"Ngày còn trẻ tôi quen cũng nhiều, bây giờ tôi mỏi mệt rồi. Tôi nghĩ, chắc con cũng không muốn tôi đi bước nữa", nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm nói.
- Thúy Nga: "Nghệ sĩ có cái khổ của nghệ sĩ, bán hàng online có cái khổ của bán hàng online"
- Đến thăm mộ Ngọc Đáng, Lê Giang hát vọng cổ, Thúy Nga tiết lộ thông tin bất ngờ về lai lịch phần đất chôn cất cố nghệ sĩ
Mới đây, chương trình, Gõ cửa thăm nhà đã lên sóng. Tại chương trình tuần này, danh hài Thúy Nga đã tới thăm nhà nghệ sĩ ưu tú Thanh Thanh Tâm và được cô chia sẻ nhiều điều về sự nghiệp, cuộc đời.
Đi hát từ năm 4 tuổi, 8 tuổi đóng phim
Tôi là con gái của cố NSƯT Nam Hùng và cố nghệ sĩ "huy chương vàng giải Thanh Tâm" - Thanh Thanh Hoa.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tôi sớm thừa hưởng những tinh hoa cải lương. Tôi theo chân ba mẹ đi hát từ năm 4 tuổi, 8 tuổi đi đóng phim và được mọi người công nhận trao danh hiệu "Thần đồng cải lương".
Sở hữu nhan sắc thanh tú cùng tài năng thiên phú, tôi sớm đạt đỉnh cao sự nghiệp. Chạm ngưỡng 60 tuổi, tôi vẫn được khán giả, đồng nghiệp yêu thương nhắc đến dù đã rời hào quang sân khấu.
Đáng tiếc thay, cuộc sống đời tư của tôi lại không may mắn như sự nghiệp.
Trong lòng tôi suy nghĩ, cái hào quang đó là tự tôi mê nghề cố gắng hát thôi, chứ thực sự tôi không thích nó. Mỗi lần hào quang ở trong nghề của tôi tới, y như rằng sau đó sẽ có một điều không may mắn đến, nhất là chuyện tình cảm.
Trong cuộc đời đi hát mấy chục năm, rất nhiều lần tôi xin Tổ nghiệp không đi hát nữa nhưng Tổ không cho.
Thời điểm đang trên đỉnh cao sự nghiệp, tôi gác lại tất cả sang Mỹ định cư, làm lại từ đầu.
Trước đó, tôi đã đi diễn ở Mỹ nhiều lần nhưng chưa từng nghĩ sẽ sang ở luôn. Khi mẹ mất, vì đau buồn nên tôi có quyết định rẽ ngang này.
10 năm bên Mỹ, dù đối mặt với nhiều khó khăn, tủi thân khi ở đất khách quê người nuôi hai con ăn học, tôi cũng chưa một lần hối hận hay hổ thẹn với những công việc tay chân mình đã chọn.
Tôi cũng xác định, qua Mỹ thì nghề hát là nghề phụ, nhưng cũng nhớ anh em nghệ sĩ nhiều. Vừa qua Mỹ, tôi đi học làm nail, nhưng có nhiều người dữ lắm khiến tôi sợ, được hai năm thì tôi nghỉ.
Rồi tôi đi làm bưng bê, dọn bàn, thu ngân cho một tiệm phở. Được một thời gian, cô quản lý nhỏ tuổi hơn con gái tôi ra mắng tôi. Tôi thấy cô ấy không tôn trọng người lớn, khóc quá trời rồi xách túi đi về.
Tôi thấy công việc đó không có gì xấu hổ, nó cũng là công sức của mình. Tôi quay trở lại làm nail, chăm sóc da mặt. Tới giờ cũng được 8 năm, tôi dần dần phải chấp nhận theo nghề này.
Nhiều khi con tôi thấy mẹ lâu lâu không về nhà khóc, bảo tôi đừng đi làm nữa, các con lo được, nhưng tôi không ở không được.
Tôi bây giờ đã khép cửa trái tim
Định cư xứ người nhưng lửa nghề trong tôi vẫn cháy đều, cháy đượm. Tôi mang từ Việt Nam qua mấy thùng đồ diễn, kịch bản tuồng, khi nào có show vẫn nhận lời để thoả nỗi nhớ nghề.
Tôi vẫn nhớ về thời hoàng kim những năm 1987, tôi trở thành hiện tượng trong giới cải lương khi diễn cặp ăn ý cùng NSƯT Vũ Linh.
Cả hai chạm đến trái tim khán giả qua những vở tuồng tái hiện một cặp tình nhân mùi mẫn. Nhiều người đồn tôi với Vũ Linh yêu nhau nhưng không phải.
Hồi đó, tôi chọn người yêu khá khó tính, soi vẻ ngoài chi tiết đến cả móng tay. Sau nhiều mối tình ngày còn xuân xanh và hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, tôi bây giờ đã khép cửa trái tim, chỉ mong cuộc sống quây quần bên con, người thân và công việc.
Tôi phân vân tại sao người ta nói bên Mỹ phải cần một người đàn ông? Mọi người cứ làm mai mối cho tôi nhưng tôi khó tính nên từ chối hết.
Tôi chẳng muốn quen ai, tôi thấy sống bên Mỹ sống một mình sướng mà, đâu cần người đàn ông, cái gì tôi cũng tự làm được hết.
Ngày còn trẻ tôi quen cũng nhiều, bây giờ tôi mỏi mệt rồi. Tôi nghĩ, chắc con cũng không muốn tôi đi bước nữa. Các con thấy chuyện tình cảm của tôi không tốt, buồn nhiều hơn vui nên nghĩ tôi ở vậy tốt hơn.
Hiện tại, tôi mãn nguyện với cuộc sống, không có ý định mở tiệm nail vì không thích cáng đáng gánh nặng khi làm chủ. Tôi cũng không tham vọng một liveshow riêng đánh dấu gần 40 năm hoạt động nghệ thuật, chỉ mong một liveshow có đầy đủ anh em nghệ sĩ để thoả nỗi nhớ nghề, nhớ đồng nghiệp.