Một số lầm tưởng không đáng có dưới đây khiến cho mẹ bầu vội vàng quyết định lựa chọn phương pháp sinh mổ ngay từ lần sinh đầu tiên.
- Kỳ lạ "miếng gạc thần kì" giúp trẻ sinh mổ có hệ miễn dịch tốt hơn hẳn
- Phụ nữ sau sinh mổ nên kiêng ăn gì?
Với người mẹ đã trải qua ca sinh con đầu lòng bằng phương pháp mổ lấy thai, điều đó đồng nghĩa với tỉ lệ phải tiếp tục sinh mổ trong những ca sinh tiếp sau càng cao. Điều này càng làm tăng nguy cơ, rủi ro và biến chứng cho người mẹ và trẻ sơ sinh so với phương sinh thường (qua đường âm đạo).
Năm 2014, trường Cao đẳng Sản-Phụ khoa (American College of Obstetricians and Gynecologists-ACOG) và Hiệp hội Y tế Bà mẹ-Trẻ em tại Mỹ (Society for Maternal Fetal Medicine-SMFM) đã lưu ý các bà bầu chú ý các yếu tố sau đây để có thể hạn chế nguy cơ phải sinh mổ ngay từ lần mang thai đầu tiên của mình.
1. Thời gian chuyển dạ lâu chưa chắc đã phải sinh mổ ngay
Một trong các dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh là những cơn co thắt mạnh, cổ tử cung bắt đầu mềm và giãn ra, mở dần để có thể đưa em bé lọt ra ngoài. Một nghiên cứu được Tiến sĩ Emanuel Friedman thực hiện trong những năm 1950 đã kết luận nếu đứa trẻ không thể chào đời sau 20 giờ tử cung co thắt thì cuộc chuyển dạ đó được coi là kéo dài và có dấu hiệu bất thường. Nhưng nghiên cứu mới hơn cho thấy thời gian chuyển dạ có thể kéo dài từ 6 giờ cho đến 2-3 ngày, một số phụ nữ có thể còn lâu hơn.
Còn ACOG thì cho biết thời gian chuyển dạ chờ sinh kéo dài hơn 20 giờ đối với những bà mẹ sinh lần đầu và hơn 14 giờ đối với những lần sinh sau đó đều không phải là dấu hiệu thực sự cần phải sinh mổ. Vì vậy, các mẹ hãy lắng nghe cơ thể mình và lời khuyên của bác sĩ để có phương pháp sinh an toàn nhất.
2. Quá trình sinh nở chậm, kéo dài cũng là bình thường
Trước đây, khi mẹ bầu bước vào giai đoạn sinh thì giới sản khoa đặt ra tiêu chí cổ tử cung sẽ giãn ra 1cm mỗi giờ trong giai đoạn đầu của chuyển dạ, bắt đầu từ 4cm. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ cơ sở này, thay vào đó là khả năng mở có thể lâu hơn thế. Độ mở bắt đầu tăng cao khi cổ tử cung mở rộng được khoảng 6cm, thay vì 4cm. Quá trình sinh nở có thể diễn ra chậm chạp và đều đặn trong giai đoạn đầu (sau khi mở 6cm) là bình thường và không phải là dấu hiệu cấp bách cần phải mổ lấy thai.
ACOG khuyên mẹ bầu không nên quá lo lắng, mặc dù chậm nhưng tiến độ vẫn theo chiều hướng tốt và tử cung vẫn tiếp tục mở thì không nhất thiết phải sinh mổ.
3. Quá trình sinh con thực sự bắt đầu muộn hơn chúng ta vẫn nghĩ
Khi nhập viện, các y bác sĩ sẽ tiến hành đo độ mở của cổ tử cung. ACOG khuyến nghị khi cổ tử cung giãn nở 6cm mới được coi là giai đoạn bắt đầu chuyển dạ thực sự của hầu hết phụ nữ. Các biện pháp hỗ trợ sinh nở tích cực chỉ nên áp dụng sau giai đoạn này thay vì vội vàng quyết định quá sớm khiến mẹ bầu tuột mất cơ hội sinh con tự nhiên.
4. Vỡ ối sớm không có nghĩa là bạn PHẢI sinh mổ
Có khoảng 8-10% mẹ bầu vỡ ối trước khi bước vào giai đoạn sinh thực sự, hay còn gọi là ối vỡ non, ối vỡ sớm. Quá trình sinh nở thường được dự kiến sẽ bắt đầu trong vòng 24 giờ sau khi vỡ ối và nhiều người đã quyết định sinh mổ ngay sau khi vỡ ối. Lý thuyết này bắt nguồn từ những năm 1950, khi tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh khá cao sau khi xảy ra vỡ ối non đã lí giải cho các ca sinh mổ ngay từ lần mang thai đầu tăng lên.
Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê có đến 60% phụ nữ bị vỡ ối sớm trước khi chuyển dạ trong vòng 24 giờ, và có đến 75-95% phụ nữ chuyển dạ trong vòng 48 giờ sau khi ối vỡ. Rất ít mẹ bầu có thể chuyển dạ vượt qua được 96 giờ.
Điều đó có nghĩa là nếu mẹ bầu bị vỡ ối sớm trước khi cuộc chuyển dạ sinh con thực sự bắt đầu, và nếu mọi chỉ số khác của cả mẹ và bé vẫn ở ngưỡng an toàn thì mẹ hoàn toàn có thể yêu cầu được chờ đợi chuyển dạ trong vòng 24-48 giờ thay vì đưa ra quyết định vội vàng không cần thiết.
5. Rặn sinh quá 2 giờ không có nghĩa là phải chuyển sang sinh mổ
ACOG khuyến nghị và cho rằng để quyết định có cần sinh mổ hay không cần xem xét đến nhiều yếu tố, trong đó có cả việc gây tê ngoài màng cứng hay không, mẹ và bé có phối hợp tốt trong quá trình sinh hay không, thai nhi có vị trí nằm bất thường hay không. Nếu mọi yếu tố đều ổn và tích cực thì con số 2 giờ rặn sinh kia không có ý nghĩa nhiều trong việc đưa ra quyết định sinh mổ.
6. Thuốc kích đẻ có thể làm tăng nguy cơ sinh mổ
Ngày nay, việc lạm dụng thuốc kích đẻ đang tăng lên đáng kể. Nguy cơ phải sinh mổ sẽ tăng lên sau mỗi lần dùng thuốc. Vì vậy, ACOG không khuyến nghị dùng thuốc kích đẻ trước khi tuổi thai đạt 41 tuần, trừ trường hợp khẩn cấp như thai phụ khó đẻ, thai bất thường hoặc có những biến cố xảy ra trong quá trình sinh, có thể gây nên những hậu quả xấu đến cả mẹ và bé, thai phụ bị vỡ ối trong khoảng từ 24 đến 48 tiếng nhưng vẫn không có hiện tượng chuyển dạ, quá trình chuyển dạ kéo dài nhưng nước ối không vỡ…
7. Thai to cũng không phải là dấu hiệu của sinh mổ
Mặc dù siêu âm không thể cho kết quả chính xác cân nặng của thai nhi nhưng việc định kì theo dõi sự phát triển của em bé sẽ giúp phát hiện những bất thường kịp thời. ACOG khuyên các bà mẹ hãy bình tĩnh khi được chẩn đoán thai to, và chỉ khi thai nhi cân nặng ít nhất 5kg với người mẹ không mắc tiểu đường và trên 4,5 kg với người mẹ bị tiểu đường mới nên nghĩ đến phương pháp sinh mổ.
8. Nhịp tim thai không ổn định
Trong sản khoa, các bác sĩ vẫn có những cách để giúp tim thai ổn định trở lại mà không nhất thiết phải đưa người mẹ đi mổ lấy thai ngay. Việc liên tục sử dụng máy monitoring để theo dõi tim thai cũng sẽ không cần thiết trừ trường hợp người mẹ có nguy cơ cao bởi phương pháp cũng góp phần gia tăng khả năng sinh mổ.
9. Mang thai đôi
Hầu hết các bà mẹ khi biết mình mang thai đôi thì khá lo lắng bởi nguy cơ sinh mổ là rất cao, nhất là các trường hợp mang thai lần đầu. ACOG khuyến cáo các mẹ nên xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về phương pháp sinh phù hợp nhất, trong đó có sinh thường chứ không nên nhất nhất phải là sinh mổ, kể cả là thai đôi.
10. Thai ngôi mông trước tuần thứ 37
Có 4% số phụ nữ mang thai ngôi mông trước tuần thứ 37 và 85% trong số này đã sinh con bằng phương pháp mổ lấy thai. Tuy nhiên, mẹ bầu cần biết vẫn còn cơ hội sinh thường cho dù ngôi thai ngược đó là áp dụng xoay ngôi thai từ bên ngoài. Đây là những thao tác khi các y bác sĩ có kinh nghiệm dùng tay để xoay ngôi thai từ bên ngoài bụng người mẹ để đưa thai nhi quay về đúng ngôi, chuẩn bị chào đời. Như vậy, nếu ngôi thai ngược không có nghĩa lựa chọn duy nhất của mẹ là phải sinh mổ.