Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là tết diệt sâu bọ, tết nửa năm. Cùng tìm hiểu tết Đoan Ngọ là ngày nào, nguồn gốc ý nghĩa và điều nên biết qua bài viết sau đây.
- Trước nạn ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT vào cuộc họp khẩn: 'Tại sao dịp Tết khách đông hơn nhưng vẫn làm tốt mà giờ lại tắc?'
- Mẹ nam sinh viên quên mình cứu bạn đuối nước: ‘Từ Tết tới giờ em nó chưa về nhà lần nào, nó ít khi về, vì sợ tốn tiền bố mẹ’
Tết Đoan Ngọ là ngày Tết chung của các quốc gia chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn mang đến những ý nghĩa rất đặc biệt. Song song với các ngày tết như tết Hàn Thực hay Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ được người Việt chào đón rất nhiều.
Cứ vào ngày này, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp tại các khu phố, đặc biệt là những nơi có người Hoa sinh sống, người ta lại tất bật để chuẩn bị các mâm cúng trang trọng và gửi vào đó những ước nguyện cho nửa năm còn lại thật sung túc.
1. Tết Đoan ngọ là ngày nào?
Ngày tết này sẽ diễn ra vào mùng 5/5 âm lịch hàng năm, nó còn được gọi với cái tên là Tết Đoan Dương. Đoan ngọ nghĩa là là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, còn mang ý nghĩa là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được dân gian gọi dân dã là "Tết giết sâu bọ". Không chỉ riêng ở nước ta hay Trung Quốc mà tại Triều Tiên, Hàn Quốc cũng có Tết Đoan Ngọ. Do đó, ngày tết này thực chất là một phong tục lễ tết của người Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.
2. Nguồn gốc ý nghĩa Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ có nguồn gốc từ Trung Quốc, gắn liền với nhiều câu chuyện khá ly kỳ, trong đó nổi bật nhất là chuyện về vị quan tên là Khuất Nguyên.
Tương truyền rằng vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên vào thời Chiến Quốc là một trung thần và còn là nhà văn hóa nổi tiếng. Trong một lần ông can ngăn nhà vua không thành, lại thêm bị gian thần hãm hại, Khuất Nguyên đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch.
Điều này đã làm người dân vô cùng thương tiếc cho sự trung nghĩa của ông, mỗi năm vào ngày này, người ta đều làm bánh bá trạng rồi thả trôi sông để tưởng nhớ người trung thần Khuất Nguyên.
Còn Tết Đoan Ngọ đối với người Việt lại là một ngày lễ có ý nghĩa hoàn toàn khác. Theo tài liệu từ Ban Tôn Giáo Chính Phủ thì ngày xưa, vào một mùa vụ thành công và bội thu, người nông dân chuẩn bị ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo đến phá nát mọi thứ.
Nhân dân lo lắng không biết phải làm sao để trừ được nạn sâu bọ. Bỗng nhiên, ở đâu có một ông lão từ xa đến tự xưng là Đôi Truân. Ông đã hướng dẫn nông dân mỗi nhà lập một bàn cúng gồm bánh tro, trái cây, tiếp đến ra trước cửa nhà vận động thể dục. Mọi người làm theo thì chỉ một lúc sau đó, lũ sâu bọ té ngã rã rượi. Và thế là từ đó, nông dân lại lập bàn cúng để loại bỏ sâu bọ vào ngày 5/5 âm lịch. Vì thế Tết Đoan Ngọ còn có tên gọi khác là "Tết diệt sâu bọ".
Ngoài ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng Tết Đoan Ngọ là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa. Người xưa quan niệm rằng bộ phận tiêu hóa của con người thường chứa nhiều loại ký sinh gây hại mà chúng ta không phải lúc nào cũng diệt được. Duy chỉ có ngày mùng 5/5, vào lúc các loại ký sinh này ngoi lên nhiều cũng là thời cơ để con người ăn những thức ăn có vị chua, chát để loại bỏ chúng.
3. Cúng tết Đoan Ngọ gồm những gì?
Cứ đến mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm, nhà nhà lại rộn ràng chuẩn bị mâm cúng tết Đoan Ngọ. Cùng đó là những đồ ăn, bánh trái đặc trưng để “giết sâu bọ”.
Từ thời xa xưa, ông bà ta đã thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết "sâu bọ" - những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Tết Đoan Ngọ ăn gì là phù hợp nhất?
Phải kể đến những món ngon không thể thiếu vào dịp này sau đây:
+ Cơm rượu nếp
Từ rất lâu, cơm rượu nếp được biết đến là một món ngon không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ. Với mùi thơm nồng đặc trưng của gạo nếp lên men, người xưa quan niệm món ăn này sẽ khiến cho “sâu bọ” bị “say” và từ đó bị tiêu diệt. Nếu ăn rượu nếp ngay khi vừa ngủ dậy sẽ rất hiệu nghiệm.
