"Chúng bắt tôi phải hầu hạ, nấu cơm bưng tận miệng, bóc cam dâng tận nơi. Tôi chấp nhận làm theo để được dìu dắt, nhưng nhiều đứa quá đáng, tôi chửi lại liền" – nghệ sĩ Hồng Nga chia sẻ.
- Hương Giang "ngố tàu" với tóc mái tự cắt, nhưng sao dân tình lại gọi tên mỹ nhân của nhóm BLACKPINK?
- Sau nhiều năm làm vợ chồng, Thủy Tiên bất ngờ trải lòng lý do chọn Công Vinh dù từng gặp rất nhiều lời phản đối
Nghệ sĩ Hồng Nga được biết tới là một trong những nghệ sĩ cải lương xuất sắc nhất tại Việt Nam trong giai đoạn từ thập niên 70 tới nay.
Bà nổi tiếng với những vai phản diện và vai người mẹ, được khán giả nhớ đến bởi chất giọng trầm khàn đặc trưng ít ai có. Bà được nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này như Hoài Linh, Trấn Thành, Việt Hương kính nể.
Tại chương trình The Jimmy Show, nghệ sĩ Hồng Nga (ở tuổi 74) đã chia sẻ đôi điều về sự nghiệp của mình.
Đi hát phải ngủ bờ ngủ bụi
Tên thật của tôi là Đinh Thị Nga. Hồi xưa, tôi đi học ở NSND Út Trà Ôn rồi được đặt thành Hồng Nga. Ban đầu Út Trà Ôn đặt tôi là Kim Nga, nhưng tôi thấy kỳ quá nên đòi đổi thành Hồng Nga cho đỏ.
Hồi đó tôi ca hay lắm, chỉ cần cất giọng nên là người ta đã khen nức nở. Giờ thì hơi yếu rồi nên ca không hay như xưa nữa.
Cha mẹ tôi đều là người Bắc. Ba tôi mất sớm, một mình mẹ nuôi tôi từ bé tới lớn. Lớn lên, tôi không có điều kiện ở gần mẹ để chăm sóc, nên chỉ đi hát rồi đem tiền về nuôi mẹ thôi.
Ngày đó tôi đi diễn liên tục, đi khắp miền Tây ra miền Trung. Mỗi lần như vậy, tôi thường đi đến 5, 6 tháng. Nếu có về Sài Gòn tôi cũng chỉ ở 2 tháng rồi lại đi.
Tuổi thơ của tôi cực lắm. Ba tôi mất sớm, mẹ lại là người Bắc nên không cho tôi đi hát. Tôi mê hát quá nên trốn đi, về nhà bị chửi quá trời quá đất.
Ngày đó tôi đi hát đâu có sung sướng gì đâu, toàn phải ngủ bờ ngủ bụi. Chỗ nào có phòng trọ thì thuê, không thì phải trải chiếu dưới hầm sân khấu mà ngủ. Thậm chí, tôi còn sợ bị hãm hiếp nên phải tìm chỗ nào có kép chánh, đào chánh là chui vào ngủ cùng, nhỡ gặp chuyện gì còn la lên.
Tôi đi diễn gần như kín hết miền Trung, ra tới tận Huế, chỗ nào cũng có mặt tôi. Lắm hôm diễn ở Huế, tôi phải ngủ trên thuyền. Thuyền rung lắc quá nên tôi chẳng ngủ nổi.
Nói chung là ngày đó đi diễn gian khổ lắm nhưng vui, đoàn tụ. Nghệ sĩ ăn ở chung với nhau, trò chuyện rôm rả. Hễ chúng tôi gặp nhau là lại xúm vào nói chuyện vì cũng chẳng có gì để chơi.
Bây giờ có khách sạn đầy đủ rồi nên khi đi diễn ai ở phòng người nấy, chẳng mấy khi giao lưu, trò chuyện cùng nhau.
Bị đè nén, trù dập, bắt hầu hạ, nấu cơm, bóc cam bưng tận miệng
Hồi còn bé, tôi được ông thợ hớt tóc biết đờn cổ nhạc dạy hát cho đúng nhịp. Vì có năng khiếu, tôi tiếp tục được nhạc sĩ Tám Đen ở Cầu Dừa quận 4 nhận làm con nuôi. Ông Tám Đen đã dạy tôi ca đủ 3 Nam, 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn.
