Bác sĩ chẩn đoán xác định nữ bệnh nhân bị u lymphoma không Hodgkin liên quan đặt túi ngực (một dạng ung thư hạch), giai đoạn 2.
- Đốt nốt ruồi ở lòng bàn chân, người đàn ông vô tình kích thích tế bào ung thư di căn nhanh hơn
- Nữ tiếp viên hàng không mắc ung thư do nhiễm bức xạ vũ trụ từ những chuyến bay đường dài
Theo thông tin từ VietNamNet, bệnh nhân là bà P.T.T.T (53 tuổi), làm nghề buôn bán tự do, ngụ tại TP.HCM. Cách thời điểm nhập viện 6 tháng, bà T. sờ thấy bướu bên ngực trái, ấn đau, to nhanh nên đã đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám.
Người bệnh cho biết đã đặt túi độn ngực thẩm mỹ hai bên vào 14 năm trước. Cách đây 1 năm, bà T. được phẫu thuật lấy túi ngực vì đau và biến dạng ngực nhiều.
Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ khám lâm sàng nhận thấy có 2 khối bướu ngực trái kích thước 4cm và 5cm, có hạch trên đòn trái kích thước 1cm. Kết quả chụp MRI tuyến vú hai bên có cản từ cho thấy bướu đã xâm nhập cơ ngực lớn và cơ gian sườn. Sinh thiết cho kết quả bướu ác tính kém biệt hóa.
Kết hợp với kết quả giải phẫu bệnh sau đó, bác sĩ chẩn đoán xác định bà T. bị u lymphoma không Hodgkin liên quan đặt túi ngực (một dạng ung thư hạch), giai đoạn 2. Bệnh nhân được điều trị với 5 chu kỳ hoá trị, không phải phẫu thuật. Kết quả siêu âm sau hóa trị cho thấy bướu tan hoàn toàn.
Về thông tin túi nâng ngực có khả năng gây ung thư, dẫn tin từ VTV, một số bệnh ung thư có thể phát triển tại các mô sẹo hình thành xung quanh mô cấy ghép túi ngực.
Thông báo mới của FDA cho biết, cấy ghép ngực trên thực tế có thể gây ra nhiều loại ung thư hơn so suy nghĩ trước đây. Cụ thể, chuyên gia FDA cho biết, túi nâng ngực có thể gây nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy - một loại ung thư da và làm xuất hiện các khối u bạch huyết – một dạng ung thư hệ thống miễn dịch.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện trong nang hoặc mô sẹo xung quanh nơi cấy ghép. Nguy cơ phát triển tình trạng này khá thấp nhưng rủi ro có tồn tại. FDA đã ghi nhận gần 20 ca ung thư biểu mô và gần 30 trường hợp ung thư hạch xung quanh khu vực nâng ngực.
Tiến sĩ Binita Ashar - Trung tâm Thiết bị và Sức khỏe phóng xạ, FDA, Mỹ nói: "FDA chưa có đủ căn cứ để kết luận liệu phẫu thuật nâng ngực có gây ra một số bệnh ung thư hay không hoặc liệu một số thành phần đưa vào trong quá trình cấy ghép có nguy cơ cao hơn những thành phần khác hay không. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ để thu thập thêm thông tin chi tiết hơn về những trường hợp này".
Theo FDA, khá hiếm trường hợp xuất hiện khối u ác tính, tuy nhiên các ca ung thư có liên quan đến tất cả các loại cấy ghép, bao gồm cả những loại túi nâng ngực có bề mặt sần hay nhẵn và những loại chứa nước muối hoặc silicone.
FDA khẳng định, họ không khuyến nghị phụ nữ nên tháo bỏ túi nâng ngực sau cảnh báo nói trên. Tuy nhiên, cơ quan y tế Mỹ cho rằng phụ nữ sau khi nâng ngực cần theo dõi sát quá trình phẫu thuật cũng như hậu phẫu và đến gặp bác sĩ khi phát hiện triệu chứng bất thường.