Quệt những giọt nước mắt chảy dài trên gò má, Xuân đưa đôi tay gầy gò nắm chặt bàn tay nội rồi áp sát vào mặt mình. Đã 13 năm trôi qua, căn bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ đã cướp đi ước mơ của em. Giờ đây, em chỉ biết cố gắng sống từng ngày trong cơ thể chỉ vỏn vẹn 24kg.
- Mẹ bỏ đi lấy chồng mới, bố đau buồn treo cổ tự vẫn để lại 3 đứa trẻ mồ côi, đói ăn bên ông bà nội già yếu
- Bước đường cùng của người cha bị ung thư hốc mũi ôm 2 đứa con thơ dại: "Con sợ cha chết, không sống cùng tụi con nữa"
Những ngày giữa tháng 7/2020, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ nằm sâu trong ấp Nhất, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nơi em Nguyễn Ái Xuân (16 tuổi) đang chống chọi từng ngày với căn bệnh tiểu đường quái ác.
Đón chúng tôi dưới cơn mưa phùn, Xuân nở một nụ cười hiền hậu rồi dẫn chúng tôi vào căn nhà nửa gạch nửa lá. Bóng đèn mờ dưới cơn mưa làm cho không khí trở nên ảm đạm hơn.
Em phải tháo khớp chân tay, nó đau lắm...
Nép mình trên chiếc giường tre ọp ẹp, Xuân cho biết mấy năm qua, cơ thể của em dần trở nên rệu rã, di chuyển rất khó khăn. Thân hình của cô bé 16 tuổi hiện chỉ gói gọn trong 24kg, thậm chí có lúc chỉ còn 20kg.
"Mọi người bảo em là đứa bệnh tật, em cũng không biết mình sẽ phải làm sao nữa, ước gì em hết bệnh, được đi học như các bạn", Xuân bật khóc.
Theo Xuân cho biết, năm em 3 tuổi thì phát hiện bệnh tiểu đường, gan nhiễm mỡ. Dù được gia đình đi chạy chữa khắp nơi, lên xuống BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) nhưng không hiệu quả. Cơ thể em cũng ngày một teo tóp vì bệnh tiểu đường.
"Dạ giờ em đang sống với nội. Em học được đến lớp 6 thì nghỉ, giờ mấy bạn học lớp 9 rồi, em nhớ mấy bạn, nhớ thầy cô nhưng không thể quay lại đi học được nữa.
Lúc đó em chưa bệnh nặng lắm nhưng ngồi đau nên bà nội nói con nghỉ đi. Em cũng hi vọng bệnh em sẽ khỏi, nhưng mấy năm rồi, chỉ thấy nặng hơn", Xuân thỏ thẻ.
Khi được hỏi về sức khỏe hiện tại, Xuân tâm sự: "Bây giờ em cũng ổn ổn rồi, lúc trước em phải tháo khớp 2 chân, tay nữa, em không đi được, bà nội phải ẵm em. Giờ em đi được rồi nhưng còn khó khăn lắm, bác sĩ bảo khi vết thương không lành, hoại tử lại phải tháo khớp".
Ngồi bên cạnh đứa cháu gái tội nghiệp, cô Nguyễn Thị Sáu (63 tuổi, bà nội) cố kìm nước mắt, nắm lấy đôi bàn tay gầy gò của Xuân rồi khẽ nói.
"Thấy cháu mình lại đứt ruột, từ đó đến nay khóc biết bao nhiêu, con bé đau không chịu nổi. Lúc ở bệnh viện, nó cứ năn nỉ nội ơi nội chở con về. Nằm ở phòng cấp cứu 20 ngày, thuốc truyền vào liên tục, nó đau đớn lắm, 2 bà cháu chỉ biết gục vào nhau, mười mấy năm rồi…", bà Sáu ngẹn lời.
"Phải chi để bà chịu đau đớn, chết thay cho con bé"
Kể từ ngày Xuân phát bệnh, mọi sinh hoạt của em đều do một tay bà Sáu chăm sóc. Bố mẹ Xuân vì hoàn cảnh khó khăn, 2 vợ chồng phải nương nhờ gia đình ngoại tận An Giang.
