Mang thai tuần 15 vẫn là giai đoạn “bình yên” đối với mẹ. Tuy nhiên cơ thể mẹ vẫn có một số dấu hiệu thai kỳ và chắc chắn rồi, em bé vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ thể mình chờ ngày chào đón thế giới.
- Phân biệt rò rỉ nước ối và són tiểu, mẹ bầu cần nắm rõ để đảm bảo sức khỏe thai nhi
- Xử trí bất thường hay gặp ở bầu vú sau sinh
Ở tuần 15 này chắc hẳn bạn sẽ cảm thấy tràn đầy năng lượng, tràn đầy sức sống. Bên cạnh đó vẫn có những dấu hiệu thai kỳ mà mẹ nên lưu ý.
Cơ thể mẹ thay đổi như thế nào khi mang thai tuần 15?
• Tràn đầy năng lượng, nhu cầu tình dục cũng gia tăng đáng kể. Nếu ở tam cá nguyệt đầu tiên bạn khá mệt mỏi với triệu chứng ốm nghén thai kỳ thì sang tam cá nguyệt thứ 2 những cảm hứng về chuyện chăn gối đã quay trở lại. Tất nhiên điều này không phải đúng với 100% các mẹ bầu (những mẹ sinh đôi thì cảm giác ốm nghén mệt mỏi vẫn còn đôi chút) nhưng nói chung đây cũng là dấu hiệu vui vì cơ thể mẹ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
• Viêm mũi thai kỳ: Hormone thay đổi và sự gia tăng lưu lượng máu dẫn đến một số vấn đề liên quan đến mũi trong giai đoạn mang thai này. Bạn có thể bị tắc nghẽn, hoặc thậm chí chảy máu mũi (chảy máu cam).
• Thở gấp: Có những lúc bạn sẽ khó thở vì nghẹt mũi, nhưng cũng có lúc hơi thở của bạn trở nên gấp gáp, hơi thở ngắn hơn. Điều này tương đối dễ hiểu vì bạn đang trong mình một bào thai phát triển vượt bậc, chiếm diện tích lớn khiến các cơ quan khác trong cơ thể trở nên chật chội hơn. Phổi không đủ chỗ để mở rộng giúp bạn có một hơi thở sâu như bình thường.
• Lợi sưng phồng: Răng miệng thường nhạy cảm hơn khi mang thai, vì vậy mẹ hãy chú ý nhẹ nhàng khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng để vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
• Ợ chua, đầy bụng hoặc khó tiêu: Tất cả những dấu hiệu khó chịu liên quan đến hệ tiêu hóa này đều do hormone gây nên. Bạn nên chia nhỏ bữa ăn, tránh các thực phẩm nguy cơ gây khó chịu, tìm đến bác sĩ để có lời khuyên phù hợp nếu tình trạng này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Sự phát triển của thai nhi
Mang thai tuần 15 đánh dấu bé đang trong quá trình hình thành và tập luyện rất nhiều phản xạ. Đầu tiên bé sẽ tập cách hít thở bằng cách luân chuyển nước ối từ mũi đến các phần khác của đường hô hấp trên.
Phản xạ thị giác của bé cũng đã phát triển. Mặc dù mắt bé vẫn nhắm nhưng bé có thể cảm nhận được những kích thích như ánh sáng chói bé sẽ di chuyển để tránh luồng sáng đó.
Chồi vị giác của bé cũng đã hình thành, tuy nhiên, bé vẫn chưa cảm nhận và phân biệt được các vị khác nhau.
Tóc và lông mày bắt đầu xuất hiện. Các tế bào chân tóc thậm chí bắt đầu sản xuất sắc tố tạo màu cho tóc. Tai của bé có thể đã đạt đến vị trí hoàn chỉnh ở hai bên đầu.
Lớp da của bé bắt đầu phát triển, nhưng vẫn còn rất mỏng đến mức mẹ có thể nhìn thấy các mạch máu bên trong. Mẹ yên tâm rằng đến khi sinh ra bé yêu sẽ trở nên "dầy dặn" hơn nhiều.
Hệ xương và cơ của bé tiếp tục phát triển và khoẻ hơn. Cơ thể bé bắt đầu huy động canxi để phát triển nên mẹ hãy nhớ bổ sung đầy đủ. Khi kết thúc tuần thứ 15 của thai kỳ, bé có thể ngọ nguậy các ngón tay và ngón chân, nắm tay, di chuyển được các khớp. Đôi chân đã dài hơn tay theo một tỷ lệ phù hợp với cơ thể bé. Bé liên tục ngọ nguậy và ở tuần thai thứ 15 này có thể mẹ sẽ cảm nhận được đấy! Nếu không thì trong khoảng 15-22 tuần mẹ sẽ cảm nhận được ngay những "cú máy" đáng yêu này của bé.
Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 15
Trong tuần thai thứ 15 đến 20 là khoảng thời gian phù hợp để làm xét nghiệm đa chỉ số triple test. Đây là xét nghiệm tầm soát sử dụng máu mẹ để tìm hiểu nguy cơ một số rối loạn bẩm sinh ở thai, xét nghiệm này không thể chẩn đoán tình trạng thai mà chỉ cho biết thai hiện tại có nguy cơ bị rối loạn di truyền nhiễm sắc thể như thế nào và có cần phải làm thêm xét nghiệm khác nữa không. Mẹ nên đặt lịch trước với bác sĩ để được làm xét nghiệm đúng thời gian cũng như được tư vấn cụ thể.
Mẹ hãy bắt đầu giao tiếp với thai nhi thông qua việc trò chuyện, hát hoặc cho bé yêu nghe nhạc. Điều này không chỉ giúp mẹ thư giãn mà còn gia tăng tình cảm giữa hai - hay thậm chí ba mẹ con. Thỉnh thoảng mẹ hãy để bố cùng trò chuyện giao tiếp với con nữa nhé!