Bà bầu nếu bị mắc xuất huyết trong thai kỳ có thể gây ảy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai.
Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng tên là Dengue (Đăn-gơ) gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành.
Trong thời kỳ mang thai, sức đề kháng của các mẹ sẽ giảm xuống. Vì vậy, các mẹ rất dễ mắc một số bệnh như cúm, Rullela và đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết. Các bệnh trên đều có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và hậu quả nguy hiểm nhất có thể gây sảy thai và tử vong mẹ.
Sốt xuất huyết Dengue là gì?
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh sốt xuất huyết được gây ra do virus Dengue. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu nhiễm với chủng virus nào, thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó.
Có thể nói Dengue là một bệnh virus lây truyền, do muỗi thường gặp nhất ở người. Trong những năm gần đây, bệnh đã trở thành mối nguy cơ lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với các bà mẹ mang thai ở các đô thị trong vùng nhiệt đới.
Sốt xuất huyết có thể ảnh hưởng đến thai kỳ do 2 triệu chứng chính là sốt và xuất huyết. Sốt xuất huyết trong thai kỳ thường gặp vào 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Vì sao sốt xuất huyết nguy hiểm?
Bệnh có thể trở nặng bất ngờ, gây tử vong cao. Bệnh chưa có thuốc trị đặc hiệu và thuốc phòng ngừa.
Chia sẻ với phóng viên Ths.BS Tạ Quang Mậu – Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông) cho biết: ở người lớn có hai dạng sốt xuất huyết: dạng biểu hiện ra bên ngoài và dạng không biểu hiện ra bên ngoài (thường gặp nhất là xuất huyết tiêu hóa và xuất huyết não).
Sốt xuất huyết tiêu hóa (trong ruột) ở người lớn có biểu hiện ban đầu rất bình thường, chỉ sốt, ít ho, không sổ mũi, không nổi ban. Sau 1 hoặc 2 ngày, bệnh nhân sẽ đi tiêu ra máu nhưng không nhiều và bắt đầu có những hạt lấm tấm trên da, người xanh xao.
Sốt xuất huyết não cũng rất khó nhận biết vì biểu hiện ban đầu không rõ ràng, nhưng rất dễ gây tử vong. Ban đầu, người bệnh sốt, bị nhức đầu, ngay sau đó tay bị tê liệt, không thể cử động. Cuối cùng, người bệnh sẽ bị hôn mê rồi dẫn đến tử vong. “Đối với các trường hợp này, bác sĩ không thể cứu chữa kịp vì tiến triển bệnh quá nhanh”, bác sĩ Hiền nhận định.
Dạng sốt xuất huyết có biểu hiện bên ngoài ở người lớn cũng diễn biến bất thường và triệu chứng ồ ạt hơn ở trẻ em. Thời gian bị sốt cũng kéo dài hơn, khoảng 11-12 ngày thậm chí dài hơn (ở trẻ em chỉ 7 ngày). Sốt xuất huyết ở người lớn nguy hiểm nhất chính là lúc mạch huyết áp bị kẹt (bị tụt), từ đó bắt đầu sinh ra các biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, suy gan, đông máu. Tỷ lệ biến chứng ở sốt xuất huyết người lớn là khoảng 5%.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở thai phụ
Sốt xuất huyết trong thời kì mang thai có những triệu chứng rất giống với cảm cúm. Vì vậy, người bệnh rất dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm.
Mẹ bầu bị sốt xuất huyết thường bị đột ngột với sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ngoài các triệu trứng viêm hô hấp như trên, người bệnh còn đau họng, viêm long, xuất tiết, đau mỏi cơ xương khớp gần giống như một số bệnh khác.
Bệnh sốt xuất huyết cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Mặt khác, điều trị bệnh cho bà bầu thường rất khó khăn. Thường, bác sĩ rất thận trọng khi sử dụng thuốc vì sợ tác dụng phụ của thuốc đối với thai nhi.
Nguy cơ khi mẹ bầu bị sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Tạ Quang Mậu, mẹ bầu bị sốt xuất huyết nếu không được điều trị kịp thời sẽ có những nguy cơ sau:
- Nếu mẹ bầu bị sốt xuất huyết, thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường.
- Sốt xuất huyết trong thai kỳ có thể gây sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, tỷ lệ rất nhỏ mẹ có thể truyền virus sang thai.
- Các bà bầu có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu diễn tiến nặng hơn có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dễ dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu trong tử cung hay thậm chí mẹ tử vong.
- Sốt xuất huyết khi mang thai thường khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu.
-Sốt xuất huyết lúc chuyển dạ có thể băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu, một yếu tố của quá trình đông máu. Nếu bạn chuyển dạ trong khi bị bệnh sốt xuất huyết, nhất là ở ngày thứ 3 và thứ 5 của sốt, thì rất dễ bị băng huyết. Nặng hơn nữa là tình trạng rối loạn đông máu dẫn đến nguy cơ tử vong cho bà bầu và thai.
Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết khi mang thai
Để tránh tình trạng mắc bệnh sốt xuất huyết khi mang thai, các mẹ hãy phòng tránh bệnh ngay từ những tháng thai kì đầu như:
- Chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách dọn dẹp nơi muỗi sinh sôi như phát quan bụi rậm, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp, thoáng. Không để ao tù, nước đọng trong chum, thùng,…
- Tránh muỗi đốt bằng cách nằm ngủ hay sinh hoạt trong mùng, màn ở những vùng có mật độ muỗi cao.
- Nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả có nhiều vitamin C, không tự ý dùng thuốc hạ sốt khi chưa rõ nguyên nhân.
- Đặc biệt, bà bầu nên đi khám ngay khi có các triệu trứng nghi ngờ như sốt, chảy máu răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hay đau cơ, đau khớp, đau họng, viêm long, xuất tiết,…Nếu nghi ngờ sốt xuất huyết phải nhập viện để được theo dõi và điều trị.