Loại rượu này chủ yếu được làm từ xôi nguyên hạt lên men, còn gọi là "cái". Gạo nếp cẩm thường được dùng để đồ thành xôi, sau đó người ta để nguội và rắc men lên, mang đi ủ trong ba ngày. Thúng xôi ủ sẽ được đặt lên trên một chiếc chậu, hứng lấy nước rượu để khi ăn, người ta sẽ trộn với cái, tạo vị ngọt, cay rất dễ chịu. Người già, trẻ con đều có thể ăn loại rượu này.
Mỗi vùng lại có một nét đặc trưng riêng biệt trong món cơm rượu nếp. Cách chế biến cơm rượu nếp ở mỗi nơi lại một khác nhau.
Ở miền Trung, Cơm rượu được ép thành từng khối. Khác hoàn toàn với thứ cơm rượu rượu của người Bắc, với người miền Nam, cơm rượu nếp lại được viên tròn lại. Dù sở hữu dáng hình nào thì đây vẫn là món ngon Tết Đoan Ngọ được lòng nhiều tín đồ ẩm thực Việt Nam.
+ Bánh ú tro
Ngoài cơm rượu nếp, bánh ú tro (hay bánh gio, bánh ú gio...) cũng được biết đến là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở nhiều vùng miền của Việt Nam.
Đây là món ngon không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ đặc biệt hội tụ tinh hoa của đất trời. Từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến quy trình chế biến đều rất tỉ mỉ.
Những hạt gạo mẩy nhất, thơm nhất, đều hạt được chọn. Dùng nước gio pha chế từ gio than để ngâm bánh (còn gọi là nước nẳng).
Sau khi đốt cháy một số loại thảo mộc sẽ thu được nước, sau đó pha thêm một chút nước vôi trong tạo nên nước gio.
Ngâm kỹ hạt gạo cho đến khi ngả sang màu vàng nghệ sẽ. Cho vào gói trong lá dong, lá chuối rồi đem luộc.
Theo quan niệm từ xưa, gạo luộc trong lá sẽ hấp thu các đặc tính cây cỏ. Từ đó giúp tiêu tan bệnh và mang đến công dụng giải nhiệt cực hiệu quả trong những ngày tháng 5 âm lịch thời tiết oi nóng.
Đối với các tỉnh miền Trung, bánh ú tro là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng mùng 5/5 âm lịch. Sáng sớm, nhà nào cũng sẽ mua ít nhất một chục bánh trở lên để cúng.
+ Thịt vịt
Ở miền Trung, miền Nam, vịt luôn là món ăn không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ của người dân nơi đây. Theo truyền thống của người miền Nam, người ta sẽ nấu thịt vịt để cúng tổ tiên vào ngày này.
Theo quan niệm, ngày 5/5 là ngày có dương khí mạnh. Trong khi đó, thịt vịt là món ăn có tính hàn mang đến hiệu quả giúp giải nóng, làm mát cơ thể rất tốt.
Bên cạnh đó, lý do để đây là món ngon không thể thiếu trong Tết Đoan Ngọ đó là vào tháng 5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa nên béo, thịt thơm hơn bình thường.
Vô số món ngon từ thịt vịt sẽ được nhiều gia đình trổ tài trong ngày này. Có thể chế biến thành các món như bún măng vịt, vịt xáo măng, thịt vịt quay, cháo vịt, gỏi vịt, vịt kho gừng,... tùy theo sở thích.
Nếu chưa biết ăn gì trong ngày mùng 5 tháng 5. Thì thịt vịt cũng là một trong những câu trả lời hoàn hảo.
+ Trái cây
Trái cây là thức ăn không thể thiếu trên mâm cúng tổ tiên và bữa tiệc cùng gia đình. Cũng như bao các nghi lễ, ngày tết khác, vào dịp Tết Đoan Ngọ, điều không thể thiếu trong mỗi gia đình đó là mâm quả dâng lên bàn thờ tổ tiên.
Tháng 5 âm lịch (thường rơi vào tháng 6 dương lịch) là tháng của nhiều loại hoa quả mùa hè chín rộ . Vải, mận là những loại quả có rất nhiều vào tháng 5 âm lịch. Hương vị của những loại trái cây này ngọt bùi và chua thanh càng làm cho ngày Tết Đoan Ngọ trở nên đậm đà hơn.
Việc ăn trái cây đúng mùa thể hiện mong muốn tiêu trừ mầm bệnh. Đồng thời, còn giúp thể hiện phần nào mong muốn hoa trái đầy nhà, sinh sôi nảy nở.
