Ở 3 tháng đầu, mẹ bầu không nên ăn những loại thực phẩm có thể gây co thắt dạ con, đồ uống có cồn, thức ăn nhanh hay những thực phẩm đóng hộp…
Để con sinh ra khỏe mạnh, thông minh, kể từ khi mang thai, bà bầu cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và không nên ăn những thực phẩm có hại cho sức khỏe.
Bà bầu không nên ăn gì trong 3 tháng đầu?
Tháng đầu tiên của thai kỳ
Tháng đầu tiên của thai kỳ được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối, tức khoảng thời gian từ lúc trứng chuẩn bị rụng đến khi kết thúc tuần thứ 4. Lúc này, phôi thai bắt đầu phát triển những bước quan trọng. Về chế độ dinh dưỡng, mẹ bầu nên tránh những loại thực phẩm sau:
- Các thực phẩm gây co thắt dạ con: Cam thảo, dứa, đu đủ xanh, rau ngải cứu, rau răm, rau ngót, rau sam…
- Các loại cá chứa nhiều thủy ngân: Cá ngừ xanh, cá kiếm, cá thu, lươn vàng, trứng cá tầm muối… Thành phần thủy ngân trong những loại cá này gây ảnh hưởng không tốt đến hệ thần kinh thai nhi.
- Phô mai mềm: Nhiều loại phô mai mềm thường được làm từ sữa chưa qua tiệt trùng và tiềm ẩn nguy cơ chứa vi khuẩn Listeria monocytogenes gây bệnh cho mẹ, dẫn đến nguy cơ sảy thai.
Tháng thứ hai của thai kỳ
Tháng thứ hai của thai kỳ được xác định từ tuần thai thứ 6. Lúc này, phôi thai đã chuyển từ hình thẳng sang hình quả lê và cuộn tròn trong tư thế bào thai. Não của bé cũng bắt đầu phát triển. Mẹ bầu bắt đầu có triệu chứng ốm nghén, nôn mửa. Bên cạnh những thực phẩm cần tránh trong tháng thai kỳ đầu tiên, mẹ bầu cũng không nên ăn một số thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe sau:
- Pate: Các chế phẩm của pate (từ thịt, rau, cá…) có thể chứa nhiều vi khuẩn listeria. Nếu ăn loại thực phẩm này trong thời gian mang thai, mẹ bầu càng dễ có nguy cơ mắc chứng listeriosis - một dạng ngộ độc thực phẩm. Loại vi khuẩn này còn gây ra các triệu chứng cảm cúm, sảy thai, sinh non.
- Gan: Gan động vật chứa nhiều sắt và vitamin A. Mẹ bầu ăn quá nhiều gan động vật khiến lượng vitamin A trong cơ thể tăng đột biến, có thể khiến thai nhi bị dị tật.
- Sữa tươi tiệt trùng: Nhiều loại sữa tươi tiệt trùng có thể chứa một số vi khuẩn có hại cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
- Đồ uống có cồn: Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu sử dụng các thức uống có cồn, cồn sẽ đi từ cơ thể mẹ qua cuống rốn đến thai nhi. Nếu mẹ thường xuyên sử dụng những loại đồ uống này, bé sẽ mắc chứng “thai nhi nghiện rượu”. Hậu quả là sức khỏe em bé sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, thần kinh bị ảnh hưởng, mặt mũi dị dạng.
- Trứng chưa nấu chín: Khi mang thai, mẹ bầu nên từ bỏ thói quen ăn những món trứng ốp la, trứng lòng đào. Trứng chưa nấu chín có thể chứa vi khuẩn salmonella ảnh hưởng đến sự phát triển của bé.
- Xúc xích, thịt hun khói, giăm bông, nem chua: Các loại thực phẩm này đều được chế biến từ nguyên liệu tươi sống và chứa các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm. Nếu thèm ăn những món ăn này, mẹ bầu cần nấu chín cẩn thận.
Tháng thứ ba của thai kỳ
Bước vào tháng thứ ba, kích thước của em bé trong bụng mẹ bằng cỡ một quả ô liu. Cơ bắp và dây thần kinh của trẻ bắt đầu hoạt động nhưng mẹ vẫn chưa thể cảm nhận được những chuyển động này. Tim thai cũng bắt đầu hình thành. Đây là tháng cuối cùng của tam cá nguyệt thứ nhất.
Để con phát triển khỏe mạnh, mẹ cần tăng cường sử dụng nhiều thực phẩm tốt cho sức khỏe và tránh những thức ăn sau:
- Thức ăn nhanh: Gà rán, khoai tây chiên, pizza, hamburger… và nhiều loại thức ăn nhanh khác chứa nhiều chất béo bão hòa và những gốc tự do có hại.
- Đồ ăn đóng hộp: Các thực phẩm đóng hộp chứa rất nhiều muối và gia vị, làm tăng gánh nặng cho thận khiến mẹ bầu có nguy cơ bị huyết áp cao. Thời kỳ mang thai, toàn bộ các cơ quan trong cơ thể mẹ bầu đã hoạt động hết công suất, bạn đừng nên bắt chúng phải hoạt động thêm nữa. Bên cạnh đó, thai nhi sẽ không được nhận đầy đủ chất dinh dưỡng nếu mẹ bầu bị chứng huyết áp cao.
- Thực phẩm quá hạn sử dụng, chưa qua tiệt trùng: Phụ nữ có thai không nên sử dụng các thực phẩm độc hại như củ, quả mọc mầm vì chúng chứa rất nhiều chất độc ảnh hưởng đến mẹ và bé.