Sau 17 năm ở Nhật, Duy Anh đã gặt hái được những thành công đáng ngưỡng mộ. Anh còn là một người rất tích cực trong các hoạt động xây dựng cộng đồng người Việt tại Nhật.
- Nữ sinh 14 tuổi rơi từ tầng 16 chung cư xuống đất, tử vong thương tâm
- Tìm thấy nạn nhân tử vong thứ hai trong vụ sập mỏ titan ở Bình Thuận, thương xót thi thể ở một vị trí rất xa
Vừa học vừa đi rửa bát thuê, làm bếp
Nguyễn Duy Anh (35 tuổi, quê ở Hà Nội, hiện đang sống và làm việc ở Fukuoka, Nhật Bản). Ở tuổi 35, sau 17 năm sang Nhật, Duy Anh hiện đang là hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ. Anh được biết đến là hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản. Để có được những thành tựu như ngày hôm nay là cả một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ mà Duy Anh thú nhận, nếu biết trước thì có thể sẽ không dám làm vì vất vả và tốn nhiều thời gian.
Duy Anh chia sẻ trước đây bản thân chưa bao giờ nghĩ sẽ sang Nhật du học và lập nghiệp tại đất nước này. Học xong cấp 3, Duy Anh thi vào trường Học viện An ninh nhân dân nhưng không đỗ. Đó là cú sốc đầu đời của anh. Sau cú sốc này, Duy Anh muốn tìm một môi trường mới để đi du học như Anh hay Úc. Dẫu vậy, anh lại chưa chuẩn bị sẵn sàng về vốn tiếng Anh.
Tình cờ, con của một người bạn của mẹ Duy Anh lúc đó đang du học tại Tokyo và đã khuyên anh nên đi du học Nhật. Đó là cơ duyên để Duy Anh bắt đầu tìm hiểu về việc du học ở đất nước mặt trời mọc. 18 tuổi, Duy Anh đặt chân đến nước Nhật với tâm lý hào hứng, thích thú vì được trải nghiệm, khám phá một đất nước mới. Anh cũng cảm thấy vui vì được tự lập, tự làm mọi thứ cho cuộc sống của mình.
"Tôi gặp nhiều du học sinh khác và ở cùng họ trong ký túc xá của nhà trường, 4 bạn/phòng. Thời điểm đó, internet chưa phát triển như bây giờ, tôi phải mua thẻ điện thoại rồi ra bốt điện thoại công cộng gọi về cho gia đình, mỗi tháng một lần. Một thẻ tính ra tiền Việt khoảng 400 nghìn đồng thì có thể gọi được vài tiếng.
1-2 tháng đầu thì còn ham chơi, ham vui và nhiều trải nghiệm nên tôi chưa cảm thấy nhớ nhà. Nhưng sang tháng thứ 3 thì bắt đầu hụt hẫng. Các anh chị em thỉnh thoảng lại tổ chức tiệc cuối tuần. Một hôm tự nhiên đang tổ chức thì có bạn nữ khóc, thế là tất cả mọi người ôm nhau khóc. Đó là lần đầu tiên tôi khóc kể từ ngày xa nhà, bỗng thấy nhớ nhà vô cùng", Duy Anh nhớ lại.
Khi mới sang Nhật, Duy Anh đi học tiếng. Đến tháng thứ 3 thì bắt đầu kết hợp vừa học vừa đi làm thêm. Trong lúc đi làm, Duy Anh nhận thấy nếu không cố gắng để giỏi tiếng Nhật thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, công việc và định hướng tương lai. Do đó, anh bắt đầu tập trung và tăng cường học tiếng.
Được đi làm thêm cũng là cơ hội để Duy Anh trau dồi tiếng Nhật. Thông qua việc giao tiếp với những người bạn người Nhật làm cùng đã giúp Duy Anh hiểu thêm về suy nghĩ cũng như cách làm việc của người Nhật.
