Nhà thơ Quang Thiều xúc động khi chia sẻ tin buồn trên trang cá nhân, Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương đã qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội.
- Tin buồn: Nghệ sĩ tuồng cổ nổi tiếng Xuân Thu qua đời
- Lưu Hương Giang 'cô độc', 'lặng lẽ' nhìn đồng nghiệp có chồng ở bên, Mỹ Linh xót xa đàn em, vô tình tiết lộ 'đã ly hôn' với Hồ Hoài Anh
Gia đình cho biết ông qua đời sáng 2/1 tại nhà riêng. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam - viết trên trang cá nhân: "Khi nghe họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, cháu của nhà văn, thông báo tin buồn, tự nhiên trong tôi hiện lên một vùng cỏ non mênh mông. Có lẽ, bởi tác phẩm đầu tiên của ông đã hằn sâu trong ký ức tôi là tác phẩm Cỏ non được trích trong sách giáo khoa hồi tôi còn đi học. Với tôi, ông không bay về trời mà vẫn ở lại mặt đất trong màu cỏ xanh mãi tận chân trời ấy. Xin cúi đầu tiễn biệt ông: Người lính Hồ Phương, nhà văn Hồ Phương".
Nhà văn Hồ Phương tên khai sinh là Nguyễn Thế Xương, là một trong những nhà văn có quân hàm tướng hiếm hoi ở Việt Nam. Sinh tại thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), năm 16 tuổi, Hồ Phương đứng trong hàng ngũ những người tự vệ có mặt trên các chiến lũy ở Hà Nội để đánh giặc Pháp. Ông là một trong những chính trị viên xuất sắc thuộc Đại đoàn 308 trong kháng chiến chống Pháp.
Nhà văn Hồ Phương nổi tiếng rất sớm với tác phẩm Cỏ non đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông.
Có thể thấy, hơi thở cuộc sống hào hùng luôn hiện lên qua những trang văn của nhà văn lão thành, tiêu biểu như: Những tiếng súng đầu tiên (1955), Cỏ non (truyện ngắn 1960), Xóm mới (tập truyện ngắn, 1963), Chúng tôi ở Cồn Cỏ (ký sự dài, 1966), Khi có một mặt trời (truyện ký 1972)...
Các sáng tác của ông chủ yếu viết về anh hùng, những điều tốt đẹp, tỏa sáng của bộ đội và nhân dân. Những anh hùng có thật trong đời như Kan Lịch, Lê Mã Lương, chiến sĩ Cồn Cỏ, lãnh tụ Hồ Chí Minh... đã trở thành nhân vật văn học trong tác phẩm của Hồ Phương. Ông chủ tâm phát hiện và đưa những con người tốt đẹp vào tác phẩm của mình.
Nhà văn Nguyên Hồng từng nhận xét: "Hồ Phương là một người lớn lên từ lò lửa chiến tranh và lửa yêu nước".
Sinh thời, nhà văn Hồ Phương cho biết may mắn nhiều lần tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1948, ông viết truyện ngắn đầu tay Nước mắt xung kích, lấy bút danh Hồ Phương. Năm 2007, ở tuổi gần 80, ông viết tiểu thuyết Cha và con (NXB Kim Đồng), khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi là cậu bé 10 tuổi đến lúc quyết định ra đi tìm đường cứu nước.