Muốn “vượt cạn” suôn sẻ và không phải chịu đựng cơn đau đẻ quá lâu, chị em nên áp dụng các tuyệt chiêu sau.
- Một số món ăn từ quả bí ngòi cho bà bầu nhiều dưỡng chất trong thai kỳ
- Từng là trái quý tiến vua, bà bầu ăn quả bòn bon sẽ nhận được những ích lợi hiếm có này
Hành trình “vượt cạn” đón bé yêu chào đời ở mỗi phụ nữ lại có những cảm xúc khác nhau. Từ lúc dấu hiệu chuyển dạ đầu tiên xuất hiện đến lúc bé yêu chính thức chào đời có thể chỉ mất khoảng vài giờ đồng hồ, nhưng cũng có thể kéo dài hàng chục giờ. Thời gian chuyển dạ càng dài, mẹ càng mất nhiều sức, quá trình sinh con vì vậy cũng khó khăn hơn. Muốn có một thai kỳ khỏe mạnh và hành trình “vượt cạn” dễ dàng, suôn sẻ, không phải chịu những cơn đau đẻ quá lâu, chị em nên biết những kiến thức dưới đây.
Tại sao lại đau đẻ?
Tử cung là “ngôi nhà” của bé yêu. Thông thường, khi gần đến ngày dự sinh, tử cung sẽ làm nhiệm vụ ép bé ra bằng những cơn co thắt để tạo các cơn đau chuyển dạ. Cơn đau chuyển dạ này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Sức mạnh và cường độ của những cơn co thắt, vị trí và kích thước của thai nhi…
Cường độ của những cơn đau sẽ khác nhau trong mỗi lần mang thai. Và trong quá trình chuyển dạ, người mẹ sẽ cảm thấy toàn thân đau nhức, đặc biệt là: vùng xương chậu, lưng, tầng sinh môn, bàng quang và ruột… Bởi, tất cả những bộ phận này sẽ hợp sức để cơn đau thêm mạnh mẽ, chuẩn bị cho quá trình bé yêu chào đời.
Thông thường, thời gian chuyển dạ kéo dài khoảng 6-12 tiếng (tính từ lúc bắt đầu cơn đau đầu tiên cho đến khi bé chào đời). Tuy nhiên, có những trường hợp, thời gian đau đẻ kéo dài hơn, đặc biệt là những mẹ bầu sinh con so, thời gian đau để có thể kéo dài gấp đôi, từ 12-24 tiếng. Tuy nhiên, bạn có thể rút ngắn thời gian chuyển dạ bằng những bí kíp dưới đây.
Tập thể dục
Gần như tất cả các bộ phận trên cơ thể bạn sẽ phải tham gia vào quá trình sinh con. Và rất có thể bạn sẽ thấy căng thẳng, “tim đập, chân run” hơn khi không có đủ thể lực. Bởi thế, trong thời gian mang thai, điều quan trọng với các mẹ bầu là giữ cho cơ sàn chậu khỏe mạnh. Tập thể dục để tăng sự linh hoạt của các cơ vùng chậu giúp chuyển dạ nhanh chóng hơn là “bí kíp” được nhiều chị em mách nhau.
Đơn giản thôi, hãy cùng chồng hoặc bạn bè, người thân đi bộ một cách nhẹ nhàng và đều đặn vào buổi tối hoặc tập một vài động tác yoga phù hợp có thể đem lại cho bạn những điều kỳ diệu, giúp giảm bớt thời gian “lao động” hiệu quả.
Tham gia lớp học tiền sản
Tham gia các lớp học tiền sản để đón đầu những gì có thể xảy ra và chuẩn bị tâm lý sẵn sàng khi vượt cạn là một gợi ý hay.
Các chuyên gia tại lớp học tiền sản không chỉ giúp mẹ bầu thêm hiểu biết về chế độ dinh dưỡng, cách chăm sóc bản thân, chăm sóc trẻ sơ sinh… mà còn hướng dẫn các bài thể dục dễ sinh cùng phương pháp thở đúng khi sinh. Hơi thở nông, sâu cùng cảm giác căng thẳng, hoảng sợ lúc “lâm bồn” là một phần nguyên nhân khiến mẹ bầu mất kiểm soát, kiệt sức và kéo dài thời gian sinh nở.
