Bạo lực gia đình trong xã hội ngày nay là cái bóng mà nhiều phụ nữ ngại nói đến nhưng nỗi đau thầm lặng này có thể gây ra chấn thương rất lớn cho cơ thể và tâm trí họ.
- Nam DJ Ximer nghi đánh vợ, lên tiếng xin lỗi: "Chúng tôi vừa ký bản cam kết không tái phạm với cơ quan chức năng"
- Nam thanh niên đánh người sau va quẹt giao thông, giải thích: 'Do đang chở vợ có thai nên lo lắng'
Những ngày gần đây, cộng đồng mạng phẫn nộ câu chuyện một DJ ở Hà Nội đánh vợ. Những hình ảnh trong video được đăng tải trên mạng xã hội chỉ sau vài phút đã lan truyền chóng mặt.
Nhiều người rùng mình không hiểu tại sao người chồng đầu ấp tay gối lại có thể ra tay tàn nhẫn với người vợ anh ta từng yêu thương trong khi con mới được hơn 5 tháng tuổi.
Người chồng đã xin lỗi và cho biết bản thân bị cảm xúc che mất lí trí, trong phút nóng giận đã ra tay với vợ. Khi bị cơ quan chức năng triệu tập, DJ này cũng đã kí cam kết không tái phạm. Người vợ cũng đã lên tiếng tha thứ cho lần đầu tiên bạo hành của chồng.

Đối mặt với bạo lực gia đình, nhiều phụ nữ chỉ có hai lựa chọn: đầu tiên là chịu đựng và kiên trì bất kể thế nào. Cuối cùng thấy rằng cuộc hôn nhân này không còn giá trị. Thứ hai là ly hôn để không còn phải chịu đựng sự tra tấn cả về tinh thần lẫn thể xác.
Việc vợ chồng cãi vã và bất đồng quan điểm trong cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên trong một số trường hợp, cãi vã có thể giúp đôi bên thấu hiểu nhau hơn.
Ngược lại, nhiều người thường dùng đến bạo lực khi cãi vã. Đôi khi họ có thể ném cốc hoặc những thứ khác, hoặc thậm chí là tát, đánh đối phương.
Nếu điều này xảy ra, chúng ta không nên coi đó là chuyện nhỏ. Trên thực tế, sau lần đầu tiên, bạo lực có thể sẽ từ từ xảy ra lần thứ hai, thứ ba. Theo thời gian, đàn ông cũng sẽ giải tỏa cảm xúc theo cách này. Hành vi này đã được coi là bạo lực gia đình.
Những xung đột nhỏ trong gia đình giống như một hòn đá cuội ném vào một hồ nước yên tĩnh. Mặc dù chúng chỉ gây ra những gợn sóng nhỏ nhưng đủ để ảnh hưởng đến bầu không khí của cả gia đình.
Đối với những người đàn ông phạm tội bạo lực, họ thường gặp phải những vấn đề tâm lý nghiêm trọng, chẳng hạn như kiểm soát quá mức và bất ổn về mặt cảm xúc. Những vấn đề này không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần phải điều trị tâm lý và điều chỉnh hành vi lâu dài. Thậm chí nếu họ sẵn sàng điều trị và cố gắng sửa đổi hành vi thì cũng không có gì đảm bảo rằng họ sẽ không tái phạm bạo lực. Bởi vì một khi hành vi bạo lực đã trở thành thói quen, sẽ rất khó để xóa bỏ hoàn toàn.
Vì vậy, không nên dễ dàng tha thứ cho người đàn ông đánh phụ nữ. Sự tha thứ không có nghĩa là có thể bỏ qua lỗi lầm của họ, cũng không có nghĩa là có thể dung thứ cho hành vi bạo lực đó.
Tất nhiên, không thể khái quát hóa và nghĩ rằng tất cả những người đàn ông đánh phụ nữ đều không thể tha thứ. Hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau và một số người đàn ông chỉ thỉnh thoảng mất kiểm soát chứ không phải lúc nào cũng bạo lực. Đối với những người này, nếu họ có thể chân thành nhận ra lỗi lầm của mình và sẵn sàng nỗ lực sửa chữa thì phụ nữ có thể cân nhắc cho họ cơ hội sửa sai, chứng minh sự thay đổi bằng hành động thực tế.
Phụ nữ không nên xấu hổ khi là nạn nhân của bạo lực gia đình
Nhiều khi phụ nữ cảm thấy họ không thể nói ra những uất ức trong lòng vì cảm thấy bạo lực gia đình là một điều rất đáng xấu hổ, họ có xu hướng coi nhẹ vấn đề và tự mình giải quyết. Nhưng theo cách này, đàn ông sẽ cảm thấy bạn sợ hãi và dần dần sẽ trở nên đòi hỏi nhiều hơn.
Nếu bạo lực gia đình thực sự nghiêm trọng và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, phụ nữ nên chia sẻ cho những người xung quanh để tìm cách giúp đỡ.
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một lần bị bạo lực gia đình.
Trong đó, gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ tình trạng này.
Tính riêng tại Việt Nam, theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ công bố năm 2020, cứ 3 phụ nữ Việt Nam lại có gần 2 người (tỷ lệ 63,8%) từng bị ít nhất một hình thức bạo lực cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho hay nạn nhân bị bạo lực gia đình có 74% là nữ và 11% là trẻ em.