Còn phải kể đến những loại hoa quả như mơ, đào, mít, xoài, chôm chôm, mãng cầu... thơm ngon và có hương vị hấp dẫn riêng. Sẽ thật thiếu sót nếu không thưởng thức trái cây vào dịp này.
+ Xôi chè
Với các tín đồ ẩm thực Việt, chắc hẳn các món xôi chè đã không còn xa lạ. Tuy nhiên, đối với mỗi vùng lại có một nét riêng khi dùng xôi chè.
Miền Bắc,sẽ nấu các món chè đậu xanh, chè mật gạo nếp. Đối với ẩm thực miền Trung sẽ dùng chè kê, chè hạt sen với màu vàng óng ả bắt mắt với mùi thơm ngào ngạt hấp dẫn.
Chè trôi nước được người miền Nam dùng phổ biến và là món ăn không thể thiếu trong ngày tết Đoan Ngọ. Món chè với từng viên chè được làm từ bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh. Dùng kèm cùng nước cốt dừa béo béo, ngọt thanh tạo nên một món ăn có hương vị thanh mát, thơm ngon khiến cho bất cứ ai cũng phải mê mẩn, ăn một lần rồi cứ muốn ăn mãi.
Xem ngay: cách luộc bánh trôi không bị nát.
Còn tại Huế, chè kê được xem là món ăn đặc trưng mỗi dịp tết Đoan Ngọ. Sau khi xay hạt kê và loại bỏ lớp vỏ bên ngoài, người ta sẽ ngâm chúng với nước sau đó mang đi đun sôi cho đến khi nở mềm, sền sệt. Cuối cùng thêm vào nước đường cùng chút gừng là đã được một nồi chè kê thơm phức, vô cùng hấp dẫn cúng tổ tiên.
Như vậy, có thể nói Tết Đoan Ngọ là Tết giữa năm, trước là tưởng nhớ tổ tiên cầu mong mùa màng bội thu không bị sâu bọ phá hoại, sau là ước mong chữa bệnh, cầu sức khoẻ. Nó đã gắn với tín ngưỡng của cả cộng đồng, trở thành một lễ Tết truyền thống.
Xem thêm : Bài văn khấn nôm cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 chuẩn nhất
4. Một số phong tục được thực hiện vào ngày Tết Đoan Ngọ
Nếu bày trí một mâm cúng mùng 5/5 giờ Ngọ (12h trưa) với các món ăn đặc trưng là việc làm không thể thiếu, thì người dân ở một số vùng quê sẽ rủ nhau đi hái lá đem về nấu nước xông với tác dụng làm sạch cơ thể và giải cảm. Tại một số nơi, 12h trưa ngày 5/5 là thời điểm có dương khí tốt nhất, mặt trời tỏa nắng nhiều nhất trong năm và người ta sẽ treo ngải cứu để trừ tà trước cửa nhà lúc này.
Tết Đoan Ngọ còn có ý nghĩa là ngày tết đoàn viên, vì sau Tết Nguyên Đán thì đây gần như là dịp để gia đình sum họp đầm ấm nhất và có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Đó là lý do mà trong ngày này, con cháu dù làm ăn xa xôi mấy cũng cố sắp xếp để về đoàn tụ cùng gia đình.
+ Tắm nước thơm, tắm biển, hái lá:
Tại một số địa phương, trong ngày mùng 5/5 âm lịch, mọi người thường mua lá mùi về để tắm với mong muốn phòng bệnh và tẩy trừ "sâu bọ". Ở các vùng ven biển thì đúng giờ Ngọ, người ta sẽ đi tắm biển. Ngoài ra, theo phong thủy, đây là thời điểm khí dương mạnh nhất trong năm, nhà nhà thường cúng lễ cầu an, các loại cây lá hái trong thời gian này có công dụng chữa bệnh tốt nhất nên các thầy thuốc thường lên núi hái thuốc vào ngày tết Đoan Ngọ.
+ Khảo cây
Vào ngày Tết Đoan Ngọ, cứ đúng 12 giờ trưa, tại nhiều địa phương sẽ thực hiện nghi thức khảo cây hay còn gọi là đánh cây. Người xưa quan niệm rằng nếu thực hiện điều này và kèm theo ước muốn sung túc, đầy đủ thì sẽ được thỏa nguyện.
Ngoài những phong tục nói trên thì vào ngày Tết Đoan Ngọ, ở một số vùng, trẻ em sẽ được cha mẹ sơn móng tay, móng chân màu đỏ hoặc bôi vôi vào ngực và rốn để phòng ngừa đau đầu, đau ngực.
Hy vọng qua bài viết trên đã giúp các bạn hiểu hơn về Tết Đoan Ngọ cũng như biết rõ thêm về các sự tích và ý nghĩa của ngày này.