Vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong nhân dân.
- Lời khai của 2 đối tượng trộm xe máy của nam shipper cùng 81 đơn hàng
- Lời khai 'lạnh người' của cha ruột đánh con gái 9 tháng tuổi chấn thương sọ não, tử vong ở Tây Ninh
Theo thông tin từ báo Hà Nội mới, từ sáng 1/5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và một số bệnh viện tỉnh Đồng Nai đã tiếp nhận nhiều người bệnh ngộ độc thực phẩm.
Ngày 2/5, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có chỉ đạo nhanh chóng và đoàn công tác của Bộ Y tế đã làm việc tại tỉnh Đồng Nai về vụ ngộ độc thực phẩm này.
Đến nay, trong số hàng trăm người bị ngộ độc, có 7 ca đang điều trị hồi sức tích cực và 2 bệnh nhi đang được lọc máu.
Về sự việc này, Cục Quản lý khám, chữa bệnh hoan nghênh Sở Y tế tỉnh Đồng Nai và các bệnh viện: Đa khoa Long Khánh; Nhi Đồng Nai; Đa khoa Cao su Đồng Nai đã chủ động tổ chức cấp cứu, điều trị cho nhiều người bệnh.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai tiếp tục tập trung, huy động các thầy thuốc giỏi, bảo đảm đủ thuốc, phương tiện cấp cứu, xử trí, cứu chữa kịp thời người bệnh.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế tại khu vực phía Nam như bệnh viện: Chợ Rẫy, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh, Thống Nhất và các Bệnh viện Nhi đồng tuyến trên trong việc chuyển tuyến, hội chẩn chuyên môn, khám, chữa bệnh từ xa qua telehealth nếu cần thiết.
Ngoài ra, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai báo cáo kịp thời về Cục Quản lý khám, chữa bệnh diễn biến tình hình, tình trạng người bệnh đang được điều trị để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế có chỉ đạo, hỗ trợ xử lý khi cần thiết.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh cho biết, ngay sau khi có thông tin vụ ngộ độc thực phẩm, lãnh đạo TP Long khánh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra và đã tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh tiệm bánh mì Cô Băng, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm, đồng thời truy xét nguồn gốc thực phẩm.
Kiểm tra cho thấy, bà Nguyễn Thị Khánh Băng sử dụng giấy phép kinh doanh cấp ngày 27/9/2021 do Phòng Tài chính - kế hoạch TP Long Khánh cấp cho bà Nguyễn Thị Ngọc Phương làm chủ hộ kinh doanh. Bà Phương là con ruột của bà Nguyễn Thị Khánh Băng, đã đi nước ngoài từ tháng 2/2023. Tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Tổng số lao động làm việc trực tiếp là 4 người; không có giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; không có giấy khám sức khoẻ. Ông Lập cho biết, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo xử lý nghiêm nếu xác định sai phạm của các bên liên quan dẫn đến vụ ngộ độc.
Báo cáo với đoàn công tác, Thượng tá Lê Chí Hiếu, Phó trưởng Công an TP.Long Khánh cho biết, vụ việc đang được Bộ Công an quan tâm và Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an TP Long Khánh vào cuộc điều tra, xác minh vụ việc. Theo đó, cơ quan công an đã tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định nhằm xác định nguyên nhân, đồng thời tiến hành làm việc với một số nạn nhân, người liên quan để phục vụ công tác điều tra.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm đang xảy ra, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành vào cuộc điều tra, khắc phục hậu quả vụ ngộ độc nói trên. Trong đó, yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Đồng thời, các cơ quan này hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.