Gánh hát cải lương đầu tiên tôi đi hát là gánh Hằng Xuân – An Phước của bà bầu Sáu Đặng. Đoàn này nghèo lắm, kéo phông màn lên mà rách te tua. Tôi đi hát cực khổ vô cùng, nhưng được cái vui.
Ở đoàn này, tôi dù xấu, lùn, không biết mang giày cao gót, cũng không có tiền mua, nhưng lại toàn hát đào chánh vì chẳng ai hát hay hơn tôi.
Nhiều khi tôi chán thực sự, nhưng đoàn lớn hơn mời về tôi lại không đi vì thấy tội nghiệp bà bầu quá. Tới lúc không chịu nổi nữa, tôi mới xin về đoàn Thống Nhất của NSND Út Trà Ôn.
Về đoàn này, tôi bị các kép khác trù dập, đè nén dữ lắm vì chúng thấy tôi quê mùa. Nhưng tôi chẳng vừa, đè tôi là tôi chửi lại, lơ tơ mơ thì đánh nhau luôn. Cuộc đời dạy tôi phải như thế, nếu tôi cứ hiền lành, tôi sẽ bị vùi dập.
Chúng bắt tôi phải hầu hạ, nấu cơm bưng tận miệng, bóc cam dâng tận nơi. Tôi chấp nhận làm theo để được dìu dắt, nhưng nhiều đứa quá đáng, tôi chửi lại liền.
Tôi đi hát mà có nguyên một làng, một xóm kéo tới mua vé, kín hết sân khấu
Tại đoàn này, tôi được giao đóng vai mẹ của Út Trà Ôn dù còn rất trẻ. Tôi được giao như vậy vì giọng tôi mang âm sắc thổ pha đồng, trầm như vang như tiếng chuông, phát ra rất đầm.
Đóng nhiều quá nên nhiều khi tôi quên mất. Tới lúc bị Út Trà Ôn chửi, tôi nói: "Này, tôi là mẹ ông đấy". Thế là ông ấy chạy mất tiêu.
Vở diễn tôi nhớ nhất là Tuyệt tình ca với Út Trà Ôn, đóng vai bà giáo Lan, khiến khán giả mê mẩn, kéo đến đông mấy tháng trời.
Tôi đi hát mà có nguyên một làng, một xóm kéo tới mua vé, kín hết sân khấu. Người nào người nấy chảy nước mắt giàn dụa, nhìn khổ lắm.
Nhiều khi tôi còn gây lộn với khán giả vì thấy họ đi xem khổ cực quá, mới bảo xem mà cứ khóc thế này thì xem làm gì. Họ thấy thế mới đáp: "Tại bà làm chúng tôi khóc chứ ai".
Bị rỗ hết mặt vì hóa trang quá nhiều
Bây giờ các nghệ sĩ trẻ có đầy đủ điều kiện chứ ngày xưa chẳng có gì. Đi hát cải lương, tôi phải đánh phấn nước, hóa trang nhiều tới nỗi da mặt rỗ hết. Sau này về Sài Gòn người ta chỉ tôi đi lột da mặt mới đỡ đi được phần nào.
Tôi cũng chẳng có quần áo, giày dép mà mặc, phải đi mượn người ta áo dài rồi may lại mặc. Tôi nghèo quá, không có tiền mua.
Thời gian ở đoàn Thống Nhất, tôi chỉ được đóng vai đào mụ (mẹ), đào lãnh, chứ không được đóng vai đào chánh. Lí do vì tôi không qua được Bạch Tuyết, Phượng Liên.
Nói gì thì nói, người ta vừa đẹp vừa ca hay. Tôi thì chỉ ca hay thôi chứ không có nhan sắc, vừa mập vừa lùn, nên phải chấp nhận.
Tôi ở đoàn Thống Nhất đến khi gần tan rã rồi mới nhảy sang đoàn của bầu Xuân.
Sau này tình hình sân khấu cải lương đi xuống nhưng tôi vẫn bám trụ. Người ta kêu tôi đi hát tân nhạc, nhưng tôi từ chối hết. Tôi chỉ mê hát cải lương thôi.