PR phim là hoạt động bình thường trong quá trình truyền thông, phát hành phim nhưng lại bị chính giới diễn viên nhắc đến như một việc xấu xa. Đây là hậu quả của sự thiếu hiểu biết.
Mỗi năm, có vài chục phim Việt ra rạp, riêng năm nay là 60 phim. Tính thêm cả hàng trăm phim quốc tế, sức cạnh tranh của thị trường điện ảnh là rất lớn. Bởi vậy, PR phim, đặc biệt PR phim Việt, là hoạt động rất cần thiết để một bộ phim có thể được khán giả biết đến, quan tâm và tìm xem tại rạp.
Thế nhưng, với nhiều diễn viên và cả công chúng, mỗi lần họ nhắc đến từ "PR phim" thì y như rằng với ý nghĩa xấu, tương đương "chiêu trò bẩn câu khách". Đó hoàn toàn là một nhận thức sai lệch.
"Scandal là mối nguy hiểm cho người làm nghệ thuật và kinh doanh"
Cách đây đúng một tháng, ngày 14/9, An Nguy và Kiều Minh Tuấn làm dậy sóng dư luận sau khi tiết lộ rằng họ nảy sinh tình cảm với nhau trong quá trình đóng phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con.
Vì Kiều Minh Tuấn đang ở trong mối quan hệ 10 năm với Cát Phượng, còn An Nguy cũng có người yêu tin đồn tại Mỹ, cả hai bị dư luận chỉ trích dữ dội. Và cũng rất nhiều lần, 2 diễn viên này khẳng định họ làm vậy không phải vì "PR phim". Tuy nhiên, đa phần khán giả cho rằng họ dùng tình cảm để bán phim.
Đến ngày 14/10, khi Cát Phượng và Kiều Minh Tuấn gặp gỡ báo giới để phân trần về một số tin đồn không hay thời gian qua, cả hai tiếp tục khẳng định họ "không dùng scandal tình cảm để PR phim".
Trong tất cả những lần được nhắc đến này, từ "PR phim" hầu như đều được dùng với ý nghĩa xấu. Liệu scandal có hiệu quả hay không trong việc PR một bộ phim?
Nói với Zing.vn, nhà văn Di Li, giảng viên khoa PR tại một trường đại học ở Hà Nội, nhận định: "Trường hợp của Kiều Minh Tuấn, Cát Phượng và An Nguy không phải là PR phim. Người ta không hiểu rõ khái niệm PR và nhầm lẫn scandal là PR".
"Trên thực tế, scandal là mối nguy hiểm cho người làm nghệ thuật và kinh doanh thương mại. Người kinh doanh bỏ tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ, ra để làm phim thì họ không thể làm những việc ngu ngốc như vậy", nhà văn Di Li khẳng định.
Dù với dụng ý nào, hành động của An Nguy và Kiều Minh Tuấn khi công khai tình yêu trước đây cũng là "không nghĩ đến hậu quả là người khác bị tổn thương và thậm chí làm tổn hại một tác phẩm nghệ thuật, tức bộ phim".
Về việc nhiều nghệ sĩ cũng thường xuyên nhắc đến "PR phim" như một từ có ý nghĩa xấu, tương đương "chiêu trò bẩn để câu khách", nhà văn Di Li cho rằng, người ngoài dễ hiểu sai lệch, nhưng người trong ngành làm phim thì không nên có nhận thức như vậy.
Còn đánh giá về hậu quả của bê bối An Nguy - Kiều Minh Tuấn, nhà phê bình Lê Hồng Lâm từng nhận định với Zing.vn: "Thất bại cay đắng của phim này là bài học cho những người làm phim định chạy theo chiêu trò. Bây giờ, khán giả đã bị bão hòa và họ không tin vào chiêu trò nữa đâu. Cách đó lỗi thời rồi".
Về mặt thương mại, theo nguồn tin riêng của Zing.vn, phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con có doanh thu dưới 10 tỷ đồng, một con số rất thấp so với kỳ vọng và thua quá xa mức đầu tư khoảng 20 tỷ đồng, do ảnh hưởng của việc khán giả kêu gọi tẩy chay trước khi phim ra mắt.
Dùng bê bối đời tư để "bán" phim không còn là xu thế?
Trao đổi với Zing.vn, người phụ trách truyền thông phim của một hãng phát hành lớn ở TP.HCM cho biết quy trình PR một bộ phim mới khá đa dạng và tùy thuộc vào chiến lược của từng nhà sản xuất, nhà phát hành cùng đơn vị truyền thông.
