Từ hàng ghế khán giả: Nhìn từ vụ Thanh Lam phát ngôn về Bolero - Tranh luận hay đang thóa mạ?

Giải trí 24/10/2017 11:11

Có nhiều người bạn tôi quen, hay bảo: Trên thế giới mạng hiện nay đang dần lộ ra những đám đông khát máu, những anh hùng bàn phím với đủ các loại ngôn từ đao to búa lớn thi nhau bổ xuống đầu người đàn bà đẹp, người dám “mở mồm” nói thẳng, nói gắt về điều chị đang nghĩ.

Mấy năm gần đây, thế giới báo mạng - trang tin và mạng xã hội Facebook phát triển chóng mặt ở Việt Nam, kéo theo nhiều kiểu phát ngôn cũng chóng mặt không kém.

Thái độ bày tỏ ý kiến theo kiểu hùa theo, ăn theo, nhất chết với một quan điểm nào đó đi ngược hay đi xuôi với dòng người đang trở nên một cách gay gắt quá đáng. Đôi khi Facebook trở thành công cụ để người ta họp chợ online. Điều đó tốt thôi. Nhưng hãy coi chừng nhé, miệng lưỡi thế gian, bạn có dám chắc, một lúc nào đó chính mình, người phát ngôn trong cuộc lại trở thành nạn nhân của chính những lời mà mình nói ra?

Nếu không có tranh luận thì không thể có sự phát triển. Đó là quy luật chung cho sự đi lên của một xã hội và của âm nhạc nói riêng. Một người yêu âm nhạc, quan tâm tới âm nhạc, tôi nghĩ hẳn phải là một người có tâm hồn và có sự nhân văn. Còn một người hoặc nhiều người sẵn lòng quăng cả chục câu, trăm câu thóa mạ để chửi rủa một nghệ sĩ khi bàn về âm nhạc của họ, hẳn người ấy cũng chẳng yêu âm nhạc tới mức như họ thể hiện.

Từ hàng ghế khán giả: Nhìn từ vụ Thanh Lam phát ngôn về Bolero - Tranh luận hay đang thóa mạ? - Ảnh 1
Thanh Lam đang phải hứng chịu quá nhiều dư luận không tốt từ đám đông - Ảnh: Internet

Âm nhạc không của riêng ai. Âm nhạc của toàn nhân loại. Cả nhân loại được quyền hát, nếu thích, được quyền dừng, nếu chán. Nhưng không vì thế mà ai cũng được cái quyền tự cho mình ném bùn đất vào mặt người khác khi bạn không thích họ. Thời nào rồi mà còn “ăn lông ở lỗ” như thế? Lời nói thì chẳng mất tiền mua rồi, nhưng nó đáng giá ngàn vàng hay không đồng thuộc về văn hóa của bạn, những người đang mạnh miệng phát ngôn.

Tôi ví dụ nhé, Thanh Lam có động chạm tới túi tiền của bạn không, có phá nát gia đình bạn không, có chê bai bạn kém cỏi không? Xin thưa là không!

Thanh Lam chỉ dại mồm mà nói lên sự thật của một dòng nhạc theo cách nhìn cá nhân. Đừng bịt miệng người khác, cũng như đừng bắt họ phải nói những từ nịnh nọt, a dua khi họ không thể. Dường như chúng ta không có “sức mạnh” nội tâm để đối diện với những lời thẳng thắn dù khó nghe. Trong khi ta lại quá nhiều “cao trào” để sẵn sàng hùa nhau bắn đạn vào một người nghệ sĩ, một người phụ nữ chân yếu tay mềm.

Giả sử nhé, nếu Đàm Vĩnh Hưng trả lời trên báo nói thế này về Hồ Ngọc Hà: “Cô ấy hát sao hay bằng tôi được?” hoặc Hồ Ngọc Hà phang thẳng quan điểm như thế này về Mỹ Tâm: “Tôi chẳng nghĩ gì về Mỹ Tâm cả. Đừng nghĩ rằng cứ MV nào của cô ấy cán mốc bốn triệu lượt nghe thì tôi cũng phải nể phục”.

Ở nước ngoài, các sao tầm cỡ họ vẫn nói về nhau như thế đấy, mà có chết ai đâu nào, khán giả cũng có lên đồng đâu nào.

Xã hội văn minh hoặc ít văn minh, phụ thuộc một phần vào ứng xử của bạn đấy!

Từ hàng ghế khán giả: Nhìn từ vụ Thanh Lam phát ngôn về Bolero - Tranh luận hay đang thóa mạ? - Ảnh 2
Các thành viên Ban giám khảo cuộc thi Thần tượng Bolero 2017 - Ảnh: Internet

Mấy ngày gần đây, khi nhiều báo cùng thi nhau bàn về chuyện Thanh Lam và Bolero, cũng theo đó, người người nhà nhà thi nhau bàn luận quanh sự việc này. Phần đông đều lên án Thanh Lam. Trong số ấy, phần nhiều lại là những ý kiến chê bai kém văn minh được thể hiện bằng nhiều lời nói tục tằn.

Ví dụ: “Gầm gào làm như chuẩn bị cắn người ta, mấy đứa bé nhìn thấy mụ Thanh Lam hát trên tivi nó giật mình ôm chặt lấy mẹ và khóc thét lên” hoặc: “Cái ngu nhất của bọn nghệ sĩ đó là nghệ sĩ miền này lại đi chê nghệ sĩ miền khác”; “Em *** biết bà Thanh Lam là ai cho đến khi bà làm ra chiêu đó”...

Nếu bạn là Thanh Lam, bạn có chịu được những lời không đẹp mà ai đó dành cho mình?

Chúng ta thường có thói quen biến một cuộc tranh luận thành cãi lộn, thậm chí thách thức nhau. Ai cũng sẵn sàng bảo vệ đến cùng quan điểm cá nhân mà ít khi nhìn rõ cái sai của mình. Nặng lời, to tiếng, mạt sát là những gì dễ thấy nhất quanh sự việc gần đây và từ một nghệ sĩ được phóng viên phỏng vấn, nay thành con mồi cho dư luận xâu xé. Thậm chí, có bài báo chắc vì thương Thanh Lam quá, không chịu được đã gọi cả đám đông kia là phường vô lại.

Hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại, người hứng chắc cũng là người ném.

Trước khi buông lời, hãy chịu khó nghĩ đến cảm giác của người nghe.

Đừng đòi hỏi sự hoàn hảo ở người khác trong khi chính bản thân bạn cũng chưa từng hoàn hảo. Quyền khen, chê là quyền của mọi người. Nhưng hãy khen và chê như thế nào để cả đôi bên cùng 'tâm phục, khẩu phục", bạn nhé!

* Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nữ nhà văn sống tại Đồng Nai.

Vy Oanh trải lòng sau khi bị tố là kẻ thứ 3: 'Tôi dùng 1 cái túi 5 năm trời, đừng gọi chồng tôi là đại gia nữa vì từ đó nhảm lắm'

Trong bài tâm sự dài trên trang cá nhân, Vy Oanh bác bỏ những thông tin về 2 căn biệt thự bề thế mà báo chí đăng tải trước đó là của chồng mình. Đồng thời, nữ ca sĩ khẳng định cuộc sống của cô cũng lắm vất vả gian truân chứ không hào nhoáng như nhiều lời tô vẽ.

TIN MỚI NHẤT