Báo cáo của Trạm Y tế xã Thành Công cho biết, ngày 10/4 trẻ có biểu hiện ho, gia đình không đưa đi viện khám mà tự mua thuốc điều trị tại nhà nhưng không đỡ. Ngày 16/4, trẻ ho nhiều kèm sốt, gia đình mới đưa trẻ đến trung tâm y tế huyện điều trị.
- Người đàn ông ngã gục xuống sân, tử vong khi đang chơi Pickleball
- Công an Hà Nội thu giữ hơn 1 tấn nguyên liệu 'xiên bẩn', có thể tích tụ độc tố gây ung thư
Theo thông tin từ VietNamNet, ngày 24/4, đại diện Sở Y tế Cao Bằng cho biết bệnh nhi khởi phát bệnh hôm 10/4. Sau 10 ngày, tình trạng ho trở nặng kèm sốt, gia đình đưa trẻ đến Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình để điều trị. Qua xét nghiệm và thăm khám, các bác sĩ nghi ngờ trẻ mắc bệnh ho gà.
Sau đó, bệnh nhi được chuyển tuyến, điều trị tích cực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Nhi Trung ương, tuy nhiên sức khỏe không cải thiện. Bệnh nhi tử vong ngày 20/4. Ngày 21/4, Bệnh viện Nhi Trung ương xác định nguyên nhân tử vong ban đầu là do ho gà.
Theo điều tra dịch tễ, sau sinh, bé chỉ ở nhà cùng gia đình, không tiếp xúc với người lạ. Trung tâm Y tế huyện Nguyên Bình đã điều tra dịch tễ, lấy mẫu dịch hầu họng của 3 trường hợp có triệu chứng ho sống cùng gia đình, gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để chẩn đoán, đang chờ kết quả cuối cùng. Các hộ gia đình xung quanh có trẻ nhỏ không ghi nhận ca bệnh ho, sốt.
Trạm Y tế xã đã phun khử khuẩn khu vực xung quanh gia đình bệnh nhân, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh tại nơi cư trú; giám sát tại xóm Bản Chang và các xóm lân cận nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Theo thông tin từ VnExpress, ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây qua đường hô hấp, đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ chủ yếu bị lây nhiễm từ mẹ hoặc người chăm sóc trong nhà. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn. Với trẻ sơ sinh, một số trẻ có thể không ho mà thay vào đó là tím tái hoặc thậm chí ngưng thở.
Tại Việt Nam, bệnh ho gà lưu hành ở khắp các tỉnh thành. Trường hợp có dịch ho gà, bệnh nhân thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Bệnh ho gà đã có vaccine phòng ngừa và được triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng, bắt đầu tiêm từ lúc trẻ đủ 2 tháng tuổi. Để bảo vệ trẻ không bị ho gà khi chưa đủ tuổi tiêm chủng, miễn dịch thụ động được thừa hưởng từ mẹ (kháng thể của mẹ truyền qua nhau thai) là rất cần thiết. Tiêm chủng thời kỳ mang thai giúp bảo vệ người mẹ khỏi bị nhiễm và lây bệnh ho gà cho con, đồng thời cung cấp kháng thể bảo vệ trẻ những tháng đầu đời khi chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ.