Sáng 9/9, ngay sau khi nhận được tin báo về vụ sập cầu Phong Châu, Phú Thọ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.
- Đỏ mắt ngóng tin người thân vụ sập cầu Phong Châu: Vợ chồng tài xế mới gọi điện cho nhau, 30 phút sau thì mất liên lạc
- Nhiều người khóc ngất tìm kiếm người thân trong vụ sập cầu Phong Châu: 'Chỉ mong có phép màu xảy ra'
Sau khi khảo sát hiện trường, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp ngay tại Sở Chỉ huy để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh, Quân khu 2, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Giao thông vận tải báo cáo, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Phó Thủ tướng biểu dương các lực lượng quân đội, công an, cán bộ địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó sự cố.
Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát số lượng phương tiện, nạn nhân. Hiện có khoảng 5 ô tô, 2 xe máy với khoảng trên 10 người. Trong đó có 3 người đã được vớt. 2 người đang cấp cứu, 1 người đã về nhà.
Về giao thông, Phó Thủ tướng đề nghị, đối với cầu Phong Châu, phải ngăn đường bằng rào cứng, đặt biển báo, ứng trực không cho phương tiện đi vào.
Đồng thời, làm biển cảnh báo, hướng dẫn đường tránh cho các phương tiện lưu thông trên tuyến đường biết.
Về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, trước mắt tìm kiếm ven bờ, khi điều kiện cho phép sẽ triển khai tìm kiếm người và phương tiện.
Đề nghị tỉnh Phú Thọ và Ủy ban MTTQ tỉnh tập trung cứu chữa, động viên người bị nạn và thân nhân. Tổ chức di dời dân khi lũ lụt dâng cao. Đảm bảo an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Chính phủ khi có vấn đề xảy ra.
Phó Thủ tướng giao Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Quân khu 2 làm cầu phao sớm nhất, tốt nhất để bảo đảm lưu thông; chủ trì công tác tìm kiếm cứu hộ, phù hợp với điều kiện thời tiết cho phép.
Bộ Giao thông vận tải đánh giá nguyên nhân sập cầu; nghiên cứu xây dựng cầu mới bảo đảm vững chắc, lâu bền.
Với tình hình chung, đề nghị tỉnh phân công từng nhóm cán bộ, đánh giá các điểm có khả năng ngập lụt, di dời dân ngay; hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Đề nghị tỉnh tập trung đề xuất cấp gạo, phương tiện (xuồng, máy phát điện)… để trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Sáng 9/9, cầu Phong Châu nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ đã bị sập. Lực lượng chức năng đã cứu được 3 người bị rơi nhưng may mắn bám được ở thành cầu. Đến 12h trưa nay, các cơ quan chức năng chưa xác định được số phương tiện và người rơi xuống sông ở thời điểm sập cầu Phong Châu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, đoàn công tác của Bộ GTVT và Uỷ ban ATGT quốc gia đang đến điểm cầu sập. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường thuỷ nội địa điều phối lưu thông, hướng dẫn các phương tiện đường thuỷ không đi vào khu vực cầu sập. Các đơn vị của Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng địa phương triển khai các phương án tìm kiếm các nạn nhân và xử lý sự cố.
Lực lượng chức năng đã cứu được 3 người bị rơi nhưng may mắn bám được ở thành cầu. Đến 12h trưa nay, các cơ quan chức năng chưa xác định được số phương tiện và người rơi xuống sông ở thời điểm sập cầu Phong Châu.
Lãnh đạo Quân khu 2 và lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, lực lượng công an, quân đội với hàng trăm người đã có mặt tại khu vực này, sẵn sàng cứu hộ.
Ông Trần Hoài Giang, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Thọ cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ, cầu Phong Châu vừa bị sập. Các lực lượng chức năng đã tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn cho người dân. Các đơn vị đang thống kê hiện trạng và sẽ có báo cáo cụ thể.
Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông (Phú Thọ). Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành vào ngày 28/7/1995.
Năm 2013, cầu Phong Châu được sửa chữa. Đến tháng 9/2019, Phú Thọ ra lệnh cấm các phương tiện có trọng tải từ 18 tấn trở lên qua cầu này.