Mất ngủ khi mang thai là một trong những rắc rối khiến thai phụ lo âu và mệt mỏi. Vậy nguyên nhân do đâu và cần có những biện pháp nào để khắc phục vấn đề này?
- Hiện tượng ra máu khi mang thai tháng đầu – Cảnh báo nguy hiểm mất con
- Bà bầu ăn hạt mè khi mang thai có an toàn không?
Theo một nghiên cứu gần đây, có tới 78% phụ nữ mất ngủ khi mang thai và điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi trong bụng. Cần có giải pháp kịp thời để khắc phục vấn đề trên để mẹ bầu vượt qua thời kỳ mang thai thuận lợi và bào thai được phát triển khỏe mạnh.
1. Bà bầu bị mất ngủ về đêm do đâu?
Mất ngủ có thể định nghĩa là bạn cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, hay thức giấc vào giữa đêm và khó ngủ trở lại. Điều ít ai biết là phụ nữ có thể xuất hiện tình trạng mất ngủ trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ, nhưng thông thường sẽ rơi vào tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba.
Khi cơ thể thai phụ muốn chìm vào giấc ngủ thì sự thay đổi thất thường của nội tiết tố cùng những "tác dụng phụ" đến từ giai đoạn mang thai như ợ nóng, nghẹt mũi lại không cho chúng ta có một giấc ngủ chất lượng. Mặc dù vậy, may mắn thay là các chuyên gia đã xác định rằng các triệu chứng mất ngủ có thể gây mệt mỏi, khó chịu cho mẹ bầu nhưng không gây ảnh hưởng đến em bé trong bụng.
Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu mất ngủ và ở mỗi giai đoạn thai kỳ sẽ xuất hiện các nguyên nhân khác nhau "gây phiền toái" đến giấc ngủ của bà bầu. Cụ thể là:
- Bị mất ngủ khi mang thai tháng đầu thường lý do hàng đầu là sự thay đổi nội tiết tố, tình trạng ốm nghén liên tục.
- Mang thai nhi trong bụng khiến nhu cầu đi vệ sinh của chị em cũng tăng lên làm cho bà bầu phải thức dậy thường xuyên để giải quyết.
- Những căng thẳng về tinh thần và thể chất khi mới mang bầu.
- Một triệu chứng nữa là thường buồn ngủ và ngủ nhiều vào ban ngày và mất ngủ khi về đêm.
Bà bầu mất ngủ ba tháng giữa do đâu?
Trong giai đoạn “tam cá nguyệt thứ 2” của thai kỳ, giấc ngủ của bà bầu sẽ được cải thiện đáng kể vì vấn đề tiểu đêm đã giảm tần suất do thai phát triển trên cao so với bộ phận bàng quang. Mặc dù thế, chất lượng giấc ngủ vẫn có thể còn kém vì lúc này các mẹ bầu sẽ có xu hướng lo lắng về sự phát triển của con mình hoặc xuất hiện những giấc mơ liên quan đến con.
Vì sao bà bầu mất ngủ 3 tháng cuối thai kỳ?
Đây có thể được xem là giai đoạn bà bầu gặp nhiều vấn đề với giấc ngủ nhất trong suốt thời kỳ mang thai. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ:
- Bụng ngày càng to nặng nề, chèn ép trong sinh hoạt gây khó chịu.
- Thường xuyên xuất hiện tình trạng ợ nóng.
- Tăng nặng triệu chứng nghẹt mũi, khó thở.
- Đau lưng, đau nhức xương về đêm hoặc lúc trời lạnh nhiều hơn.
- Tiểu đêm tăng lên do bụng to, thai nhi lúc này tụt xuống chèn ép bàng quang.
- Ngày sinh nở cận kề làm chị em lo lắng về việc chuẩn bị làm mẹ.
2. Mẹ bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Câu trả lời là: KHÔNG ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi nhưng sẽ khiến các bà mẹ lúc nào cũng cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi và giảm hiệu quả công việc lúc ban ngày. Để khắc phục hiệu quả tình trạng mất ngủ, khó đi vào giấc ngủ, mẹ bầu có thể áp dụng những phương pháp dưới đây:
+ Làm giảm cảm giác ốm nghén
Ốm nghén thường xuyên cũng dễ gây tình trạng mất ngủ ở bà bầu. Vì vậy, khi mang thai, chúng ta nên tìm hiểu vấn đề ốm nghén của mình là do đâu để có giải pháp điều trị phù hợp. Nếu chỉ là cảm giác buồn nôn thoáng qua sau đó hết, bạn có thể uống những loại trà thảo mộc ấm nóng như trà gừng, trà bạc hà sẽ đỡ hơn cho cổ họng và dạ dày.
+ Điều chỉnh chế độ ăn uống
Các bà bầu nên hạn chế tối đa việc nạp vào cơ thể các loại đồ uống chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà và không dùng chúng vào lúc chiều, tối muộn, đặc biệt là trước khi đi ngủ. Không nên ăn tối quá khuya hoặc ăn quá no trước khi ngủ từ 2-3 tiếng để cơ thể có thời gian thoải mái tiêu hóa lượng thức ăn trong ngày và tránh việc mất ngủ khi mang thai.
Mỗi ngày, các chị em cũng nên uống 8 ly nước lọc để giảm thiểu các cơn đau và và triệu chứng khó chịu khác. Nếu mẹ bầu bị tê cứng hoặc sưng chân thì hãy nghĩ đến việc bổ sung thêm canxi và massage chân thường xuyên để cải thiện tình trạng.