Nhưng về cơ bản, có thể kể đến các hoạt động mà diễn viên thường tham gia: chụp poster, dự showcase (giới thiệu phim), dự premiere (ra mắt phim), theo các cinetour (hành trình đến các rạp cụ thể, giao lưu với khán giả) và trả lời phỏng vấn báo, tạp chí.
Việc diễn viên tham gia những hoạt động nào đều dựa trên thỏa thuận hợp tác giữa hai bên. Thông thường, diễn viên đều có ý thức tham gia khá đầy đủ nếu sắp xếp được lịch trình.
Mặc dù vậy, với đa số các hãng phát hành, có một nguyên tắc ngầm là "không sử dụng scancal để truyền thông phim" vì điều này có thể gây hậu quả khó lường, thay vì kéo khán giả đến rạp.
Đời tư diễn viên luôn là một chất liệu được cân nhắc trong khâu truyền thông cho một bộ phim, nhất là nếu diễn viên đó nổi tiếng với đại chúng, có chuyện tình cảm được chú ý từ trước. Với Chú ơi, đừng lấy mẹ con, Kiều Minh Tuấn chính là dạng diễn viên này.
Nhưng được chú ý là một chuyện, chọn sử dụng chất liệu đời tư hay không lại là chuyện khác.
Nếu so sánh, phim quốc tế vừa ra rạp có một trường hợp gây nghi vấn tương tự. Đó là phim A Star is Born với Bradley Cooper và Lady Gaga đóng chính. Trước khi ra rạp, A Star is Born đã đến Liên hoan phim Venice và được báo chí khen ngợi. Đồng thời, mối quan hệ giữa 2 ngôi sao của phim được chú ý.
Một tờ báo nhấn mạnh rằng họ "nắm tay nhau lâu bất thường", đặt nghi vấn có tình cảm với nhau. Mới đây, khi phim thành công ở phòng vé Mỹ, thông tin Bradley Cooper "đang không hạnh phúc" trong mối tình với bạn gái hiện tại Irina Shayk được New York Post đăng tải.
Bên cạnh đó, nam diễn viên kiêm đạo diễn luôn thể hiện sự ngưỡng mộ, trân trọng với bạn diễn Lady Gaga, gọi mối quan hệ với cô là "tình bạn của một đời người". Mặc dù vậy, Cooper và bộ phận truyền thông của bộ phim từ chối sử dụng chất liệu đời tư này để gây chú ý.
Nam diễn viên gạt đi mọi câu hỏi về đời tư, đặc biệt là về chuyện tình với Irina Shayk (với New York Times, dẫn đến một cuộc phỏng vấn căng thẳng). Nghi vấn về mối quan hệ tay ba giữa Cooper, Shayk và Gaga cũng không được nhiều báo đăng tải vì quá thiếu thông tin cũng như phát ngôn của người trong cuộc.
Trong khi đó, thông tin chính xoay quanh A Star is Born vẫn là câu chuyện phim cảm động, âm nhạc thu hút, tài năng và sự đồng điệu trong nghệ thuật của 2 diễn viên chính, cũng như chất lượng "xứng đáng được đề cử Oscar" của bộ phim.
Dường như những người trong cuộc đều hiểu rằng bê bối tình cảm có thể là thứ phá hủy mọi ý nghĩa tốt đẹp của bộ phim, khi nó kể về một tình yêu sâu sắc. Và không có lùm xùm gì, phim vẫn thành công tại phòng vé, thu về 88 triệu USD trên toàn thế giới, trong khi kinh phí chỉ 36 triệu USD.
Không chỉ với A Star is Born mà gần như trong cả năm 2018, khán giả cũng không chứng kiến một bộ phim quốc tế nào thành công nhờ bê bối đời tư của các diễn viên chính. Trái lại, những phim có doanh thu cao nhất đều quảng bá bằng những chất liệu liên quan đến nội dung, diễn xuất và các yếu tố điện ảnh khác.
Có thể kể đến chiến lược PR hoàn toàn xoay quanh những tình tiết trong phim như Black Panther, Avengers: Infinity War, Ant-Man and the Wasp, Deadpool 2, Venom, Incredibles 2, Jurassic World: Fallen Kingdom, Crazy Rich Asians, The Nun... hay cộng thêm diễn xuất của diễn viên như Mission: Impossible - Fallout, A Quiet Place.
Nếu Hollywood dần từ bỏ cách truyền thông bằng bê bối đời tư, điện ảnh Việt cũng không nên theo đuổi cách làm cũ kỹ này nữa.