Nhiều bạn trẻ xem những buổi gặp gia đình, họ hàng như cơn "ác mộng". Hàng loạt câu hỏi về đời tư, cách đối nhân xử thế nào cho phù hợp khiến họ mệt mỏi, lo âu.
- Kết viên mãn của cô gái vượt rào cản gia đình quyết lấy "người nhiễm H"
- Sen rực nở trên quê hương Bác Hồ những ngày tháng 5
Những dịp lễ, tết lớn là cơ hội để gia đình, họ hàng sum họp, chia sẻ trò chuyện với nhau sau những ngày tháng vất vả làm việc. Tuy nhiên trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều bạn trẻ lại cho biết họ cảm thấy khá ngần ngại, thậm chí là không muốn về quê để tham gia các cuộc họp mặt này.
E ngại vì không thân thiết, không biết xưng hô sao cho phải
“Mỗi lần họp mặt gia đình em đều rất ngại tham gia vì ngoài các ông, các bà và một vài anh chị thân thiết em không nhớ mặt, nhớ tên ai cả”, Đặng Thị Phượng (19 tuổi, ở Nam Định) chia sẻ.
Phượng cho biết, ở quê việc xưng hô theo đúng vai vế rất quan trọng. Nhưng do hầu hết họ hàng đều sống ở các tỉnh xa, cả năm chỉ gặp một hai lần nên để nhớ chính xác được mọi người là điều cực lỳ khó. Vì vậy mỗi khi gặp mặt Phượng đều rất lúng túng không biết nên gọi sao cho phải.
Nhiều người cho rằng, với những bạn trẻ các mối quan hệ anh chị em đồng trang lứa có thể giúp các bạn thêm gắn kết mối quan hệ họ hàng hơn. Tuy nhiên với Phượng lại không như vậy.
“Em có nhiều anh chị em họ, nhưng cùng lứa lại chẳng có ai, không lớn hơn hẳn thì cũng bé hơn nhiều, lại còn không sống gần nhau nữa nên cũng chẳng thân thiết. Quan hệ họ hàng đã xa lại càng xa”, Phượng nói.
Đồng cảm với Phượng, Vũ Phương Thảo (22 tuổi, quê ở Bắc Giang) bày tỏ: “Do tuổi mình không gần với ai trong gia đình, cũng không sống gần mọi người từ bé nên khi hội họp thì mình thường không thể bắt kịp câu chuyện của mọi người.”
Ngoài lý do trên, Thảo còn cho biết thêm mỗi khi họp mặt, việc tổ chức ăn uống là điều hầu như không thể tránh khỏi. Thế nhưng việc phân chia công việc cho các thành viên lại không được công bằng.
“Là cháu gái, khi tổ chức ăn uống thì việc gì cũng phải vào làm, nhưng các cháu trai thì lại gần như không phải động tay. Mà những lúc đó sẽ không tránh khỏi việc bị hỏi này hỏi kia, thậm chí là bị chê bai về thân hình khiến mình khá khó chịu”, Thảo tâm sự.
Người lớn nghĩ khác
Dưới góc nhìn của các bậc tiền bối, bậc ông cha, bà Đặng Thị Tươi (81 tuổi, ở Nam Định) cho hay, những vấn đề của các bạn trẻ không phải quá lớn. Một phần là do các bạn còn quá trẻ, chưa va vấp nhiều nên còn ngại giao tiếp, lại ít để ý đến những công việc chung trong họ nên việc không nắm rõ vai vế của mọi người là điều dễ hiểu.
“Giờ các cháu chẳng để ý gia phả, cái này thì dòng họ nào cũng có. Trong ấy có ghi rất rõ ràng vai vế, quan hệ của mỗi người trong họ”, bà Tươi cho biết thêm.
Về vấn đề phân chia công việc, bà Tươi cho rằng với thế hệ của bà đó là điều bình thường. Từ những ngày còn tấm bé, bà vẫn luôn được các cụ dạy rằng: Là con gái thì phải có đủ công dung ngôn hạnh. Phải chu toàn các công việc trong gia đình. Vì vậy những chuyện như nấu cơm, rửa bát, quét nhà sẽ do cháu gái đảm nhận. Còn cháu trai sẽ làm những công việc cần nhiều sức hơn như kê bàn ghế, chuyển đồ, bê mâm…
Cũng theo bà Tươi việc người lớn hỏi thăm các bạn trẻ cũng là điều bình thường. Bởi đó là một cách bày tỏ sự quan tâm của người lớn đến con cháu.
“Giờ nhà nào cũng đẻ ít, lâu lâu mới về quê một lần thì ông bà mới thăm hỏi nhiều. Mà phải quý thì mọi người mới hỏi, chứ không quý, không biết cháu là đứa nào thì ai hỏi làm gì”, bà Tươi nói.
Việc các bạn trẻ ngại ngùng, không chủ mở lời cũng là nguyên nhân khiến cuộc trò chuyện trở thành một cuộc tra hỏi.
Với Thảo, để tránh rơi vào cuộc "tra hỏi", cô bạn này thường dùng cách đảo khách thành chủ, chủ động hỏi thăm họ hàng trước để tránh đi những câu hỏi mà mình không muốn trả lời. Cụ thể, thay vì để họ hàng hỏi thăm, các bạn có thể chủ động bắt chuyện trước bằng các chủ đề đơn giản như: sức khỏe, chuyện con cháu, hoặc chủ động hỏi cách làm một việc gì đó…
Dưới góc nhìn của bậc ông cha, để người trẻ bớt e ngại hay cảm thấy không thoải mái trong các cuộc họp mặt họ hàng bà Tươi bày tỏ: “Các cháu phải mạnh dạn bày tỏ suy nghĩ của mình với người lớn, như thế thì mới giải quyết khúc mắc được. Ông bà không phải không biết lắng nghe, mấu chốt là phải nói, phải trao đổi thì mới ra vấn đề.”
Bà Tươi chia sẻ thêm: “Giờ các cháu còn trẻ, chưa quan tâm nhiều đến vấn đề trong họ. Nhưng khi các cháu đến một độ tuổi nhất định, có gia đình rồi thì các cháu sẽ phải có ý thức, trách nhiệm về những việc của họ như thế này. Nên có vấn đề thì phải giải quyết, đừng để khúc mắc trong lòng mãi".