Tiếng Nhật chưa giỏi nên ban đầu, Duy Anh phải làm công việc rửa bát ở một quán ăn. Khi khả năng giao tiếp tốt hơn, Duy Anh chuyển sang làm ở bếp, nhân viên cửa hàng tiện lợi. Dần dần tiếng Nhật tốt hơn nữa, Duy Anh bắt đầu đi làm phiên dịch.
Duy Anh thi đỗ vào một trường đại học công lập, Khoa Kinh tế, chuyên ngành Kinh tế quốc tế và nhận được học bổng của Chính phủ Nhật Bản, được miễn học phí 100%.
Cơ duyên trở thành hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ
Học Kinh tế nhưng lại trở thành hiệu trưởng học viện ngôn ngữ, Duy Anh cho hay đó là một câu chuyện khá dài và là một cái duyên.
"Sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi có làm 2 năm tại trường tiếng Nhật ở thành phố Osaka. Trong 2 năm đó, tôi cũng giúp đỡ các bạn du học sinh, thực tập sinh, như phiên dịch chẳng hạn. Tôi mong muốn có những cống hiến sâu rộng hơn, ví dụ như xây dựng đề án thành lập một trường tiếng Nhật, đứng trên góc nhìn của một du học sinh để mình giúp đỡ được nhiều người hơn nữa. Tôi đã đưa ra đề án với ban quản trị tập đoàn. Mọi người phản đối nhiều, cho rằng tôi cần thêm những trải nghiệm, để chuẩn bị thì cũng mất 5-7 năm.
Tôi còn trẻ và mong muốn cống hiến, muốn cháy hết mình, cháy đến 200% năng lượng của bản thân nên tôi không bỏ cuộc. Hàng ngày tôi dậy sớm làm xong công việc, đến 8h tối là chuẩn bị viết kế hoạch, làm cùng các thầy cô giáo để thuyết phục, cũng như chuẩn bị mọi thứ để có thể thành lập trường. Kế hoạch của tôi chuẩn bị trong vòng một năm.
Tháng 4/2015 là trường tiếp nhận khóa học sinh đầu tiên, tôi rất hạnh phúc. Lúc đó, tôi đang đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, chuyên quản sinh và tuyển sinh.
Tháng 5/2021 tôi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Lúc đó đại dịch đang hoành hành, các bạn du học sinh quốc tế không thể đến Nhật Bản. Thời điểm đó tôi cũng đang ở Việt Nam. Để tiếp nhận công việc này, bản thân tôi cũng mất 1 tuần để suy nghĩ, lựa chọn. Mọi người cũng động viên tôi cứ thử xem thế nào", Duy Anh tâm sự.
Ngày đầu tiên đến trường với cương vị hiệu trưởng, Duy Anh không dám công bố với ai, chỉ có những người đồng nghiệp ở xung quanh biết. Buổi đầu tiên ấy Duy Anh cũng khá run, và rất vui khi nhận được những lời chúc mừng từ đồng nghiệp và sinh viên.
Duy Anh cho biết, bản thân anh có những áp lực để cần phải rất cố gắng. Và anh đã biến những áp lực đó thành động lực để làm sao có thể cống hiến được nhiều hơn nữa cho trường và cho các bạn du học sinh. "Tôi không phải người giỏi nhất, nhưng tôi sẽ là người cố gắng nhất", đó là kim chỉ nam của Duy Anh.
Trong thời gian tới, Duy Anh mong muốn duy trì thành tích và chất lượng đào tạo của trường để các bạn sinh viên quốc tế, trong đó có sinh viên Việt Nam đến Nhật Bản có thể học được tiếng Nhật, học được cách suy nghĩ, làm việc của người Nhật. Để tương lai, các bạn có thể học thật tốt, làm việc thật tốt và trở thành cầu nối giữa đất nước của mình với Nhật Bản.
Ngoài ra trong công tác cộng đồng, Duy Anh hiện đang là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka. Anh mong muốn xây dựng cộng đồng người Việt Nam ngày càng phát triển không chỉ về chất mà còn về lượng.