Chọn tư thế sinh nở
Mang thai cũng giống như một cuộc chạy đua marathon, vào cuối chặng đường, bạn cần phải có một cuộc bứt phá phù hợp để cán đích nhanh chóng, an toàn. Duy trì đúng tư thế là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn “vượt cạn” thành công. Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho ca sinh nở, các bác sĩ khuyên bạn nên đứng thẳng khi chuyển dạ. Việc đứng để sinh con giúp đầu bé chúc xuống một cách tối đa, tạo áp lực lên tử cung. Tư thế này cũng khiến các cơn co xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh hơn.
Khi đứng, mẹ bầu có thể dựa vào chồng hoặc người thân, hai tay vòng qua cổ chồng/ người thân. Khi cơn đau đến, mẹ bầu nhẹ nhàng lắc lư người như đang nhảy múa chậm và nhờ chồng/ người thân mat-xa lưng.
Đừng căng thẳng
Cảm giác vừa căng thẳng, vừa hồi hộp, vừa thú vị khi sinh là điều dễ nhận thấy ở các mẹ bầu, nhưng quan trọng là hãy giữ bình tĩnh và thư giãn. Stress hay suy nghĩ và lo lắng viển vông sẽ càng làm cơn đau đẻ nghiêm trọng hơn, bởi cơ thể không được thả lỏng và quá trình hô hấp cũng trở nên khó khăn hơn.
Nghĩ lại những khoảnh khắc hạnh phúc hay nghe nhạc nhẹ nhàng và thoải mái nói ra những tâm tư của mình với người thương yêu bên cạnh sẽ giúp bạn có tư duy tích cực, thả lỏng và “cán đích” nhanh chóng.
Luyện thở theo nhịp
Khi những cơn co thắt bắt đầu xuất hiện, mẹ bầu cần duy trì việc thở theo nhịp. Lấy hơi nhanh từ 2-3 giây/ lần bằng mũi và thở sâu ra bằng miệng. Hoạt động này sẽ giúp làm giảm các cơn đau co thắt và khiến việc sinh đẻ diễn ra suôn sẻ, bớt tốn sức và tốn thời gian hơn.
Kích thích “núi đôi”
Kích thích được thực hiện bằng cách kéo hay vê núm vú, đồng thời mat-xa vùng quầng ngực xung quanh. Các kích thích này làm cơ thể tưởng rằng bạn đang cho con bú và giải phóng ra oxytocin, loại hormone gây co thắt tử cung. Sau khi sinh con, oxytocin còn đóng vai trò thúc đẩy sự phục hồi, đưa tử cung trở lại trạng thái trước khi sinh.
Có nhiều mẹ lo lắng rằng kích thích “núi đôi” có thể gây sinh non? Thực tế, nếu cơ thể chưa đạt đến những điều kiện chín muồi để bé yêu chào đời, chỉ khi bạn bị mất cân bằng hormone thì những kích thích đó mới gây sinh non. Tuyệt đối không thử phương pháp này nếu chưa sẵn sàng cho việc sinh nở.
Chườm ấm
Chườm ấm giúp giảm căng cơ, hạn chế cơn đau khi chuyển dạ. Vì thế, mẹ bầu có thể chườm ấm lưng, háng bằng một túi đựng các loại hạt được làm nóng qua lò vi sóng hoặc một chai nhựa chứa nước ấm được bọc trong một chiếc khăn hay vải mềm.
Chuyển dạ lúc nào cũng đau và bạn không có cách nào tránh được. Bác sĩ luôn cho bạn lời khuyên về việc bé sẽ chào đời như thế nào. Nhưng bạn mới là người thực sự quyết định chuyện này. Sinh thường, lựa chọn dùng thuốc giảm đau hoặc các can thiệp y tế khác? Tất cả đều ở bạn. Tìm hiểu thêm kiến thức, “cập nhật” các cách sinh nở bớt đau, rút ngắn thời gian sinh nở là điều bạn nên làm để “mẹ tròn, con vuông”.