Nghe bác sĩ chẩn đoán thai nhi giãn não thất phải và yêu cầu thai phụ chọc nước ối xét nghiệm nhiễm sắc thể nhưng chị Tuyển một mực từ chối. Không lâu sau, em bé được sinh ra và mắc chứng bại não mất chức năng vận động.
- Sinh con trai không có ngón tay, mẹ trẻ nín lặng không dám nói ra sự thật
- 5 việc làm của bố gây tổn hại nghiêm trọng đến thai nhi, thương con bố hãy nói "không"
Mang thai là một hành trình đầy xúc cảm và bí ẩn mà không ai lường trước được vấn đề gì sẽ xảy ra. Với nhiều người, thai kỳ diễn ra rất suôn sẻ, khỏe mạnh nhưng cũng có không ít bà mẹ kém may mắn phải chiến đấu với bao khó khăn, thử thách ngay từ khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ cho đến khi con đã chào đời và mãi về sau. Trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyển (42 tuổi – sống tại Hiệp Hòa, Bắc Giang) là một điển hình trong số đó.
Sợ sảy thai, mẹ bầu một mực từ chối xét nghiệm nhiễm sắc thể
Suốt 20 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Công (41 tuổi) chị Nguyễn Thị Tuyển (42 tuổi) ở Hiệp Hòa, Bắc Giang gần như gắn bó với bệnh viện, bởi người con cả của anh chị sinh năm 1998 mắc chứng bại não ngay từ khi chào đời tại nhà. May mắn đứa con thứ 2 của gia đình khỏe mạnh bình thường. Cách đây ba năm, sau khi đã xoay được chút vốn liếng, anh chị quyết định sinh thêm bé Diệu Huyền với mong mỏi con khỏe mạnh làm chỗ dựa cho cha mẹ khi về già. Nhưng ngờ đâu, ngay từ khi mới 8 tháng trong bụng mẹ, bé đã được các bác sĩ chẩn đoán giãn não thất phải, có nguy cơ dị tật.
Chị Tuyển kể lại, một buổi trưa sau khi đi làm về, chị ghé vào một phòng khám tư nhân kiểm tra thai định kỳ thì được bác sĩ nói bào thai bất thường, chị cùng chồng liền tức tốc lên Hà Nội kiểm tra. Ngày ấy thai mới bước vào tháng thứ 6, tại bệnh viện phụ sản, các bác sĩ chẩn đoán thai nhi bị giãn não thất phải và có nguy cơ dị tật. Các chuyên gia tại BV cũng tư vấn về việc chọc nước ối để tiến hành xét nghiệm nhiễm sắc thể từ đó kiểm tra sức khỏe của em bé đang nằm trong bụng mẹ.
Theo phân tích y khoa, nước ối chứa nhiều chất trong đó có các tế bào da của thai nhi bong tróc, alpha- fetoprotein… Nguyên lý trao đổi chất này, chính là khi nước ối được thai nhi nuốt vào và thải qua miệng và bàng quang, khi đem nước ối phân tích dưới kính hiển vi có thể sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe của em bé.
Tuy nhiên, trước khi làm thủ thuật bác sĩ tư vấn các nguy cơ có thể xảy ra cho thai phụ hiểu như: Nguy cơ sảy thai, nhiễm trùng hoặc chảy máu. Sau khi nghe tư vấn, chị Tuyển một phần chưa hiểu biết nhiều về thủ thuật xét nghiệm nhiễm sắc thể, một phần tâm lý lo sợ nếu tiến hành thủ thuật chọc ối sẽ ảnh hưởng đến con nên đã một mực từ chối chọc ối xét nghiệm.
"Sau khi bác sĩ chẩn đoán con trong bụng bị giãn não thất phải, có nguy cơ dị tật. Tôi suy sụp lắm, đứa đầu nhà tôi đã kém may mắn khi bị bại não, giờ đến đứa này sinh ra không lành lặn nữa thì vợ chồng biết sống sao. Khi nghe bác sĩ tư vấn phải chọc nước ối để xét nghiệm xem có bị dị tật không, lúc đó tôi không muốn làm vì sợ nếu đụng vào túi ối, không may sảy thai thì sẽ mất con nên đã từ chối bác sĩ, từ chối bệnh viện không xét nghiệm”, chị Tuyển kể.
Trở về nhà trong tâm thế hoang mang lo lắng, một tháng sau kiểm tra sức khỏe, đúng như chẩn đoán của bác sĩ, tháng 4/2016 bé Diệu Huyền được sinh ra và bị xuất huyết dưới da được đưa đi Hà Nội cấp cứu. Những ngày sau đó một năm, hai năm trôi qua bé không lẫy, không bò, mọi vận động đều rất hạn chế. Đã gần 3 năm trôi qua nhưng bé không thể nhận thức và tự vận động được. Mọi sinh hoạt phụ thuộc hoàn toàn vào người lớn.
Khi mới 1 tuổi, bé được chăm sóc tại trung tâm phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, nhưng khi được 3 tuổi, bé được chuyển lên BV Châm cứu TW theo dõi. Để mẹ già và đứa con bé bỏng tại BV chăm sóc nhau, vợ chồng anh Công chị Tuyển phải trở về quê nhà vừa chăm đứa con đầu 20 năm bị bại não giờ đây chỉ còn da bọc xương, anh chị vừa ngày đêm làm thuê làm mướn kiếm tiền chạy thuốc thang cho 2 đứa con bị bệnh.
