Liên quan đến sự việc bé P.N.Q. (6 tuổi) tử vong sau khi ăn bánh su kem phát trong chương trình Trung thu tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức) tối 29/9, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã có báo cáo cụ thể quá trình 2 lần tiếp nhận điều trị cho trường hợp này.
- Nam sinh viên rơi từ tầng 14 chung cư thiệt mạng: Người thân đang đứng dưới tầng trệt
- Chơi xích đu, cậu bé 10 tuổi tử vong thương tâm do dây siết cổ
Theo thông tin từ báo Dân trí, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, có 48 trường hợp gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa sau khi ăn bánh su kem. Trong số này, 19 người đã nhập viện.
Chị N.T.H., phụ huynh bé M.A. (4 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), cho biết, đến nay con chị vẫn nằm điều trị, theo dõi tại khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2. Những ngày qua, chị H. đã sống trong sợ hãi, khi chứng kiến sức khỏe của con bất ngờ chuyển biến xấu.
Theo lời kể của người mẹ, sau khi tham gia đêm Trung thu tại chung cư Palm Heights đêm 29/9, một người nhà của chị H. có mang 3 bánh su kem thương hiệu Givral sang nhà chị. Trưa 30/9, bé A. có ăn 1/2 cái bánh su kem kể trên, đến tối thì than đau bụng. Khoảng 1h ngày 1/10, con gái chị H. xuất hiện tình trạng nôn hết thức ăn, sau đó tiêu chảy liên tiếp 3 lần, được mẹ cho ăn cháo và uống nước bù điện giải. Nhưng khoảnh khắc lo lắng nhất của chị H. là khi bé A. bất ngờ lên cơn co giật vào khoảng 1h30 chiều 1/10.
"Lúc ấy bé đã mất ý thức, co giật ngay trong lòng tôi, lay gọi mãi mà vẫn không trả lời. Lần đầu tiên trong đời tôi hoảng thật sự", người mẹ kể.
Quá lo lắng cho con, mặc trời mưa gió, vợ chồng chị H. đưa bé đến một bệnh viện tư nhân gần nhà cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé nghi ngờ viêm màng não. Không yên tâm, chị H. chuyển con sang Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu.
Theo chị H., sau khi thăm khám, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán bé bị viêm đường ruột. Cũng theo chị H., ban đầu chị chỉ nghĩ con bị rối loạn tiêu hóa thông thường. Đến khi đọc thông tin trên báo, người mẹ mới phát hiện con cũng ăn bánh su kem trước khi có triệu chứng ngộ độc, giống nhiều bệnh nhân khác.
Từ hôm xảy ra sự việc, mọi chi phí lo cho con mình thì chị H. đều tự xử lý. Nếu kết luận nguyên nhân gây ngộ độc do bánh, đơn vị sản xuất phải có trách nhiệm xử lý theo quy định pháp luật. Còn sức khỏe, tính mạng thì không thể đo đếm thiệt hại.
Theo thông tin từ báo Sài Gòn và Giải phóng, vào ngày 4/10, Sở Y tế TPHCM tổ chức họp khẩn sau vụ một trẻ tử vong nghi ngộ độc do ăn bánh su kem tại chung cư Palm Heights (TP Thủ Đức).
Sau khi nghe tổ công tác báo cáo lại kết quả điều tra các trường hợp có triệu chứng ngộ độc thực phẩm và các bệnh viện báo cáo cập nhật tình hình thu dung điều trị các trường hợp ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về ngộ độc thực phẩm của ngành y tế thành phố thống nhất nhận định nhiễm khuẩn là nguyên nhân chính gây ra vụ ngộ độc này.
Đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt, diễn biến phức tạp và khó nhận biết hơn so với các trường hợp ngộ độc thực phẩm hàng loạt trước đây, thường xảy ra tại các trường học (nhà trẻ, mẫu giáo,…). Thực phẩm gây ra ngộ độc trong trường hợp này, khả năng cao là từ bánh su kem (loại trừ xúc xích nướng, nước uống được dùng trong tiệc trung thu).
Nguyên nhân gây ra ngộ độc sau ăn bánh su kem, khả năng cao là bánh đã bị nhiễm khuẩn, do tất cả trường hợp ngộ độc đều có có triệu chứng giống nhau liên quan đến nhiễm khuẩn thức ăn như sốt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, bạch cầu máu tăng cao, CRP tăng cao (xét nghiệm máu giúp nhận biết cơ thể bị nhiễm vi khuẩn).