Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp được không?

Đời sống 16/01/2025 07:38

23 tháng Chạp là ngày ông Công ông Táo chầu trời, tuy nhiên nhiều gia đình cúng tiễn Táo quân rất sớm, thậm chí trước mấy ngày, điều này có nên không?

Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp được không?

Cúng ông Công, ông Táo là một trong những nghi lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam. Theo quan niệm, ông Công ông Táo là vị thần dõi theo cuộc sống của mọi người trong gia đình. Hàng ngày Táo quân sẽ ghi lại những việc làm tốt xấu của gia chủ, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng. Thiên đình sẽ từ báo cáo đó của Táo quân mà đưa ra thưởng phạt rõ ràng cho từng gia đình.

Chính vì thế, để mong cầu Thần bếp báo cáo những lời hay, ý đẹp với Ngọc Hoàng thì hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình đều chuẩn bị lễ cúng Táo quân long trọng để tiễn ông Táo về trời.

Tết ông Công ông Táo năm 2025 sẽ diễn ra vào ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn (tức là vào thứ Tư, ngày 22/1/2025 Dương lịch). Ngày nay, do những yếu tố khách quan như công việc, học tập nên không phải nhà nào cũng có thể cúng Táo quân đúng ngày mà thường sẽ cúng trước. Vậy cúng Táo quân trước ngày 23 có được không?

Cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp được không? - Ảnh 1
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, tùy vào điều kiện thời gian của mỗi gia đình mà lựa chọn ngày, giờ cúng là khác nhau. Các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công, ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, không nên cúng muộn hơn 23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi theo quan niệm dân gian, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu.

Một số lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Lễ cúng ông Công ông Táo là cách để gia chủ bày tỏ lòng biết ơn và mong cầu được chở che, bình an, may mắn trong năm mới sắp đến.

Do đó, gia đình cần phải lưu ý một số điều sau để tránh phạm đến các vị thần linh. Đầu tiên, việc chọn ngày, giờ cúng hợp phong thủy được tin là sẽ mang lại may mắn, tài lộc và bình an cho gia đình trong suốt năm mới. Theo quan niệm phong thủy, giờ Ngọ (11 - 13 giờ) của ngày 23 tháng Chạp được coi là thời điểm đẹp nhất để thực hiện lễ cúng tiễn Táo quân. Tuy nhiên, gia chủ có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo vào các ngày trước đó như:

Ngày 19 tháng Chạp (ngày 18/1, thứ Bảy): giờ Thìn (7h-9h), Ngọ (11h-13h), Mùi (13h-15h), Tuất (19h-21h).

Ngày 20 tháng Chạp (ngày 19/1, Chủ nhật): giờ Sửu (1h-3h), Mão (5h-7h), Ngọ (11h-13h), Thân (15h-17h), Dậu (17h-19h).

Ngày 21 tháng Chạp (ngày 20/1, thứ Hai): giờ Dần (3h-5h), Mão (5h-7h), Tỵ (9h-11h), Thân (15h-17h), Tuất (19h-21h), Hợi (21h-23h).

Chuẩn bị mâm cơm cúng ông Công ông Táo cần sự chu đáo và tôn nghiêm. Gia chủ nên lên thực đơn và chuẩn bị nguyên liệu từ trước để tránh những bất tiện và đảm bảo mâm cỗ được chuẩn bị một cách tươm tất. Mâm cỗ cúng cần đặt ở vị trí cao ráo và trang trọng trong khu vực bếp, tránh để dưới đất nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm và thể hiện lòng thành kính của gia đình.

Trang phục của gia chủ cần chỉnh tề và sạch sẽ, giọng đọc văn khấn phải to và rõ ràng. Cần hạn chế cầu xin tiền tài, thay vào đó hãy xin những điều tốt lành và an lành cho gia đình.

Cá chép là vật không thể thiếu trong lễ cúng ông Công, ông Táo, nhưng cách thức thả cá sau khi cúng cũng rất quan trọng. Truyền thống là sau khi lễ cúng hoàn tất, cá chép sẽ được thả ra ao, hồ, hoặc sông để phóng sinh.

Tuy nhiên, cần chú ý không thả cá chép vào những nơi nước bị ô nhiễm, không sạch sẽ, vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến tín ngưỡng và sự thành kính trong lễ cúng.

Việc thả cá không chỉ mang ý nghĩa phóng sinh, mà còn biểu trưng cho việc "đưa Táo Quân về trời", kết thúc một chu kỳ và mở ra một chu kỳ mới.

Dinh thự trăm tỷ đứng vững sau thảm họa cháy rừng ở Mỹ nhờ chất liệu đặc biệt

Trong khi đám cháy rừng ở Los Angeles thiêu rụi mọi thứ, biến khu dân cư thành tro bụi, dinh thự của Steiner vẫn còn nguyên vẹn.

TIN MỚI NHẤT