Vào khoảng 18h22 ngày 16/6, hỏa hoạn xảy ra tại tầng 4 của ngôi nhà nằm trên phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ngọn lửa bùng lên dữ dội, khói đen lan khắp căn nhà cao 6 tầng, 1 tum. Công trình xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh vật tư điện, nước.
- Vụ cháy ở phố Định Công Hạ khiến 4 người tử vong: Huy động 2 xe cứu hỏa và gần 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn
- Hiện trường ngôi nhà 6 tầng 'kín như bưng' trong vụ cháy khiến 4 người tử vong ở Hà Nội
Theo thông tin từ báo Dân trí, về việc tham gia cứu nạn, cứu hộ người dân tại căn nhà số 207 trên phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Đại úy Đặng Văn Tuấn, Tổ trưởng, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân, Công an Hà Nội, cho biết khoảng 19h ngày 16/6, đơn vị anh nhận được tin báo hỗ trợ, chi viện chữa cháy từ Trung tâm chỉ huy 114. Sau đó, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân đã điều 2 xe chữa cháy cùng 14 cán bộ chiến sỹ tới hiện trường.
Theo anh Tuấn, tại hiện trường, toàn bộ khu vực cầu thang bị các vật liệu xây dựng, thiết bị hàng hóa cản lối. Ngoài ra, tay vịn cầu thang làm bằng gỗ nên đều đã bị cháy và rơi từ các tầng cao xuống khiến các chiến sỹ PCCC gặp nguy hiểm.
Anh Tuấn cho biết, căn nhà xảy ra cháy cao 6 tầng, 1 tum, từ tầng 1 tới tầng 3 là nơi để hàng hóa, kho chứa; từ tầng 4 tới tầng 6 là nơi gia đình ở, sinh hoạt chung, tầng tum là phòng thờ và sân phơi. Khi di chuyển lên tầng 4 thì đám cháy tại đây đã tạm thời được không chế, lực lượng chức năng tiếp tục di chuyển lên tầng 5 và tầng 6 để chữa cháy và tìm kiếm các nạn nhân. Tuy nhiên tại tầng 5 và 6 khói khí độc dày đặc, dường như không thể nhìn thấy gì, cộng với sức nóng rất lớn.
Tại khu vực tầng 6 của ngôi nhà, cảnh sát phát hiện thi thể các nạn nhân, trong đó thi thể nạn nhân N.M.H. (53 tuổi) được tìm thấy tại lối cầu thang từ tầng 6 lên tầng tum.
Cũng là một trong số những chiến sỹ PCCC có mặt, trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vụ cháy, anh Nguyễn Đức Trung, chiến sỹ nghĩa vụ Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Xuân cho biết, hầu như các tầng của căn nhà bị cháy đều không có lối thoát nạn. Anh Trung kể, tại tầng 4 của ngôi nhà có một ban công, tuy nhiên để di chuyển được ra ban công này, các nạn nhân phải vượt qua rất nhiều vật liệu, hàng hóa để ở gian phòng khách.
Hầu như tại tất cả các tầng, gia chủ đều dùng để chứa hàng hóa nên lối di chuyển rất nhỏ hẹp. Các phòng ngủ ở tầng 4, 5 và 6 đều ở phía trong cùng và không có lối thoát nạn. Các khu vực cửa kính thì đều làm bằng kính cường lực, khi lực lượng chức năng thoát khói, phá dỡ gặp rất nhiều khó khăn.
Cũng theo anh Trung, tại tầng 5 và 6 của căn nhà không có ban công và đều đóng kín cửa, còn từ tầng 1 tới tầng 3 không có lối thoát hiểm; phía trước nhà đều đã bị che kín bởi biển quảng cáo.
Nói thêm về việc thoát hiểm của các nạn nhân, Đại úy Đặng Văn Tuấn nuối tiếc cho rằng: "Giá như tại các phòng ngủ của căn nhà mở lối thoát nạn thì khi xảy ra cháy họ chỉ việc mở lối thoát hiểm, thả thang dây thì đã không xảy ra kết cục đau lòng như vậy".
Bên cạnh đó, theo thông tin từ VietNamNet, ông Bùi Xuân Thái, chuyên gia Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta có đặc thù là được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có một lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1.
Bên cạnh đó, trong các nhà ống có thể sử dụng lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.
Ông Thái cho rằng, trường hợp ngôi nhà xảy ra sự cố cháy, nổ, chính những lớp cửa và lồng sắt này sẽ khiến cho người ở bên trong gặp khó khăn trong việc thoát nạn hoặc không thể thoát ra ngoài.
Ngoài ra, người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy, kể cả trẻ em. Nếu có điều kiện thì trang bị hệ thống báo cháy, thang dây, dây hạ chậm, mặt nạ phòng khói trong nhà. Tuyệt đối không cất trữ hóa chất dễ cháy nổ (xăng, dầu,…).