Trong nhiều năm trở lại đây, dầu dừa đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới và mệnh danh là “tiên dược” cho sức khoẻ con người, từ giữ dáng, đẹp da cho đến ngăn chặn các gốc tự do, chống lão hoá… Thế nhưng một giáo sư nổi tiếng tại Đại học Harvard đã gọi dầu dừa là một thứ “chất độc tinh khiết”. Vậy nguyên nhân là do đâu?
- 'Bí kíp' làm đẹp bằng mật ong và dầu dừa của phụ nữ xưa giúp da mặt trắng mịn, tươi trẻ, mái tóc suôn dài, óng ả
- Dùng dầu dừa để ủ theo cách này, tóc mọc dài cực nhanh, khô xơ cỡ nào cũng trở nên mềm mượt
Dầu dừa là một loại dầu ăn được chiết tách từ cơm dừa. Ở vùng nhiệt đới, nó là nguồn cung cấp chất béo quan trọng trong các bữa ăn của người dân, được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược phẩm, và công nghiệp. Dầu dừa cung cấp nguồn nhiệt rất ổn định do đó thích hợp trong các cách nấu ăn ở nhiệt độ cao như chiên hay rán. Do tính ổn định nên dầu ít bị ôxy hóa và do hàm lượng chất béo no cao nên có thể cất giữ lâu đến 2 năm.
Dầu dừa 100% nguyên chất phải được lấy trực tiếp từ quả dừa già nguyên trái, không qua bất kì xử lý hóa chất nào. Cứ 2-3 trái dừa già cho 1 kg cơm dừa,1 kg cơm dừa lại cho khoảng 100-150 ml dầu dừa. Để có 1 lít dầu dừa xịn cần từ 13-15 trái dừa già tươi.
Để biết dầu dừa nguyên chất có tinh khiết hay không, bạn chỉ cần cho chai dầu dừa nguyên chất vào ngăn mát tủ lạnh. Sau đó chờ 30 phút đến 1 tiếng (tùy theo dung tích của dầu dừa nhỏ hay lớn), do có nhiệt độ dưới 25 độ C thì dầu dừa sẽ bắt đầu đông đặc lại hoàn toàn (nếu dung tích nhỏ thì sẽ mau đông lại hơn). Ngược lại nếu chai dầu dừa của bạn không đông đặc, hoặc đông đặc một phần, phần còn lại cho dù để bao lâu trong ngăn mát vẫn không đông lại thì bạn có cơ sở để nghi ngờ độ tinh khiết của loại dầu dừa mà bạn đang sỡ hữu.
Giáo sư Karin Michels tại trường Sức khoẻ Cộng đồng thuộc Đại học Harvard đã có một bài giảng có tên gọi "Dầu Dừa và các ngộ nhận về dinh dưỡng".
Tại sao dầu dừa đột nhiên bị cho là loại thực phẩm không an toàn sau khi đã được coi là có lợi cho sức khoẻ trong suốt ba thập kỉ?
Hình ảnh của dầu dừa đã được cải thiện trong những năm gần đây và nhiều cửa hàng thực phẩm thiên nhiên đã bày bán sản phẩm này. Tiến sĩ Alice H. Lichtenstein, một giáo sư về khoa học dinh dưỡng của Đại học Tufts, đồng thời là phó chủ tịch Uỷ ban Tư vấn Chế độ ăn uống của chính phủ liên bang cho biết lợi ích của dầu dừa đã được "thổi phồng".
Dầu dừa chứa nhiều axit béo bão hoà có liên quan đến mức cholesterol cao và bệnh tim mạch. Mặc dù các nhà phê bình về dinh dưỡng đã dấy lên những câu hỏi về bằng chứng khoa học cho mối liên hệ này, các nhà dinh dưỡng lâu năm đã khuyến cáo mọi người nên giảm lượng chất béo bão hoà xuống dưới 10% calo hàng ngày, hoặc giảm 20 gram cho chế độ ăn 2.000 calo mỗi ngày.
Có rất ít nghiên cứu về tác động đối với sức khoẻ của dầu dừa lên cơ thể con người, tiến sĩ Lichtenstein nói rằng dường như việc tiêu thụ nó không mang lại lợi ích độc lập nào.
Có nhiều loại dầu dừa khác nhau, trong đó có loại tinh khiết và loại tinh luyện, tức là đã được tẩy trắng và khử mùi. Dầu dừa tinh khiết được chế biến một cách tinh giản, có thể ít tác hại hơn so với dầu dừa tinh luyện, mặc dù thành phần axit béo là như nhau. Dầu dừa tinh luyện đã được xử lý bằng dung môi và nhiệt độ cao, làm tăng lượng cholesterol một cách đáng kể đến nỗi các nhà khoa học sử dụng nó như một chất kiểm soát khi làm các cuộc thử nghiệm trên các loại chất béo khác nhau. Việc xử lý qua nhiệt độ khắc nghiệt có thể phá huỷ một số axit béo thiết yếu và chất chống oxi hoá có lợi, chẳng hạn như axit lauric.
Vì vậy, nếu có ý định sử dụng dầu dừa, hãy sử dụng dầu dừa tinh khiết.
Nên dùng dầu dừa hay dầu ô liu trong chế biến thức ăn?
Về mặt dinh dưỡng, chúng ta nên sử dụng dầu ô liu để chế biến thức ăn thay vì dầu dừa.
So với một muỗng canh dầu ô liu, một muỗng canh dầu dừa chứa gấp sáu lần lượng chất béo bão hoà, gần như đáp ứng đủ giới hạn hàng ngày (13gram) mà Hiệp hội Tim mạch Hoà Kỳ khuyến cáo. Lượng chất béo bão hoà cao gắn liền với tăng lượng cholesterol xấu và tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Hơn nữa, đối với những người có vấn đề về rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ mỡ động mạch, thừa cân béo phì...), việc sử dụng những sản phẩm nhiều axit béo bão hòa như dầu dừa còn làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Hơn nữa, dầu ô liu từ lâu trở thành thành phần chính trong chế độ ăn uống lành mạnh của người Địa Trung Hải. Nó chứa cả chất béo không bão hoà đa và không bão hoà đơn. Giữa hai loại dầu, ô liu là sự lựa chọn tốt hơn vì chất béo không bão hoà đơn có tác dụng có lợi đối với tim mạch khi sử dụng ở mức độ vừa phải và thay thế cho chất béo chuyển hoá.
Tuy nhiên, dầu dừa vẫn có thể là sự lựa chọn lý tưởng hơn so với một số chất béo bão hoà khác. Một nghiên cứu gần đây cho thấy axit lauric trong dầu dừa không làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim nhiều như axit palmitic, được tìm thấy rất nhiều trong bơ.
Những người ủng hộ dầu dừa chỉ ra rằng nó giàu chất phytochemical có tính chống oxy hoá mạnh. Mặc dù đó là sự thật, nhưng nó chỉ có ở loại dầu nguyên chất, trong khi hầu hết dầu dừa trên thị trường đều được tinh chế và có rất ít chất chống oxy hoá.
Mặc dù dầu dừa chắc chắn không phải một thứ "tiên dược", nhưng chúng ta cũng không nên tránh xa nó hoàn toàn, hãy thay thế nó thay vì sử dụng bơ, rút ngắn thời gian nướng thực phẩm, hoặc để tăng hương vị cho món ăn. Và luôn nhớ rằng, nấu ăn với dầu ô liu là lựa chọn tuyệt vời cho sức khoẻ.