Sau nhiều "ồn ào" từ dư luận xã hội, vợ chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên quyết định livestream công bố sao kê các khoản từ thiện do mạnh thường quân gửi gắm.
- Sốc: Số tiền Thủy Tiên tiêu tốn để 'đập tan' giấc mơ bạc tỷ của nữ CEO thuộc hàng khủng, CĐM tá hỏa 'hóa ra thùng giấy A4 đó đắt giá đến vậy'
- Luật sư lên tiếng về 'phi vụ' sao kê 'thế kỷ': Thủy Tiên không có nghĩa vụ chứng minh đúng sai, ai nói họ ăn chặn mới phải làm sáng tỏ
Chiều 17/9, trong buổi livestream công bố giấy tờ sao kê của ngân hàng về khoản tiền các mạnh thường quân "gửi gắm" cho đồng bào miền Trung ảnh hưởng mưa lũ, cựu tiền đạo Lê Công Vinh khẳng định, vợ chồng anh sẽ nhờ đến cơ quan pháp luật bảo vệ quyền lợi chính đáng.
"Ngày hôm nay, những giấy tờ sao kê này sẽ là bằng chứng chúng tôi gửi đến cơ quan chức năng và cơ quan cảnh sát điều tra, chúng tôi tin vào pháp luật", Công Vinh nói và khẳng định, không có một ai có thể đứng trên pháp luật, bất cứ cá nhân nào dù là người buôn bán bất động sản, doanh nhân…..anh có niềm tin rằng pháp luật sẽ có chế tài xử lý những sai trái đó.
Trung tá, Chuyên gia phân tích tội phạm Đào Trung Hiếu nhận xét, động thái công bố sao kê các khoản tiền do mạnh thường quân ủng hộ sau những "ồn ào" dư luận của vợ chồng nữ ca sĩ Thủy Tiên là bước đi khôn ngoan.
Ông cho rằng, đây là một yếu tố quan trọng để hai vợ chồng khẳng định trước dư luận, người hâm mộ về sự uy tín và "minh bạch".
Phân tích thêm về góc độ pháp lý, trung tá Hiếu cho biết, việc sao kê này không hoàn toàn bắt buộc. Tuy nhiên, cả hai đều là người của công chúng, có lượng người hâm mộ đông đảo. Để giữ được lòng tin, họ chủ động sao kê tài khoản và công bố là một hướng đúng, bởi khi còn tranh luận mập mờ, dư luận thường hoài nghi đặt câu hỏi "nếu như không có khuất tất gì tại sao không dám sao kê?"
Với cá nhân Thủy Tiên, việc dám đứng ra kêu gọi cộng đồng làm từ thiện thì đương nhiên cô phải có trách nhiệm với giải trình và chịu sự giám sát của cộng đồng, nhất là khi số tiền đóng góp lên đến hàng trăm tỷ đồng. "Nếu không muốn ồn ào thì đừng kêu gọi, còn khi bắt tay vào làm thì hãy xem mình giống một nhân viên bưu điện, nhận ủy thác của cộng đồng để chuyển tải đến người dân hoàn cảnh khó khăn", trung tá công an nói.
Từ "ồn ào" của Thủy Tiên, ông Đào Trung Hiếu cho rằng những buổi livestream bóc phốt, tố cáo nhau đã làm "bẩn" không gian mạng, ảnh hưởng nhiều đến xã hội và khủng hoảng lòng tin. Hệ lụy sau này rất khó kêu gọi tinh thần đoàn kết, kêu gọi sự ủng hộ từ những người có tấm lòng "bồ tát" vì họ sợ số tiền không đến được đích theo đúng nguyện vọng. Cuối cùng, nạn nhân hứng chịu là những người dân nghèo đang rất cần sự trợ giúp của cộng đồng.
Liên quan đến vấn đề Công Vinh sẽ gửi đơn khởi kiện những người từng vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm trên mạng xã hội, trung tá Hiếu nói, nếu vợ chồng Tiên – Vinh thực hiện tích cực, cơ quan pháp luật vào cuộc sẽ có thêm một "kết quả" dư luận rất mong đợi thời gian tới.
"Khi pháp luật vào cuộc, những người từng vu khống, bịa đặt sai sự thật về vợ chồng Tiên - Vinh sẽ bị xử lý, họ nên chuẩn bị sẵn tinh thần", vị chuyên gia khuyên.
Mới đây, trao đổi với báo chí bên lề buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, nếu ai có chứng cứ, tài liệu về việc 'ăn chặn' từ thiện hãy cung cấp cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ Bộ Công an xem xét.
Nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ thì cơ quan chức năng sẽ xử lý với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".