Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, trong vụ sập cầu Phong Châu có 1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện bị cuốn trôi; lực lượng chức năng cứu được 5 người.
- Nhiều người khóc ngất tìm kiếm người thân trong vụ sập cầu Phong Châu: 'Chỉ mong có phép màu xảy ra'
- Tiết lộ nguyên nhân ban đầu trong vụ sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ
Theo thông tin từ báo Sức khỏe và Đời sống, tại hiện trường vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ), Đại tá Trần Nho Lương - Phó Chỉ huy trưởng chiến dịch, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Thọ cho biết: "Do nước sông Hồng dâng cao, chảy rất xiết nên công tác cứu nạn, cứu hộ buộc phải tạm dừng".
"Sau khi nước rút và có lệnh thì các lực lượng sẽ khẩn trương thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ", Đại tá Trần Nho Lương cho biết thêm.
Về nguyên nhân khiến cầu sập, Sở GTVT tỉnh Phú Thọ báo cáo nhanh là do ảnh hưởng của bão số 3 (YAGI) gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết đã làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 làm sập 2 nhịp dàn chính của cầu (nhịp 6 và nhịp 7).
Hiện số lượng người bị rơi xuống sông Hồng trong vụ sập cầu Phong Châu vẫn chưa thể xác định, các lực lượng sẽ tổng hợp camera hành trình của những phương tiện ô tô đi qua cầu để xác minh chính xác.
Theo thông tin từ VTC News, chiều 9/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dẫn báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, khoảng 10h02 cùng ngày, cầu Phong Châu (kết nối 2 huyện Tam Nông - Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị sập, cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính (nhịp 6 và nhịp 7, thuộc địa bàn huyện Tam Nông).
Sơ bộ xác định tại thời điểm xảy ra sự cố có 8 phương tiện gặp nạn (1 xe tải, 1 xe con, 5 xe máy, 1 xe đạp điện).
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, các lực lượng chức năng đã cứu, đưa 5 người bị thương đi cấp cứu tại cơ sở y tế.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu.
Thủ tướng chỉ đạo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng lãnh đạo các Bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến ngay hiện trường để phối hợp với Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo kiểm tra, triển khai ngay công tác khắc phục sự cố sập nhịp cầu Phong Châu, tập trung công tác cứu hộ cứu nạn đối với những nạn nhân vụ sập cầu.
Cùng với việc rà soát chặt chẽ, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông, các địa phương kiên quyết không để người dân qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Thủ tướng yêu cầu rà soát, kịp thời phát hiện, tránh xảy ra các sự cố bất ngờ đối với các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các cầu giao thông, hồ đập, đê điều trên địa bàn.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Công an huy động mọi lực lượng, phương tiện cần thiết, phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các địa phương liên quan khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn đối với các nạn nhân vụ sập nhịp cầu Phong Châu.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ sập nhịp cầu Phong Châu và mưa lũ, sạt lở theo chức năng quản lý nhà nước, thẩm quyền được phân công.