Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, có gì khác biệt?

Đời sống 27/11/2023 11:48

Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước được sửa đổi, bổ sung với nhiều thay đổi. Trong đó, đáng chú ý là đổi tên căn cước công dân thành căn cước.

Sáng 27/11, Quốc hội đã chính thức qua Luật Căn cước với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Theo đó, Luật gồm 7 chương, 46 điều trong đó có việc đổi tên Luật Căn cước và thẻ căn cước.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, vừa bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật, vừa phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số.

Với việc tích hợp đầy đủ thông tin một cách khoa học trong thẻ căn cước cùng với hình thức, phương thức quản lý số bảo đảm tính đại chúng, việc đổi tên thành thẻ căn cước sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước có tính khoa học hơn, phục vụ công cuộc chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số của Chính phủ.

Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho người dân trong tham gia các hoạt động xã hội cũng như giao dịch về hành chính, dân sự ngày càng tiện lợi.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết nội dung này đã xin ý kiến Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị đồng thuận, thống nhất cao về việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước, thẻ căn cước.

Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, có gì khác biệt? - Ảnh 1
Quốc Hội chính thức thông qua đổi tên căn cước công dân thành căn cước
Có gì thay đổi trong Luật Căn cước mới?

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Điều 18 trong luật quy định thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình Quốc huy; Dòng chữ "CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc"; Dòng chữ "CĂN CƯỚC"; Ảnh khuôn mặt; Số định danh cá nhân; Họ, chữ đệm và tên khai sinh; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Nơi đăng ký khai sinh; Quốc tịch; Nơi cư trú; Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng; Nơi cấp: Bộ Công an.

Điều 22 của Luật quy định thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

Bảo mật bằng xác thực vân tay, khuôn mặt trên thẻ căn cước gắn chip

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, có ý kiến nhất trí sự cần thiết quy định về căn cước điện tử trong dự thảo luật; báo cáo thêm về vấn đề bảo mật của thẻ căn cước gắn chip vì dễ bị xâm nhập, theo dõi.

UBTVQH cho biết, thẻ căn cước hiện nay được chế tạo bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng bảo mật cao, bảo đảm chống lại việc làm giả thẻ. Trong chip điện tử trên thẻ căn cước có công nghệ xác thực thông qua đối sánh vân tay hoặc khuôn mặt nhằm xác thực chính xác chủ thẻ.

Theo đó, khi một người sử dụng thiết bị đọc thông tin lưu trữ trong chip điện tử phải được sự đồng ý của chủ thẻ thông qua phương thức xác thực vân tay, khuôn mặt để được quyền truy cập vào ứng dụng đọc, truy xuất dữ liệu, nếu không có thao tác này thì không ai có thể truy cập để lấy thông tin trong thẻ căn cước.

Để khai thác được các thông tin trong chip điện tử phải sử dụng thiết bị chuyên dụng và các thiết bị này phải được Bộ Công an cung cấp mã bảo mật để xác thực, bảo đảm an ninh, an toàn bảo mật thông tin.

Trường hợp các cơ quan nhà nước khác cung cấp thiết bị chuyên dụng để đọc thông tin trong thẻ căn cước thì các thiết bị này đều phải được cơ quan chuyên môn của Bộ Công an kiểm tra và cung cấp mã bảo mật.

Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, có gì khác biệt? - Ảnh 2
Luật Căn cước được sửa đổi, bổ sung quy định đổi tên căn cước công dân thành căn cước
Chứng minh nhân dân không còn phù hợp

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện, chỉ còn một số ít công dân sử dụng chứng minh nhân dân và sẽ không thể cấp căn cước điện tử, không thể khai thác các tiện ích của thẻ căn cước gắn chip và căn cước điện tử trong các giao dịch trực tuyến cũng như sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu.

Do đó, việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân thực hiện một số giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân trong giai đoạn chuyển tiếp, luật quy định chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Ngoài ra, luật cũng quy định thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/1/2024 đến trước ngày 30/6/2024 tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Giá vàng SJC cao ngất ngưởng 72,32 triệu đồng, dự đoán có thể tăng tới 90 triệu đồng/lượng?

Sáng nay (27/11), giá vàng thế giới vẫn trụ vững trên mốc 2.000 USD/ounce và giá vàng miếng SJC ở mức trên 72 triệu đồng/lượng.

TIN MỚI NHẤT