppa) cho vợ xem.
- Chụp ảnh cho vợ hàng ngày từ ngày đầu tiên biết có bầu tới khi lên bàn sinh, rồi in ra thành 1 album, sẽ thấy rất nhiều điều kỳ diệu đấy
- Lên lịch chụp 1 bộ ảnh bầu bí, sau này còn có cái khoe con.
7. Dành thời gian chuẩn bị cho công việc làm bố
Việc này khá nhiều anh chồng thường hay bỏ qua, hình như vì suy nghĩ nuôi con là “thiên chức” của người phụ nữ! Nhưng có vẻ thế thì hơi "thiên vị” vợ nhỉ, vì cái gì cũng đến tay: mang bầu, đẻ con, cho con bú, nuôi con, chăm con...
“Học làm bố” thực ra chẳng có gì to tát cả, từ những thứ nho nhỏ như cùng vợ đi dự các lớp học tiền sản, các hội thảo về chủ đề bầu bí, sinh nở, nuôi dạy con, tối tối thay vì chơi game, lướt facebook, thì dành ra 30 phút -1 tiếng để cùng vợ nghiên cứu một vài đầu sách cơ bản về nuôi dạy con. Khi nắm chắc thông tin và kiến thức nuôi dạy con khoa học, các anh có thể hỗ trợ vợ mình rất lớn trong giai đoạn con sơ sinh còn nhiều bối rối, hiểu và đồng hành với vợ khi phải truyền đạt, thuyết phục các thành viên khác trong gia đình với các vấn đề liên quan…
Theo mình quan sát, tỉ lệ rất lớn các mẹ có biểu hiện trầm cảm sau sinh mà mình biết, đều có 1 phần lý do rất lớn là từ sự thờ ơ, không chia sẻ của chồng trong quá trình nuôi con nhỏ, kiểu như 1 mình 1 chiến tuyến vậy.
8. Lên kế hoạch và dành thời gian đi du lịch 2 vợ chồng
Đối với các cặp vợ chồng sinh con lần đầu, khoảng thời gian bầu bí chính là những tháng ngày cuối cùng được là “vợ chồng son”, vì sinh con ra là xác định luôn có 1 cái đuôi theo mình, nhiều lúc muốn cũng không có cách nào nhét lại con vào bụng được đâu ấy! Thế nên quãng thời gian bầu bí, nhất là khoảng 4,5 tháng trở đi, sức khoẻ của mẹ bầu tốt nhất, bụng cũng chưa quá to, 2 vợ chồng rất nên tranh thủ đi chơi, đi du lịch, dành thời gian tình cảm riêng tư, vì đẻ xong ít nhất là 6 tháng tới 1 năm sau rất khó có thể đi đâu được tử tế.