"Bố nó thì đi chăn vịt mướn cho người ta, còn con Lình (mẹ Xuân) cũng làm việc nhà, ai kêu gì làm nấy. Tụi nó còn phải lo cho 2 đứa con nhỏ nữa nên bà mới nhận Xuân chăm sóc, giờ con cháu mình khổ, mình phải đỡ đần chứ biết làm sao", bà Sáu nói.
Mỗi ngày, bà Sáu nhận hột vịt thả đồng của người dân để đi lên xã bán kiếm lời, góp nhặt cũng được hơn 100 ngàn/ngày. Số tiền ít ỏi có được, bà Sáu đều dành hết vào việc chữa bệnh, duy trì sự sống cho đứa cháu gái tội nghiệp.
"Tháng nào bà với con bé cũng lên Nhi đồng 1, thuốc men thì được bảo hiểm cấp, chỉ tốn tiền đi lại với mua kim tiêm, que thử đường, cũng tốn hơn 2 triệu. Mà không phải tháng nào cũng đủ tiền đâu con, phải ráng mà cứu con bé", bà Sáu ngập ngừng rồi bật khóc.
"Thấy con bé như vầy khổ quá, phải chi mà bà có thể thay đau đớn cho nó, chết đi để đổi lấy sự sống cho cháu".
Nghe bà nội nói vậy, Xuân chỉ biết cúi mặt xuống dưới nền nhà, siết chặt đôi bàn tay. Em cũng chẳng biết những ngày tháng tiếp theo, mình sẽ sống như thế nào khi căn bệnh quái ác vẫn dai dẳng đi theo em.
"Em giờ 24 ký, có khi lên được 25kg rồi xuống lại, chưa bao giờ em lên được 26kg cả, lúc nằm viện thì em có 20kg thôi. Ngón tay em cũng bị tháo cả rồi. Mỗi lần tái phát bệnh, trời lạnh nó nhức lắm, nhức là phải tháo khớp", Xuân nghẹn lời.
Theo Xuân cho biết, vì căn bệnh của em không có thuốc chữa, em chỉ biết cách cầm cự, sống từng ngày dựa vào những mũi kim tiêm. Ám ảnh nhất là vào mùa lạnh (cuối năm), em lại phải tháo khớp tay, chân một lần.
Dẫu cho đau đớn luôn giày vò lấy cơ thể bé nhỏ của Xuân nhưng em lúc nào cũng tỏ ra mạnh mẽ.
"Bác sĩ nói chỉ cần lượng đường ổn, ăn uống phù hợp thì em sẽ khỏe lên, còn bệnh thì nó không hết nhưng nếu mình biết cách điều trị thì vẫn khỏe mạnh như bình thường. Em ước gì mình có thể hết bệnh", Xuân chia sẻ.
Dù rất nhớ bố mẹ, thương 2 đứa em nhưng Xuân không thể nào ở cạnh gia đình được. Mỗi ngày thức dậy, em lại được bà nội kề bên chăm sóc, chỉ có điều sức khỏe nội mỗi ngày một yếu đi, chẳng ai biết được sẽ cạnh bên em bao lâu nữa.
Trong căn nhà xập xệ, 2 bà cháu dựa vào nhau, tiếng nói thỏ thẻ, dễ thương của Xuân chốc chốc lại vang lên. Ở cái tuổi 16, em còn đó những ước mơ dang dở mà có lẽ chẳng bao giờ em thực hiện được. Ước gì em có điều kiện hơn để duy trì tiền thuốc men, chữa bệnh mỗi tháng, bổ sung vào việc ăn uống, dinh dưỡng…
“
Hi vọng thông qua bài viết này, quý độc giả gần xa quan tâm giúp đỡ liên hệ qua số điện thoại của Xuân: 0337338253.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Sacombank: 070106673738.
Chủ tài khoản: Vương Thị Lình (mẹ Xuân), chi nhánh Trà Ôn, Vĩnh Long.
Xin chân thành cảm ơn!
”