I ốt là một khoáng chất quan trọng đối với mỗi con người. Chất này giúp điều chỉnh nội tiết tố, hỗ trợ tuyến giáp thực hiện các chức năng trong quá trình trao đổi chất. Khi mang thai, I ốt sẽ giúp mẹ bầu đảm bảo sự chuyển hóa chất trong cơ thể diễn ra bình thường, giúp hình thành và phát triển não bộ của thai nhi. Vì thế, bài viết này sẽ mách mẹ bầu bổ sung I ốt đúng cách khi mang thai nhé!
Theo các nghiên cứu, I ốt và các hormone tuyến giáp có vai trò vô cùng quan trọng đối với thai nhi, ngay từ khi hình thành bào thai trong bụng mẹ cho tới khi sinh. Bởi I ốt là nguyên tố đóng vai trò quan trọng để hình thành nên hormone tuyến giáp. Nếu thiếu chất này có thể gây ra rối loạn chuyển hóa cơ thể, giảm khả năng phát triển của hệ thống thần kinh ở bào thai.
Nhu cầu I ốt khi mang thai của mẹ bầu
Khi mang thai hầu hết nhu cầu các chất dinh dưỡng cần bổ sung cho mẹ bầu đều tăng, I ốt không nằm ngoài quy luật đó. Để duy trì sức khỏe và đảm bảo tăng cường sự phát triển tốt cho thai nhi thì nhu cầu I ốt của mẹ bầu trong thời gian thai kỳ tăng 50% so với bình thường.
Nếu không đáp ứng đủ lượng I ốt cần thiết, ngoài việc trẻ có nguy cơ cao bị chậm phát triển về thể chất lẫn trí tuệ thì mẹ bầu cũng rất dễ bị sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu, chảy máu nhiều sau sinh…
Tuy nhiên, cũng không nên bổ sung quá nhiều I ốt vì hormone tuyến giáp sẽ sản xuất quá nhiều có thể gây tình trạng cường giáp, cũng gây ra hậu quả khá nặng nề như sinh non, tiền sản giật, suy tim ở thai phụ hoặc thai chết lưu, sảy thai, dị tật thai nhi bẩm sinh.
Cách bổ sung I ốt đúng cách khi mang thai
Ở người trưởng thành trung bình cần khoảng 150mcg I ốt/ngày còn mẹ bầu cần nhiều hơn, khoảng 220mcg-250mcg I ốt/ngày. Để tránh những hậu quả đáng tiếc do tình trạng thiếu I ốt gây ra thì từ 1/5/2016, Thủ Tướng Chính Phủ Việt Nam đã quyết định yêu cầu bắt buộc các loại muối ăn cần phải bổ sung đầy đủ I-ốt theo tiêu chuẩn tối thiểu 40ppm để đáp ứng nhu cầu I ốt toàn dân.
Việc sử dụng muối ăn hàng ngày giúp bổ sung I ốt tốt nhất cho cơ thể. Nhưng trong quá trình bảo quản lượng I ốt có thể sẽ bị hao hụt. Do đó, mẹ bầu nên giữ muối I ốt ở nơi khô thoáng, tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp để tinh chất I ốt không bị bay hơi, cần cho vào lọ thuỷ tinh đậy kín nắp là tốt nhất. Cần hạn chế rang muối I ốt vì chất dễ bay hơi ở nhiệt độ cao.
Ngoài muối thì I ốt còn có nhiều trong tảo bẹ, phô mai, trứng gà, lươn, hải sản, sữa bột tách béo, sữa bột toàn phần, tảo biển, rau dền, bắp cải… Vì thế mẹ bầu cần phải tính toán chính xác lượng I ốt có trong các loại thực phẩm này và nêm nếm cho phù hợp, tránh ăn mặn, gây thừa chất này.
Lượng I ốt có trong các loại thực phẩm trên có hàm lượng như sau:
- Tảo bẹ: 1mg/100g
- Tảo khô: 1.8mg/100g
- Rau chân vịt: 0.164mg/100g
- Rau cần: 0.16mg/100g
- Cá biển: 0.08mg/100g
- Muối ăn: 7.6mg/100g
- Cải thảo: 0.098mg/100g
- Trứng gà: 0.097mg/100g
Nhìn vào hàm lượng trên, mẹ bầu có thể bổ sung I ốt cho mình một cách hợp lý, tránh bổ sung thiếu hoặc quá dư thừa. Mặc dù I ốt không cần bổ sung nhiều trong quá trình mang thai nhưng mẹ bầu cũng không thể xem nhẹ. Để có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ cần chăm chút, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt đảm bảo bổ sung lượng I ốt hợp lý để tốt cho sự phát triển của não bộ trẻ và tránh những biến chứng đáng tiếc cho bà mẹ cũng như thai nhi.