Người dân địa phương cho biết tình trạng này đã xảy ra tại bãi Kinh từ lâu. Nhóm người lái môtô nước ngang nhiên làm "dịch vụ"
- Đi du lịch ở Ninh Thuận, nữ du khách Hà Nội tố bị đánh thủng màng nhĩ
- Kiểm tra, xác minh vụ việc du khách chết đuối ở điểm du lịch không phép
Liên quan đến sự việc nữ du khách D.L. (29 tuổi, Hà Nội) bị hành hung khi tắm biển tại KDL bãi Kinh (Ninh Thuận) gây xôn xao trên mạng xã hội những ngày qua, trao đổi với báo Lao động, chị D.L. kể lại tường tận vụ việc.
Theo đó, khoảng 3 giờ chiều 2/5, chị cùng 2 bạn nam khác là N.T.A. và T.D.K.A. (K.A) từ khách sạn đến khu du lịch bãi Kinh - Bình Hưng để tắm biển. Ngoài phí vào cổng 50.000 đồng/người, nhóm bạn còn thuê thêm thuyền SUP với giá 150.000 đồng/giờ.
"Khi nhận thuyền từ nhân viên duy nhất ở bãi biển, chúng tôi phát hiện thuyền không có dây đeo chân an toàn (nối chân người dùng với thân thuyền để phòng trường hợp lật SUP, thuyền trôi ra xa). Tại đây cũng không có hướng dẫn viên/bảng hướng dẫn trước khi sử dụng, không có khuyến cáo an toàn khi chèo thuyền, cũng không có nhân viên cứu hộ" - D.L. nhớ lại.
Tuy nhiên, vì không có lựa chọn khác nên nhóm bạn vẫn quyết định thuê thuyền. Anh K.A. một mình chèo SUP ra biển, hai người bạn còn lại vui chơi, tắm biển ở gần bờ. Tuy nhiên, gió to, sóng lớn dẫn đến SUP bị lật và trôi ra xa, nằm ngoài tầm kiểm soát của K.A.
Thấy bạn bị sóng kéo vào khu vực vách đá hiểm trở, cách xa bờ và bắt đầu kêu cứu, D.L. nhanh chóng chạy lên bờ tìm nhân viên cứu hộ nhưng không có người túc trực. Các nhân viên khu du lịch, bao gồm người bán vé thuyền SUP cũng vắng mặt.
"Giữa lúc hoang mang, tôi thấy một top gồm 5-6 người lái môtô nước tiếp cận và đồng ý ra biển cứu người với giá 200.000 đồng. Thời gian giải cứu cấp bách, chúng tôi đồng ý ngay. Nhưng thay vì lái môtô đưa người gặp nạn trở về trước, họ chỉ kéo SUP trở về và bỏ mặc bạn tôi tự bơi vào bờ" - D.L. chia sẻ.
Anh K.A. - nam du khách gặp nạn cho biết, lúc SUP bị lật và trôi ra xa, anh đã hoảng hốt kêu cứu, đồng thời bám vào vách đá gần đó. Dù biết bơi, anh không tự tin có thể bơi vào bờ giữa lúc gió to, sóng lớn.
"Khi thấy người lái môtô nước tới, tôi đã cố gắng cầu cứu. Họ nhìn thấy, nhưng chỉ lướt qua và tìm thuyền SUP lôi vào bờ. Lúc đó, tôi đành phải tự tìm cách cứu chính mình" - K.A. nói.
Khi đã về bờ an toàn, nhóm bạn của D.L. bắt đầu thắc mắc về việc người lái môtô nước không ưu tiên cứu người gặp nạn thay vì lôi thuyền SUP vào bờ. Điều này khiến một người trong nhóm lái môtô nước khó chịu, xúc phạm D.L. và nhóm bạn.
"Nhận thấy sự việc căng thẳng, tôi đã lấy điện thoại ra quay lại làm bằng chứng bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, người này đã bước tới và thẳng tay đánh vào mặt tôi" - D.L. kể.
D.L. bị tát choáng váng, ù tai và mất đà lùi bước. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến 2 người bạn không kịp ngăn cản. Sau đó, cả 2 lao vào chặn người đàn ông, không cho tiếp tục hành hung D.L.
"Nhóm lái môtô nước đông và bãi biển lại khá vắng vẻ. Họ chửi bới hả hê rồi bỏ đi, không có sự can thiệp của bất kỳ nhân viên quản lý khu du lịch nào" - D.L. bức xúc.
Nhóm du khách khẳng định, toàn bộ quá trình không có sự xuất hiện, can thiệp của nhân viên khu du lịch bãi Kinh. Sau toàn bộ sự việc, người cho thuê thuyền SUP mới xuất hiện và hỏi han sức khỏe của nữ du khách. Tuy nhiên, người này không có hướng giải quyết mà chỉ yêu cầu nhóm bạn kéo SUP vào bờ, thanh toán tiền thuê đúng quy định.
Qua tìm hiểu, D.L. được người dân địa phương cho biết tình trạng này đã xảy ra tại bãi Kinh từ lâu. Nhóm người lái môtô nước ngang nhiên làm "dịch vụ". 3 du khách quá bàng hoàng và tức giận nên đã phản ánh với lễ tân khách sạn và nhận được số điện thoại của ông Hoàng Hải Trung - quản lý Khu du lịch bãi Kinh. Tuy nhiên, người này cho rằng nhóm bạn có lời nói khó nghe với đội lái môtô nước nên mới bị đánh.
Thất vọng về cách giải quyết của Ban quản lý KDL bãi Kinh, D.L. tiếp tục tìm cách liên lạc với Phòng Quản lý Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận để trình báo. Sau đó, D.L. cố gắng gọi vào hotline của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa và được nhân viên của Sở hướng dẫn gửi email khiếu nại.
Về tới Hà Nội, D.L. phát hiện có máu đông ở tai, đau nhức và choáng váng nên đã đi khám bác sĩ. Cô được chẩn đoán bị thủng màng nhĩ, phải phẫu thuật nếu vết thương không tự lành.
Nhóm du khách cho biết không có ý định khiếu nại nhằm đòi bồi thường thiệt hại. Thay vào đó, họ mong muốn cơ quan chức năng có thẩm quyền vào cuộc, rà soát, xử lý nghiêm tình trạng trên, làm rõ trách nhiệm quản lý, vận hành của KDL bãi Kinh, không để tiếp diễn sự việc gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch địa phương.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong, chiều 7/5, ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết, đơn vị đã điện thoại cho nữ du khách bị hung hành để động viên, xin lỗi về việc công chức của sở trao đổi không rõ ràng gây bức xúc cho du khách nhưng cô không nhận điện thoại nên đã gửi lời xin lỗi đến đại diện của nữ du khách. Đồng thời, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo gửi thư xin lỗi trực tiếp đến nữ du khách.
“Chúng tôi cũng đã đề nghị Công an huyện Ninh Hải vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định. Cơ quan chức năng đã mời những người có liên quan đến làm việc và danh tính nhóm người đi mô tô nước, trong đó có một nam thanh niên bị tố hành hung nữ du khách vẫn đang được điều tra, xác định" - ông Hòa thông tin.