+ Thư giãn toàn thân trước khi đi ngủ
Xem tivi quá khuya hay đọc sách báo trên giường là điều không được khuyên làm. Thay vào đó chị em nên tập thói quen nghe nhạc nhẹ để dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Chọn đồ ngủ cũng khá quan trọng, chất liệu cotton rộng rãi, thoải mái sẽ là lựa chọn thông minh. Trước khi đi ngủ, bạn cũng có thể ngâm chân trong nước nóng để giúp lưu thông máu huyết và có giấc ngủ sâu hơn. Chỉ nên ngủ khi bản thân cảm thấy buồn ngủ, không nên cố gượng ép cơ thể vào giấc ngủ sẽ càng khó ngủ hơn.
+ Chọn tư thế ngủ phù hợp
Bà bầu có thể nằm nghiêng sang bên trái khi ngủ vì tư thế này giúp lượng máu chạy về nhau thai tốt nhất. Còn khi bụng bầu đã quá lớn, bạn hãy chèn thêm ở phần bụng một chiếc gối mềm hay dùng loại gối quấn toàn thân dành riêng cho bà bầu.
+ Tạo tâm lý thoải mái
Để ngăn chứng mất ngủ cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ, cách tốt nhất là mẹ bầu nên dẹp bỏ những gánh nặng, lo toan, tạo cho mình tâm lý thoải mái.
+ Tập thể dục thường xuyên
Bạn có thể cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần bằng các bài tập vận động nhẹ nhàng, từ đó sẽ có được giấc ngủ ngon và sâu hơn. Tuy nhiên, chị em nên tránh các bài thể dục mạnh trong vòng 4 giờ trước khi đi ngủ.
Nếu tình trạng mất ngủ ngày càng nghiêm trọng và kéo dài, thai phụ nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Tránh sử dụng các loại thuốc ngủ bừa bãi mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ vì sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
3. Bà bầu mất ngủ nên ăn gì để ngủ sâu và ngon hơn?
+ Thực phẩm giàu vitamin B6
Vitamin B6 đóng vai trò là chất xúc tác tham gia vào quá trình chuyển đổi tryptophan thành serotonin, từ đó giúp giảm cảm giác mệt mỏi, đem đến cho bà bầu một giấc ngủ ngon và sâu.
Các loại thực phẩm giàu vitamin B6 như: cá hồi, cá mòi, bông cải xanh, ớt chuông,...
+ Trứng
Những mẹ bầu bị mất ngủ hay ngủ mơ màng hoặc xuất hiện ác mộng trong lúc ngủ có thể lựa chọn bổ sung trứng vào khẩu phần ăn. Lượng protein dồi dào trong trứng chính là lý do mà nó giúp cải thiện giấc ngủ hiệu quả.
Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng chị em chỉ nên ăn 3 quả trứng mỗi tuần, tốt nhất là chọn trứng gà ta.
+ Pho mát
Lượng canxi phong phú trong pho mát hỗ trợ làm tăng khả năng sản xuất melatonin, giúp giấc ngủ sâu không bị gián đoạn. Mặc dù vậy, cần lưu ý tránh ăn pho mát trước khi đi ngủ vì dễ khiến cơ thể tăng cân quá mức.
>>> Xem thêm:
- Những cách giảm đau xương mu khi mang thai hiệu quả
- Mách bạn tư thế ngủ khi mang thai tốt cho mẹ và sự phát triển của bé
+ Chuối
Trong chuối chứa thành phần giúp tăng cường sản xuất hóc môn serotonin, từ đó giúp thai phụ buồn ngủ nhanh hơn. Loại quả này còn chứa nhiều magie giúp an thần, làm thư giãn cơ bắp, hỗ trợ bà bầu giảm tình trạng đau nhức cơ thể và chuột rút khi đang ngủ.
Mỗi ngày, nên duy trì ăn 1 – 2 trái chuối để có được giấc ngủ trọn vẹn.
+ Mật ong
Mật ong giàu tính kháng viêm và là vị thuốc an thần tự nhiên được sử dụng rộng rãi trong cả Đông và Tây y. Thời điểm tốt nhất để sử dụng mật ong là trước khi đi ngủ. Cho 1 – 2 muỗng nhỏ mật ong vào ly sữa ấm uống trước khi đi ngủ sẽ rất tốt cho thần kinh và hệ tiêu hóa.
Bà bầu mất ngủ có nên uống tâm sen không?
Tâm sen là thảo dược có vị đắng, tính hàn và chúng được biết đến là một loại thực phẩm rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị mất ngủ. Mẹ bầu có thể pha trà tâm sen uống hằng ngày giúp cơ thể có một giấc ngủ ngon mà không gây tác dụng phụ cho thai nhi.
Tuy nhiên, nên uống trà sau khi ăn tối 1 giờ hoặc trước khi đi ngủ 3-4 giờ và liều dùng đề nghị mỗi ngày là 1,5 - 3g.
Con người dành ra 1/3 thời gian cuộc đời để ngủ, vì vậy giấc ngủ là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, đừng để mất ngủ khi mang thai trở thành nỗi ám ảnh suốt thai kỳ. Muốn có giấc ngủ ngon, các mẹ bầu cần chú ý tạo thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý để cải thiện giấc ngủ trong thời gian mang thai, tránh gây hại tới sức khỏe của mẹ và bé.