Vì một khiếm khuyết hiếm gặp mà ruột và lá lách của bé bị chui vào lồng ngực, đẩy tim sang phía bên phải.
- 4 vắc xin mẹ cần tiêm phòng trước khi mang thai để bảo vệ con
- Thường xuyên mệt mỏi, run tay khi mang thai, bà mẹ sốc khi mắc bệnh không ai ngờ tới
Gần đây, để kỉ niệm sinh nhật tròn 1 tuổi của con gái thứ 2, bà mẹ 2 con Marlo Rankin (40 tuối, sống tại Essex, Anh) đã kể lại những tháng ngày chỉ biết cầu nguyện khi mang thai của mình.
Mọi thứ diễn ra hoàn toàn suôn sẻ với Marlo cho đến tuần thứ 34 của thai kỳ. Cô đi siêu âm định kỳ như bình thường, thậm chí cô còn đi 1 mình vì nghĩ không có gì bất thường.
Vậy nhưng sau khi siêu âm, bác sĩ phát hiện trái tim của em bé đang bị đẩy về phía bên phải của cơ thể.
"Tôi đã rất hoảng hốt, sợ hãi, vừa khóc vừa gọi điện cho Jeff (chồng Marlo) và bảo anh ấy đến ngay bệnh viện. Khi chỉ còn mấy tuần nữa thôi là được đón chào một em bé khỏe mạnh, cơn ác mộng đã ập xuống gia đình tôi", Marlo chia sẻ.
Các bác sĩ xác định em bé trong bụng Marlo bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh, nói đơn giản hơn là có một lỗ nhỏ trên cơ hoành khiến cho ruột và lá lách của bé chui vào khoang ngực, đẩy tim sang phía bên phải và ngăn chặn sự phát triển của phổi. Đến khi phát hiện ra, phổi trái của bé đã có xu hướng phát triển nhỏ hơn hẳn so với phổi phải.
"Tình huống xấu nhất chạy qua tâm trí tôi lúc đó là tôi có thể mất con. Các bác sĩ cho biết cơ hội sống sót của em bé là 50/50 bởi khi bé chào đời, tim có thể hoạt động bình thường dù nằm lệch vị trí nhưng phôi không phát triển đủ sẽ rất nguy hiểm", Marlo nghẹn ngào kể lại.
Marlo lập tức chuyển đến một bệnh viện tiên tiến hơn chuyên chăm sóc các thai kỳ có nguy cơ cao. Tại đây, cô và em bé được theo dõi tình hình thường xuyên.
Đến tuần thứ 38, Marlo được kích đẻ và hạ sinh bé thành công. Vậy nhưng vừa ra khỏi bụng mẹ, bé đã lập tức được chuyển đi đặt nội khí quản.
"Điều khiến tôi vui mừng nhất trên đời có lẽ là khoảnh khắc nghe thấy tiếng con khóc. Bởi điều đó có nghĩa là phổi của con vẫn tốt và có thể làm việc được", Marlo kể lại.
10 ngày sau khi chào đời, cô bé Mabel đã phải vào phòng phẫu thuật. Các bác sĩ rạch một đường nhỏ khoảng 3cm trên ngực bé để phẫu thuật đóng lại lỗ hổng cơ hoành và đẩy các cơ quan về đúng vị trí của nó.
"Trước khi phẫu thuật, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần và nói lời tạm biệt với con. Vậy nhưng 3 giờ sau, bác sĩ bước ra và nói mọi thứ suôn sẻ. Thật tuyệt vời", Marlo nói.
Sau 2 tháng 22 ngày được chăm sóc đặc biệt trong bệnh viện, cuối cùng "chiến binh nhí" cũng được về nhà trong niềm hạnh phúc của gia đình. Đến nay, cô bé đang phát triển hoàn toàn khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa.