Giống như nhiều quốc gia khác ở Châu Á, Trung Quốc cũng đón lễ mừng năm mới theo lịch mặt trăng, tức là Tết Nguyên Đán. Đây là thời điểm quan trọng nhất trong năm, khi người người nhà nhà sum họp và trở về quê hương để đón một năm mới an lành.
- Top 10 bãi biển nổi tiếng nhất thế giới: Việt Nam góp 2 đại diện
- Bún suông - món ngon "đốn tim" thực khách mỗi khi tới Trà Vinh
Ở Việt Nam, mọi người vẫn hay nói “ba ngày Tết, bảy ngày xuân" ý muốn nói tuy chỉ có ba ngày Tết đúng nghĩa là mùng 1 đến mùng 3, nhưng chúng ta vẫn có tận 7 ngày để vui xuân. Tương tự như vậy, lễ đón Tết Nguyên Đán của người Trung Quốc cũng có xu hướng kéo dài trong vòng một tuần.
Trong bảy ngày này, tất cả các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau để ăn mừng sự kết thúc của mùa đông và sự khởi đầu của mùa xuân. Bên cạnh đèn lồng, múa rồng, pháo nổ hay lì xì là những phong tục quen thuộc của ngày Tết, thì ẩm thực cũng là một phần quan trọng không kém.
Một bữa ăn truyền thống của ngày Tết và mỗi món ăn trên mâm đều bắt nguồn từ truyền thống ngày xưa và có ý nghĩa liên quan đến sự khởi đầu của một năm mới. Trong đó, cá hấp nguyên con là một món ăn không thể nào thiếu trên bàn ăn vào dịp Tết của người Trung Quốc
Vào những ngày đầu xuân, mọi người vẫn thường chào nhau bằng câu “niên niên hữu dư" (nian nian yǒu yú), ý chỉ cả năm dư dả, sung túc, đầy đủ. Và trùng hợp là trong tiếng Trung, từ cá cũng được phát âm là “yú", chính vì thế mà mọi người xem việc ăn cá đầu năm như một cách để cầu cho một năm mới an khang, thịnh vượng, ăn nên làm ra.
Vậy tại sao lại là cá nguyên con? Theo phong tục, ăn nguyên một con cá ý muốn nói rằng năm nay sẽ được suôn sẻ từ đầu đến cuối, không gặp trở ngại gì. Chính vì thế mà khi nấu cá cho mâm cỗ ngày tết, mọi người phải để nguyên con chứ không được cắt ra hoặc băm nhỏ. Cách chế biến tốt nhất đó là hấp lên cùng với một số loại gia vị khác.
Bên cạnh đó, cách ăn cá và cách sắp xếp cũng có một số lưu ý nhất định. Cụ thể là vào đêm cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ chỉ ăn phần giữa thân con cá, để lại phần đầu và đuôi cho buổi sáng hôm sau, cũng tức là ngày đầu tiên của năm mới. Điều này mang ý nghĩa dư thừa của năm trước sẽ được mang sang năm mới, giúp gia đình thu hút được nhiều tài lộc.
Đối với cách trình bày, đĩa cá sẽ được đặt ngay giữa bàn tiệc, quay đầu về phía các vị khách hoặc các thành viên lớn tuổi trong gia đình, đây được xem là biểu hiện của sự tôn trọng, ý muốn nói mời họ ăn trước. Chỉ sau khi họ đã ăn thì những người trong bàn mới được thưởng thức, nhưng nhất định không được lật con cá ngược lại vì dễ mang lại điềm xấu cho gia chủ.
Cá là món ăn nhất định phải có trong bữa ăn năm mới của người Trung Quốc, nhưng không phải là món duy nhất. Ngoài cá, người dân ở đâu còn rất nhiều loại hải sản khác như tôm, sò điệp, cua... chúng đều là những món ăn ưa thích của phần lớn người dân quốc gia này.