Kết quả nghiên cứu cho thấy trẻ nhỏ bú mẹ trực tiếp ít có nguy cơ mắc các chứng bệnh kinh niên khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh béo phì.
- Đã tìm ra lý do của việc trẻ con đang ngoan cứ thấy mẹ là quấy
- 7 hiểm họa tiềm ẩn khi các mẹ cho con nằm võng
Trẻ bú sữa mẹ đã hút ra bình có nguy cơ béo phì cao gấp 3 lần trẻ bú mẹ trực tiếp
Không ai có thể nghi ngờ thực tế rằng sữa mẹ, dù được trẻ bú trực tiếp hay được hút ra và bú bằng bình, là tốt nhất cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên chuyên trang Pediatrics, sữa mẹ được bú trực tiếp vẫn chiếm "thế thượng phong". Khi so sánh sữa mẹ bú trực tiếp và sữa đã hút ra, các nhà nghiên cứu cho biết sữa bú trực tiếp có ích hơn đối với sức khỏe của trẻ, đặc biệt trong vấn đề kiểm soát cân nặng.
Dự án nghiên cứu về quá trình phát triển liên tục của trẻ sơ sinh khỏe mạnh ở Canada nhằm mục đích đánh giá các căn bệnh kinh niên ở trẻ nhỏ, bao gồm nguyên nhân của các căn bệnh đó. Bệnh béo phì là một trong những đề tài được đưa vào dự án.
Trong số hơn 2.500 trẻ sơ sinh được theo dõi, những trẻ chỉ bú sữa mẹ trực tiếp trong 3 tháng có BMI (chỉ số khối cơ thể) thấp nhất khi được 1 năm tuổi. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc trẻ không được bú sữa mẹ khi chưa đầy 6 tháng tuổi liên quan tới vấn đề trẻ có BMI cao hơn, tăng cân nhanh hơn và có nguy cơ mắc chứng béo phì cao gấp 3 lần.
Lars Bode - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Sản phụ - Sữa mẹ - Trẻ sơ sinh của Quỹ Larsson-Rosenquist thuộc Đại học California San Diego (Mỹ), giải thích: "Các dữ liệu khác cũng cho kết quả tích cực rằng nếu một đứa trẻ có BMI cao khi còn nhỏ, nó sẽ định hình cơ thể trẻ ngay từ thời gian đó và phát triển thành bệnh béo phì khi đến tuổi thiếu niên".
Bode và các nhà nghiên cứu khác vẫn chưa thể đưa ra lời giải thích chính xác vì sao sữa bú trực tiếp tốt hơn sữa hút ra bình. Tuy nhiên, họ đã xây dựng nên một vài học thuyết nhằm giải đáp vấn đề này. Một trong số đó cho rằng khi bú sữa trực tiếp từ người mẹ, trẻ có thể tự điều tiết lượng sữa cần ăn và dừng lại khi đã no. Một học thuyết khác tập trung vào sự biến đổi của thành phần sữa mẹ khi được làm lạnh, trữ đông hoặc giữ ấm.
Nghiên cứu này có gây ra áp lực không đáng có cho những người mẹ thường xuyên phải hút sữa?
Sữa bú trực tiếp có thể tốt hơn cho trẻ nhỏ là điều đã được nhiều người biết đến. Ích lợi của việc người mẹ trực tiếp cho con bú không chỉ dừng ở khía cạnh dinh dưỡng, mà còn liên quan mật thiết tới sức khỏe tâm lý và cảm xúc của người mẹ và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, kết quả của cuộc nghiên cứu này có thể chỉ càng đè nặng lên vai những người mẹ bận công tác vốn đã cảm thấy mệt mỏi và áp lực vì họ không còn cách nào khác để có thể cho con bú trực tiếp.
Cuộc nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao ý thức cộng đồng về những ích lợi của sữa mẹ và việc cho con bú, nhưng đổi lại có thể khiến những người mẹ thường xuyên phải hút sữa để dành cảm thấy áp lực.
Thường thì người mẹ phải hút sữa vì khá bận rộn với công việc. Họ hút sữa để đảm bảo đứa trẻ vẫn có sữa để ăn khi họ vắng nhà vì công việc. Vậy không lẽ sữa hút là "chưa đủ tốt". Không thực sự như vậy. Tác giả cuộc nghiên cứu Meghan Azad giải thích, căn cứ vào những dự án nghiên cứu trước đó, sữa hút vẫn có lợi ích vượt trội.
Cô cho biết: "Người mẹ cần nỗ lực rất nhiều để hút sữa cho con và tôi không muốn họ cảm thấy điều họ làm không đáng giá. Nhưng chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi, nếu sữa hút không tốt bằng sữa bú trực tiếp, thì vì sao lại như vậy? Và chúng ta cần làm gì để ủng hộ những người mẹ để họ có điều kiện cho con bú trực tiếp nhiều nhất có thể?".
Khi trao đổi với Lynn Ng – một chuyên gia tư vấn về cho con bú được hội đồng quốc tế công nhận, cô đề xuất một vài cách giúp hạn chế ảnh hưởng của việc cho trẻ ăn sữa hút (liên quan tới vấn đề tăng cân). Lynn cho biết, thay vì cho trẻ ăn theo giờ, người mẹ nên tính đến việc cho trẻ ăn theo nhu cầu, kể cả là ăn sữa đã hút ra bình, để đảm bảo trẻ được ăn đúng lượng cần thiết và không hơn.
Trong khi đó, cách tốt hơn hết, như Azad gợi ý, không nằm ở việc tạo ra áp lực không đáng có cho người mẹ, thay vào đó, họ cần được "gia đình, cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách" ủng hộ, tạo điều kiện cho việc cho con bú mẹ trực tiếp.