Từ những phát ngôn gây tranh cãi sau khi đăng quang, nhiều người bình luận trên mạng xã hội cho rằng cần phải "tước" danh hiệu hoa hậu của Ý Nhi. Theo quy định của pháp luật, hoa hậu có thể bị tước danh hiệu trong trường hợp nào?
- Sau Ý Nhi, đến lượt á hậu 1 Đào Hiền gặp 'họa': Xếp Bác Hồ sau bản thân khi được hỏi 5 người nổi tiếng tại Nghệ An
- Hoa hậu Phương Lê cầu xin dư luận đừng dồn Ý Nhi vào đường cùng, lo lắng sẽ có chuyện dại dột
Những ngày qua, sau khi đăng quang mới hơn 1 tuần, hoa hậu Ý Nhi - tân Miss World Vietnam 2023 đã vướng vào không ít lùm xùm do những chia sẻ của cô trên truyền thông.
Đầu tiên phải kể đến việc Ý Nhi nói về bạn trai trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi hiện tại đã ở cương vị mới, một bước tiến nhảy vọt so với tôi của 2 - 3 tháng trước. Chắc chắn bạn trai của tôi cũng phải có những sự thay đổi nhanh chóng, tiến bộ để có thể theo kịp tôi. Nhưng tôi vẫn mong muốn bạn trai giữ được sự hồn nhiên, vô tư, sống đúng với lứa tuổi. Tôi không muốn vì bản thân mà ép người khác theo mình hay thay đổi hoàn toàn vì mình".
Kế đó, Ý Nhi tiếp tục bị chỉ trích kém tinh tế, không thận trọng trong phát ngôn của mình khi nói về giới trẻ, đặc biệt là những bạn đồng trang lứa.
Ý Nhi chia sẻ: "Khi tôi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã lo nghĩ sau này mình sẽ làm gì. Bạn bè đồng trang lứa với tôi dành thời gian để ngủ, để chơi, đi uống trà sữa hay cafe thì tôi đã trưởng thành hơn các bạn. Tôi đã công việc, các bạn vẫn đang là sinh viên thì tôi đã là hoa hậu rồi. Khi tôi có trọng trách lớn như vậy thì cũng phải biết giữ mình hơn để phù hợp với cương vị của mình".
Hay mới đây nhất, người đẹp gốc Bình Định tiếp tục bị dân tình ném đá khi trả lời câu hỏi về 3 người nổi tiếng ở quê nhà. Ý Nhi đã tự tin xếp bản thân lên trước cả vua Quang Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử.
Phát ngôn này như "giọt nước tràn ly" khiến dư luận thêm phần bức xúc và đồng loạt yêu cầu tước bỏ vương miện của Ý Nhi.
Thậm chí trước đó, nhiều người còn gửi cả email đến BTC cuộc thi Miss World VietNam để yêu cầu hủy bỏ danh hiệu của Huỳnh Trần Ý Nhi.
Về việc tước bỏ vương miện hoa hậu của 1 cuộc thi lớn, trả lời trên báo Dân Trí, luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn nêu ra bốn điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn như sau:
Thứ nhất, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Thứ hai, xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; phân biệt chủng tộc; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước, ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
Thứ tư, sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Điều 18 Nghị định này quy định cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng bằng văn bản tới tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan khi phát hiện một trong 2 trường hợp sau:
Cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều này; Danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi, liên hoan không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo.
Theo Điều 17 Nghị định này, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi danh hiệu đồng thời có thẩm quyền dừng hoạt động biểu diễn nghệ thuật, mà cụ thể ở đây là cơ quan tiếp nhận thông báo hoặc có thẩm quyền chấp thuận hoạt động biểu diễn nghệ thuật theo quy định của Nghị định này.
Như vậy, đối với bất cứ cá nhân nào có dấu hiệu vi phạm 4 điều cấm tại Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ như chống phá Nhà nước, kích động bạo lực hay xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền đất nước… cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ xem xét cẩn thận, tỉ mỉ, khách quan và toàn diện nhiều yếu tố như nhận thức, ý chí của cá nhân đó hay hậu quả, mức độ tác động tới xã hội của hành vi này. Đây sẽ là cơ sở để xem xét việc có ra hay không quyết định thu hồi đối với các danh hiệu đó.
Trong trường hợp nếu đủ cơ sở để thu hồi, việc thu hồi sẽ được thực hiện theo quy định tại Công văn số 120/VHCS-VNQC của Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền là Bộ VHTTDL, UBND cấp tỉnh hoặc UBND cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn sẽ gửi yêu cầu thu hồi tới tổ chức hoặc cá nhân có dấu hiệu vi phạm. Sau đó, tổ chức, cá nhân tổ chức cuộc thi, liên hoan sẽ thu hồi danh hiệu, giải thưởng theo yêu cầu và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng và chịu trách nhiệm bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc thu hồi không được thực hiện, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định hủy kết quả cuộc thi, liên hoan sau 5 ngày làm việc kể từ ngày có văn bản yêu cầu thu hồi và đăng tải thông tin hủy kết quả cuộc thi, liên hoan trên hệ thống thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.