Nguyên nhân khiến trẻ bị bại não ngày một tăng cao, ngay từ trong thai kỳ
Nằm điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương kỳ thứ 2, bé Diệu Huyền tỏ ra linh hoạt hơn, khi nghe thấy tiếng người lạ gọi, bé đã bắt đầu có biểu hiện duỗi người, đạp chân, phản ứng xung quanh bằng ánh mắt đờ đẫn, mơ hồ. Bà Nguyễn Thị Sản (62 tuổi – bà nội của Diệu Huyền) vừa ngồi trên giường vừa ôm ngang đứa cháu thật chặt, nếu không giữ chặt, bé con sẽ vùng vẫy không kiểm soát.
Thạc sĩ, Bác sĩ Dương Văn Tâm – Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ, bé Nguyễn Thị Diệu Huyền là một trong những bệnh nhi phát hiện và đến BV muộn, bé gặp phải các rối loạn về tâm thần như: Ngu ngơ kém, phản xạ chậm, không phát triển tư duy nhận thức, không làm chủ được bản thân và nhiều vấn đề liên quan khác đến hành vi ý thức con người. May mắn là bé chịu khó hợp tác nên sau 2 đợt trị liệu bệnh nhi đã được cải thiện, song rất chậm.
Hiện nay, các bác sĩ của BV vẫn tích cực chăm sóc bệnh nhi bằng nhiều phương pháp trị liệu tuần tự như: Điện châm, thủy châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại, tập luyện vận động, cấy chỉ, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhi bại não như Diệu Huyền.
Chia sẻ về yếu tố nguy cơ khiến tỉ lệ trẻ bại não ngày một tăng cao, bác sĩ Tâm cho biết: “Trước đây, nguyên nhân gây ra bại não đa phần là do các bệnh nhiễm trùng, suy dinh dưỡng. Nhưng hiện nay, những nguyên nhân không do nhiễm trùng đang có chiều hướng gia tăng.
Điển hình như, trong quá trình sinh con, sản phụ gặp các nguy cơ của tai biến sản khoa như sinh non, sinh yếu, thời gian chuyển dạ kéo dài gây ngạt; hoặc sau khi sinh, trẻ mắc phải một số bệnh như viêm não, viêm màng não... Hoặc bị giãn não thất phải như trường hợp bé Huyền. Do đó, cần phải có sự kiểm tra của y khoa để xác định chính xác đó là bại não dạng nào để có hướng điều trị cụ thể”.
Chuyên gia cũng lưu ý, tất cả yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh bại não hoàn toàn có thể phòng tránh được như: Các bà mẹ trên 35 tuổi thì không nên sinh thêm con, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, virus trong quá trình mang thai, không nên sử dụng chất kích thích, gây nghiện, không nên lạm dụng các loại thuốc bổ để tránh thừa vitamin D và canxi, ăn uống đầy đủ và cân đối cac dưỡng chất, thai 8 – 9 tháng, mẹ bầu nên chủ động đến cơ sở y tế để tiêm hoặc uống vitamin K, cho con tiêm hoặc uống vitamin K sau sinh…
Hiện tại, gia đình anh Công chị Tuyển vốn thuần nông, quanh năm trông chờ vào vài sào ruộng, hoàn cảnh khó khăn giờ lại càng thêm kiệt quệ, mỗi tháng tốn đến cả chục triệu cho 2 đứa con bại não. Ngoài thuốc thang bảo hiểm chi trả, chị Tuyển mỗi tháng phải chi thêm trên dưới 5 -7 triệu tiền sinh hoạt ăn uống, xe cộ đi lại để chữa chạy cho con.
Giờ đây khi anh chị còn sức khỏe, vẫn có thể làm thuê lấy tiền chữa bệnh cho con. Thế nhưng, thời gian trôi đi, hai vợ chồng cũng già theo năm tháng, kinh tế cũng sẽ cạn kiệt, bởi cùng một lúc gia đình chị phải điều trị bệnh cho hai con, đặc biệt, với trẻ bị bại não không thể tiên lượng trước được điều gì, trong trường hợp xấu, rất có thể các bé sẽ phải sống chung với bệnh đến suốt đời.
"Sáng nay hai vợ chồng đi xe máy lên Hà Nội thăm con, bé không nhận thức được nhưng dường như con cũng có linh cảm về tình mẫu tử thiêng liêng. Khi hai vợ chồng chuẩn bị ra về thì con khóc giãy nảy, xót xa lắm. Nhưng không còn cách nào, nhờ có bà nội còn khỏe nên đỡ đần đi viện trông cháu để bố mẹ bé đi làm thuê lấy tiền mua thuốc cho hai anh em, cũng từ ngày sinh ra, Diệu Huyền gắn với bệnh viện liên tục, thời gian ở bệnh viện của con còn nhiều hơn ở nhà” – Anh Công cho hay.
Có mặt tại Khoa Điều trị Liệt vận động – Ngôn ngữ trẻ em, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn nước da vàng nhợt, ánh mắt đờ đẫn của bé Huyền, thêm gương mặt hốc hác của bà nội ngày đêm thức chăm cháu. Vượt lên sự mệt mỏi, bà nội và bố mẹ của bé Huyền phải gắng gượng từng ngày từng giờ tìm đường sống để có tiền chữa bại não cho con. Nằm sõng soài trên giường bệnh là em bé 3 tuổi cùng những phản ứng yếu ớt nhìn với theo như cần nhiều hơn nữa sự sẻ chia yêu thương.