Để đạt được thành tích này, ngoài việc nắm chắc kiến thức trên lớp, các mẹ định hướng ôn luyện kĩ cho các con trong 2 tháng cận ngày thi.
- Phụ huynh Hà Nội xếp hàng xuyên đêm mua hồ sơ vào lớp 1 cho con
- Hà Nội: Sau khi thời gian làm bài môn toán kết thúc, phụ huynh và học sinh vỡ oà cảm xúc
Chị Nguyễn Thu Hải cho rằng, bản thân chị không biết gì nhiều Toán, Văn nhưng để đạt được kết quả như mong muốn, điều quan trọng là cùng với việc định hướng đúng cho con, ba mẹ còn phải luôn thuyết phục, động viên, truyền cảm hứng cho con phấn đấu theo những mục tiêu ấy. Các bạn lớp 5 còn nhỏ lắm, sẽ hoàn toàn nghe theo định hướng của ba mẹ và sẽ làm rất tốt nếu con được truyền cảm hứng mỗi ngày.
"Mình biết Nguyễn Tất Thành là ngôi trường chọn toàn các bạn giỏi để vào, đầu vào rất rất khó nên suốt từ khi con học lớp 4 là mình đã bắt đầu nói với con về trường. Thỉnh thoảng có dịp đi qua mình lại chỉ cho con và nói rằng việc có một môi trường có nhiều bạn tốt thì con sẽ được học hỏi, được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Mình nói với con về các câu lạc bộ, môn thể thao...
Vì vậy từ việc mình ôn TOEFL cho tới việc bảo con đi học thêm Toán, Văn... con đều rất hào hứng. Con cũng nắm rất chắc các tiêu chí tính điểm của trường, chẳng hạn TOEFL bao nhiêu điểm thì được cộng điểm... Thậm chí con còn xin cô chủ nhiệm cho thi vào đội tuyển Toán WMTC của trường để được cộng điểm nhưng sau cùng không được giải" - chị Hải chia sẻ.
Như vậy là 99% thành công, 1% còn lại thuộc về may mắn. Phải đầu tư thông minh, có tính toán, bài bản, kiên trì thì mới có hiệu quả. Định hướng cho con, tuy nhiên chị không tạo áp lực. Chị nói dù con đỗ hay không thì con vẫn có những lựa chọn khác. Và dù học ở đâu, nếu con thực sự cố gắng vẫn có thể đạt được những mục tiêu mong muốn. Ngoài việc học thêm, con chị vẫn có thời gian chơi thể thao và những hoạt động giải trí khác. Ngoài trường Nguyễn Tất Thành, chị Hải còn đăng ký cho con thi thêm Trường THCS Cầu Giấy. Tuy nhiên, chị để con tự quyết định có thi hay không.
Bố mẹ nên bổ sung kiến thức và kèm con sát hơn ở những môn con không có thế mạnh. Với Nhật Giang, chị Hải xác định con kém Văn nên phải sát sao hơn nhiều vì Văn rất dễ thấp điểm. Bên cạnh đó, bà mẹ này cũng nhận định, có chứng chỉ TOEFL Primary là một lợi thế vô cùng lớn. Con chị Hải có TOEFL 229/230, được cộng 1,5 điểm vào điểm tổng, và đó là điều kiện đủ để con đỗ. Nếu không có điểm TOEFL thì con lại thiếu một chút và không được vào trường mong muốn. Vì mỗi năm sẽ có thể thay đổi quy chế thi, nên tốt nhất phụ huynh có thể để lớp 5 cho các con thi lấy chứng chỉ chính thức. Còn các lớp dưới thì các con nên được học tiếng Anh nền tảng và nếu có thi cũng là để trải nghiệm.
Với chứng chỉ Flyers, chị Hải cho rằng, phụ huynh cần xem yêu cầu thi của các trường. Hiện nay, không phải trường nào cũng cộng điểm chứng chỉ (như trường THCS Cầu Giấy không cộng gì), nhưng đã cộng thì chắc chắn có cộng điểm cho TOEFL, Flyers thì có trường cộng có trường không.
Chẳng hạn như trường Nguyễn Tất Thành chỉ cộng TOEFL, trong khi THCS Nam Từ Liêm thì cộng điểm cả hai chứng chỉ, tuy nhiên chỉ chọn 1 chứng chỉ được cộng cao hơn. Do vậy, việc quyết định cho con thi Flyers hay không cần xem định hướng của trường định vào học. Nhật Giang có Flyers 15/15, nhưng chị xác định cho thi để con quen với dạng thi để sau này học IELTS thuận lợi chứ không nghĩ sẽ dùng được Flyers nhiều.
Nhật Giang năm lớp 4 chỉ ôn ở lớp tiếng Anh do mẹ dạy, đến lớp 5 mới ôn Toán và Văn. Chị cũng không chọn các thầy cô quá nổi tiếng, nhiều người biết đến, mà cho con học ở nhóm nhỏ và thật sát sao với con. Gần thi con vẫn học bình thưởng cả ngày trên trường, học thêm Toán 1 buổi/tuần và Văn 1 buổi/tuần, tiếng Anh tầm 3 buổi/tuần.
Trong khi các bạn học thêm nhảy hết chỗ nọ chỗ kia thì Nhật Giang vẫn kiên trì một chỗ. Thầy cô nào khi dạy luyện thi cũng đều có lộ trình, con phải theo đủ lộ trình mới hiệu quả, chứ ngắt quãng thì dù có học thầy cô giỏi đến mấy thì con luôn luôn vẫn ở trong tư thế người mới, tư thế bắt đầu.
Chia sẻ với Tổ Quốc, một phụ huynh khác là chị Ngọc Lan (Hà Nội) cũng cho biết, các bạn thi chuyển cấp vào lớp 6, thời điểm từ tháng 3 có thể coi như thời điểm bắt đầu chạy nước rút. Thường khi đến giai đoạn cận kề mùa thi như hiện nay, tâm lý của học sinh và phụ huynh sẽ lo lắng nhiều hơn, dẫn đến áp lực và bối rối không biết ôn tập như thế nào cho hiệu quả.
Con gái chị là Đan Thanh năm ngoái thi vào THCS Chuyên Ngoại ngữ, THCS Hà Nội - Amsterdam (Ams) và THCS Cầu Giấy. Em đã đỗ cả 3 trường, sau đó chọn học ở Ams. Để đạt được thành tích này, ngoài việc nắm chắc kiến thức trên lớp, Đan Thanh còn được mẹ định hướng ôn luyện kĩ trong 2 tháng cận ngày thi. Trước đó, em không đi học thêm.
Chị Lan cho biết: "Bản thân mình luôn xác định không phải ép con vào các trường chất lượng cao (CLC) bằng mọi giá. Áp lực vừa đủ, nhưng nếu con không được cũng vẫn còn trường công gần nhà nên không việc gì phải quá căng thẳng theo tinh thần "1 là sống 2 là chết".
Nhưng đã đặt mục tiêu thì phải nỗ lực để đạt được mục tiêu. Dù trước đó con có đi học thêm ở trung tâm thầy cô hay tự học, thì giai đoạn nước rút bao giờ cũng rất quan trọng. Bạn nhà mình học ở Archimedes, mình tự thấy chương trình học của trường cũng đã khá nâng cao so với chương trình của Bộ GD&ĐT và con vẫn đáp ứng tốt nên mình không cho đi học thêm đâu cả".