Hãy cùng kiểm tra xem trong số những điều cần biết khi mang thai dưới đây, đặc biệt là giai đoạn 3 tháng đầu bạn đã làm được bao nhiêu việc rồi.
- Chế độ dinh dưỡng của bà bầu 3 tháng đầu thai kỳ
- Cách trị ho cho bà bầu 3 tháng đầu đơn giản, hiệu quả
Những bà mẹ mang thai lần đầu chắc hẳn sẽ có không ít lúc bối rối vì không biết mình cần làm gì, cần tránh gì. Dưới đây là những điều cần biết khi mang thai 3 tháng đầu, chị em chuẩn bị mang thai cũng nên tìm hiểu trước.
Biết chính xác thai đã vào tử cung hay chưa
Khi cảm nhận cơ thể có dấu hiệu thay đổi bất thường, đặc biệt là biểu hiện mang thai sớm, chị em cần kiểm tra chính xác việc mình đã mang thai hay chưa. Bạn có thể test nhanh tại nhà bằng que thử thai hoặc tới các cơ sở y tế chuyên khoa để xem có thai nhưng thai đã vào tử cung hay chưa. Việc này giúp đề phòng nguy cơ mang thai ngoài tử cung rất nguy hiểm cho thai phụ.
Lựa chọn nơi khám thai
Chị em khi mới mang thai lần đầu có thể lúng túng trong việc tìm cho mình một địa chỉ khám thai uy tín. Bạn nên đến khám thai tại các bệnh viện chuyên sản phụ khoa hoặc hỏi thăm bạn bè, người thân để chọn cho mình một bác sĩ hoặc phòng khám chuyên khoa uy tín.
Đối mặt với cơn ốm nghén
Ốm nghén là một trong những nỗi sợ của mẹ bầu trong giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Chị em thường có biểu hiện cơ thể mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, sút cân nhanh chóng. Thông thường, các triệu chứng này sẽ qua nhanh từ tuần thứ 12 trở đi. Tuy nhiên không ít thai phụ có thể ốm nghén 5, 6 tháng hoặc đến tận ngày sinh nở.
Bổ sung vitamin cho mẹ bầu
Ngoài việc ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé, các mẹ bầu còn được chỉ định thêm một số vitamin cần thiết như axit folic, canxi, sắt, DHA,… Đây là những dưỡng chất cần bổ sung với hàm lượng lớn trong thai kỳ mà việc ăn uống đôi khi không đáp ứng đủ. Mẹ bầu cần được bác sĩ chuyên khoa kê đơn với liều lượng phù hợp, tránh tuyệt đối việc tự ý bổ sung vitamin khi mang thai.
Tiêm vắc-xin
Có thể bạn chưa kịp tiêm phòng trước khi thụ thai, vì thế khi biết chính xác mình đã mang thai, bạn nên tư vấn bác sĩ để được thực hiện những mũi tiêm cần thiết. Có một số loại vắc-xin hoàn toàn có thể tiêm ngay cả khi bạn đang mang bầu.
Mua bảo hiểm y tế
Trong số những điều cần biết khi mang thai mà chị em cần đặc biệt lưu ý chính là việc mua bảo hiểm y tế. Hiện nay có rất nhiều gói bảo hiểm thai sản chị em có thể mua trước thời điểm mang thai hoặc khi đang có thai. Sử dụng bảo hiểm y tế giúp chị em có nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe khi sinh nở, vì vậy không nên bỏ qua.
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Bạn đã trở thành một bà mẹ và việc cần làm lúc này chính là thay đổi một loạt thói quen sinh hoạt trước đây. Sẽ không có chuyện thức đêm, dậy muộn, đi uống cà phê thoải mái với bạn bè, ăn hàng quán hay tổ chức những chuyến du lich mạo hiểm. Bạn cần thiết lập cho mình giờ giấc sinh hoạt điều độ, ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Và đừng quên trước khi quyết định làm việc gì hãy suy nghĩ đến đứa con trong bụng mẹ bầu nhé!
Cân nặng khi mang thai
3 tháng đầu thai kỳ, thai phụ thường không có nhiều thay đổi về cân nặng. Một số chị em có thể tăng cân nhẹ hoặc sút cân vì gặp phải triệu chứng ốm nghén. Việc tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý còn phụ thuộc vào chỉ số cơ thể của bạn trước khi sinh. Đừng lo lắng nhiều về chuyện cân nặng trong giai đoạn này, vì hiện tại bụng bầu của bạn vẫn chưa thực sự lơn lên.
Đưa ra kế hoạch sinh
Lên kế hoạch sinh ngay từ sớm giúp chị em cũng như người thân chủ động khi bạn sinh nở cũng như chăm sóc em bé sau này. Bạn có thể đưa ra các lựa chọn như sinh thường hay sinh mổ, khi sinh có sử dụng thuốc giảm đau hay không, lựa chọn bệnh viện hay bác sĩ nào đỡ đẻ, ai sẽ là người chăm sóc bạn khi bạn nằm viện, có nên thuê người giúp việc chăm sóc trẻ sơ sinh nếu vợ chồng bạn không có người hỗ trợ…
Sắp xếp lại nhà cửa
Thời gian đầu có thai, các mẹ bầu thường bị rối loạn giấc ngủ, ngủ ít, trằn trọc hoặc mất ngủ. Bạn có thể trang trí lại phòng ngủ hoặc bố trí sắp xếp để phòng ở thông thoáng, thoải mái hơn. Việc này không chỉ tốt cho sức khỏe của mẹ bầu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé sơ sinh sau này. Đừng chần chừ việc sửa chữa phòng ở nếu phòng đang ẩm thấp, đường điện bất hợp lý… Nếu càng để về sau, khi thai nhi lớn lên, bụng bầu to hơn, chị em sẽ càng thấy khó chịu và vất vả vì chuyện phải sửa nhà.
Trên đây là những điều cần biết khi mang thai rất cơ bản, hy vọng có thể giúp chị em chủ động hơn trong việc chăm sóc thai kỳ của mình một cách tốt nhất.